Vòng loại U23 châu Á: Vì sao không tổ chức ở Mỹ Đình?

Mặt cỏ không tốt ở sân Thống Nhất khiến thầy trò HLV Hữu Thắng gặp không ít trắc trở khi di chuyển vào Nam tham dự vòng loại U23 châu Á. Ảnh: VSI.
Mặt cỏ không tốt ở sân Thống Nhất khiến thầy trò HLV Hữu Thắng gặp không ít trắc trở khi di chuyển vào Nam tham dự vòng loại U23 châu Á. Ảnh: VSI.
TP - Sân vận động Thống Nhất, nơi tổ chức các trận đấu tại vòng loại U23 châu Á 2018 bị đánh giá có chất lượng không tốt. Quá trình chuẩn bị của đội tuyển U22 Việt Nam vì vậy gặp khó khăn.

Tại Vòng loại U23 châu Á 2018, Việt Nam là chủ nhà bảng I với các đội Timor Leste, Macau (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Đối với Việt Nam, giải đấu này được xác định là bước đệm chuẩn bị cho SEA Games 29 (Malaysia). Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vì vậy đã quyết định cử đội U22 Việt Nam của HLV Hữu Thắng tham dự.

Từ hôm 13/7 vừa qua, đội tuyển U22 Việt Nam đã từ Hà Nội di chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mặt sân vận động Thống Nhất bị đánh giá có chất lượng không tốt, cỏ cứng, nói chung là kém so với sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Điều này dẫn tới việc khâu chuẩn bị của đội tuyển U22 Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong kế hoạch hồi đầu năm, VFF đã có công văn gửi Ban Quản lý Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình để sử dụng sân Mỹ Đình cho Vòng loại U23 châu Á 2018. Nhưng sau đó, VFF đã chuyển sang lựa chọn sân vận động Thống Nhất. Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 17/7, TTK VFF Lê Hoài Anh xác nhận thông tin trên. Ông Lê Hoài Anh cho biết: “Việt Nam là chủ nhà đăng cai bảng I Vòng loại U23 châu Á 2018, do đó BTC phải cân đối nguồn tài chính để có thể đăng cai giải. Ngoài ra, chúng tôi cũng có cân nhắc thêm một số vấn đề khác nên đã chọn sân vận động Thống Nhất. Người hâm mộ TPHCM lâu nay cũng ít được theo dõi các trận đấu lớn, đây cũng là dịp để CĐV có thể tới sân cổ vũ cho đội tuyển U22 Việt Nam”.

So với sân vận động quốc gia Mỹ Đình có sức chứa 4 vạn khán giả thì sân vận động Thống Nhất (hơn 15 nghìn chỗ) nhỏ hơn rất nhiều. Theo tính toán của VFF, sức chứa sân Thống Nhất hợp lý hơn so với sức hấp dẫn của Vòng loại U23 châu Á 2018. Ngoại trừ Hàn Quốc, hai đối thủ còn lại ở bảng I là Timor Leste và Macau (Trung Quốc) đều bị đánh giá thấp hơn Việt Nam. Các trận đấu gần đây của đội tuyển Việt Nam hay các đội U diễn ra trên sân vận động Thống Nhất cũng thu hút lượng khán giả tới sân đông hơn so với sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Tuy nhiên, một lý do khác khiến VFF chuyển kế hoạch từ sân Mỹ Đình sang sân Thống Nhất là vấn đề chi phí. Cụ thể, giá do Mỹ Đình đưa ra bị cho là quá cao!

Trả lời Tiền Phong, Giám đốc Khu Liên Hợp Quốc thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa cho biết, việc lựa chọn sân nào là chuyện của VFF. “Hồi đầu năm họ có gửi công văn cho chúng tôi và Mỹ Đình đồng ý ngay. Quan điểm của chúng tôi là luôn ưu tiên phục vụ ĐTQG lên hàng đầu. Tuy nhiên sau đó VFF đổi ý không thuê nữa. Đây là vấn đề của họ”.

Theo ông Cấn Văn Nghĩa, giá thuê sân Mỹ Đình cho các trận đấu quốc tế của đội tuyển được đưa ra theo ba-rem có sẵn, nhưng với VFF, từ mức giá 350-400 triệu/trận, Mỹ Đình đã giảm xuống còn cỡ 200 triệu. “Giá như thế này còn không đủ tiền điện cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi xác định đằng nào cũng lỗ rồi, lỗ thêm một chút cũng không sao. Sau khi bàn bạc thì họ kêu không bán được vé, chi phí an ninh cao…nên không thuê nữa”-ông Cấn Văn Nghĩa cho biết.

Trong nhiều năm trở lại đây, giữa VFF và Mỹ Đình thường xuyên xảy ra chuyện “nói đi, nói lại” vì vấn đề thuê sân, do mức giá tăng cao. Một số vụ, Bộ VH-TT&DL đã phải vào cuộc chỉ đạo cả đôi bên. Năm 2011, Mỹ Đình đã có văn bản xin trực thuộc Bộ VH-TT&DL, thay vì Tổng cục TDTT theo quyết định năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, và sau đó được chấp thuận. Một lãnh đạo Tổng cục TDTT hôm qua nói, vấn đề giữa Mỹ Đình với VFF vì vậy chỉ có thể do Bộ VH-TT&DL dàn xếp nếu có vấn đề xảy ra, Tổng cục không đủ thẩm quyền.

MỚI - NÓNG