Vốn trái phiếu Chính phủ ứ đọng luôn nằm trong kho bạc?

TP - Sau khi Tiền Phong ngày 28/11 đăng bài “Phát hành trái phiếu: Vay tiền về để đó”, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) Nguyễn Hồng Hà đã trả lời báo chí một số nội dung liên quan chuyện huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP). Theo lãnh đạo đơn vị này, không có chuyện “ứ vốn” trái phiếu.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, năm 2017, Kho bạc Nhà nước (KBNN) được giao phát hành 183.300 tỷ đồng TPCP. “Số vốn này dùng bù đắp bội chi ngân sách; chi đầu tư phát triển; trả nợ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tới tháng 10 vừa qua, căn cứ tình hình thực hiện và tiến độ giải ngân chậm, KBNN đã đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Quốc hội quyết định giảm số vốn huy động còn 169.267 tỷ đồng (giảm 14.033 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm)”, ông Hà cho biết. 

Tới nay, KBNN đã huy động hơn 157.374 tỷ đồng trái phiếu (đạt 92% kế hoạch năm). Với lãi suất bình quân 6,09%/năm. Tuy nhiên, chi đầu tư phát triển từ vốn trái phiếu vẫn chậm, tới hết ngày 15/11, mới giải ngân qua KBNN hơn 9.509 tỷ đồng.

Về câu hỏi giải ngân vốn trái phiếu chậm, nên vốn bị ứ đọng tại KBNN trong khi ngân sách vẫn phải chi trả lãi suất. Thậm chí, phải đem vốn “gửi ngược” trở lại các tổ chức tài chính? Ông Hà khẳng định: Vốn TPCP năm 2017 đã được sử dụng cho các mục tiêu: Chi trả các khoản nợ đến hạn, giải ngân cho các công trình trọng điểm và bù đắp bội chi ngân sách. Trong đó, vốn chủ yếu được sử dụng để chi trả các khoản nợ đến hạn của ngân sách nhà nước. “Nên không có việc chúng tôi huy động thừa vốn phải gửi ngân hàng đợi giải ngân”, ông Hà nói. 

Tuy nhiên theo phân tích của một chuyên gia tài chính, chỉ tính số vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển đã huy động năm 2016, nhưng chưa tiêu hết phải chuyển sang năm 2017 để tiếp tục tiêu đã hơn 10.600 tỷ đồng. Và như KBNN cung cấp, số vốn này mới giải ngân được hơn 3.900 tỷ đồng (chỉ đạt hơn 37% kế hoạch phải tiêu hết trong năm nay). Như vậy nếu tính theo mức lãi suất bình quân 6 %/năm, thì 1 năm qua riêng khoản chưa giải ngân này đã lấy đi của ngân sách nhà nước khoảng 600 tỷ đồng tiền lãi. Nếu trừ đi gần 4.000 tỷ đồng (trong 10.600 tỷ) đã giải ngân trong hơn 10 tháng đầu năm 2017, phần tiền còn lại ngân sách nhà nước đã phải trả lãi hơn 300 tỷ đồng.

“Dù lãnh đạo KBNN nói không có trái phiếu ứ đọng, không phải đem gửi ngân hàng, nhưng thực tế số tiền đã huy động năm 2016 chuyển sang năm nay vẫn nằm đó. Thậm chí, hơn nửa số tiền đó vẫn chưa giải ngân được. Số tiền này đã có nhiệm vụ chi rõ ràng, không thể dùng chi cho việc khác. Chưa kể số tiền huy động trái phiếu từ đầu năm tới nay để dùng cho đầu tư phát triển, tới nay cũng chỉ giải ngân được hơn 10%”, vị chuyên gia này phân tích.

Theo Kho bạc Nhà nước, tới hết 15/11, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 mới đạt 5.533 tỷ đồng, trên tổng kế hoạch 25.555 tỷ đồng (đạt 21,6% kế hoạch năm); giải ngân vốn trái phiếu năm 2016 chuyển sang 2017 mới đạt 3.976 tỷ đồng, trên tổng vốn phải giải ngân là 10.629 tỷ đồng (mới đạt 37,4% kế hoạch năm). 

Ngoài ra, vốn trái phiếu Chính phủ dùng thanh toán cho các nhà đầu tư tới hạn khoảng 172.000 tỷ đồng. Trong đó, chi trả nợ gốc 95.000 tỷ đồng, chi trả lãi 76.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn dùng chi cho các công trình trọng điểm quốc gia, bù đắp bội chi ngân sách.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.