Bài 1: “Cõng vốn” lên núi Ngọc Linh trồng sâm quý
Đến Tu Mơ Rông, một huyện nghèo nằm mãi tít vùng sâu, vùng xa của tỉnh mới hiểu vì sao nơi đây, bà con dân tộc Xê Đăng biết ơn đồng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước cho vay ưu đãi đến vậy.
Khởi nghiệp bằng vốn vay NHCS
Đường từ thủ phủ Kon Tum đến huyện vừa xa tới 70 km, lại cheo leo bởi bám quanh núi, triền miên nối dài chỉ đồi đất cứng. Từ trung tâm thị trấn phải đi tiếp gần 30 km, mới đến được Ngọc Lây, một trong 3 xã của Tu Mơ Rông - nơi cây sâm Ngọc Linh được UBND tỉnh Kon Tum đánh dấu trên bản đồ địa lý.
Hơn 1 giờ đi bộ 3 km xuyên rừng theo hướng lên đỉnh dãy núi Ngọc Linh, vượt qua 2 chốt chặn bảo vệ nơi có khu vực trồng sâm của công ty và người dân, chúng tôi đến chốt chặn thứ 3 - ở độ cao 2.000 m. Đang được giao quản lý khu vực này là anh A Điện Trung, Bí thư đảng uỷ xã Ngọc Lây kiêm ông chủ vườn sâm. A Điện Trung sinh năm 1979 , dân tộc Xê Đăng có vóc người nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn. Bữa nay dẫn khách lên rừng, A Điện Trung đi như chạy khiến nhóm báo chí cùng nhóm cán bộ NHCSXh theo “đứt hơi” không kịp.
Lên tới vườn sâm, sau khi cho chúng tôi ngó nghiêng từng gốc sâm nhỏ, A Trung kể: cách đây dăm năm, bắt đầu tính đến trồng sâm. Những đồng vốn đầu tiên anh vay của NHCSXH theo diện sản xuất kinh doanh cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với mức vay 50 triệu và đầu tư cả vào cây sâm giống. Nhắc đến vay vốn ngân hàng, anh A Điện Trung bảo: “Hai năm nay, cả gia đình phải gom từ nhiều nguồn khác để đầu tư vào vườn sâm như chăn nuôi, bán bò, thu cây dược liệu nhưng tôi thực sự biết ơn những đồng vốn ưu đãi NHCS cho mượn đầu tiên”.
Trải ra trước mắt chúng tôi đang là những ô đất trồng sâm nằm rải rác dưới các tán cây rừng xum xuê ( sâm chỉ sống được ở nơi có độ tán che phủ chỉ 10-20% ánh sáng lọt vào). Vườn sâm của anh A Điện Trung hiện giờ có 12 lao động đều là bà con dân tộc. Họ thường xuyên có mặt ăn ngủ và trông cây sâm cả ngày lẫn đêm .“Vất vả nhất là vào mùa sâm ngủ đông xong bắt đầu nảy lá, lũ chuột rừng trên núi mò ra ăn sâm rất nhiều. Ngoài bẫy và chông phòng chống trộm và thú, anh em phải thắp đèn luân phiên canh gác cả đêm”. A Trung kể.
Chỉ cây sâm 5 năm tuổi duy nhất đã một lần đơm hoa được trả giá tới 150 triệu đồng, anh bảo đã từ chối không bán mà để chờ 1 bông hoa đơm trái sẽ cho ra khoảng 100 hạt giống sau đó sẽ chọn được 70 hạt để ươm cây.
Thoát nghèo nhờ sâm quý
Nhưng trồng sâm Ngọc Linh quá cầu kỳ. Phải đầu tư từ 10 năm trở ra bà con mới bắt đầu bán được củ nên phổ biến ở xã Ngọc Lây vài năm trở lại đây là mô hình trồng sâm dây.
Tại vườn sâm dây của chị Y Bờ Lúc ngay sát mép một quả đồi (thôn Măng Ru), chủ vườn sâm kể: Vào tháng 4/ 2017, được sự khuyến khích của xã, chị lần đầu vay NHCS số tiền 40 triệu đồng để làm kinh tế theo diện hộ nghèo. Từ đó đến nay, sâm dây đã cho thu hoạch và bán được 10 triệu. Cùng gom góp từ các nguồn chăn nuôi khác, nay chị đã trả ngân hàng được tới 15 triệu. Năm nay, với dự tính bán sâm dây sẽ thu được gấp đôi khoảng 20 triệu, chị Y Bờ nói sẽ đầu tư củ nhỏ trồng tiếp”. Hỏi về nhu cầu vay vốn, chị Y Bờ Lúc nói muốn vay thêm lắm. “Đất trong rừng có sẵn, gia đình mình có mấy anh chị em cùng làm. Nhưng giờ bí nhất là tiền để đầu tư nông cụ sản xuất. Minh cần mua cái máy bơm và ống để dẫn nước lên tưới cây. Chứ năm vừa rồi hạn, phải đi xa gánh nước tưới sâm cực lắm”, chị kể.
Theo ban lãnh đạo xã Ngọc Lây, mô hình trồng sâm củ Ngọc Linh và sâm dây đang là cứu cánh để bà con xã Ngọc Lây có cơ hội thoát nghèo.
Anh Bình, Phó chủ tịch xã Ngọc Lây cung cấp thêm: hiện dư nợ toàn xã là 10 tỷ đồng với 335 hộ vay, mức vay tối đa là 50 triệu/hộ. “Bà con đều đang ngóng việc mức vay vốn được tăng lên 100 triệu như Chính phủ và NHCS thông báo. Nếu vay được thêm, các hộ nghèo và cận nghèo sẽ phát triển chăn nuôi, trồng cây dược liệu, anh Bình khẳng định và còn cho biết thêm: Bà con vay tiền về nay đã có ý thức hết rồi. Xã đã cử cán bộ đi vô gặp các hộ đang phát triển sâm Ngọc linh và trồng sâm dây. Các hộ giờ đang học hỏi nhau để triển khai bài bản”.
Tận thấy vườn sâm của A Trung, Phó giám đốc NHCS KonTum Nguyễn Văn Tuấn người cùng đoàn đi khảo sát để sắp tới tăng vốn vay diện tạo công ăn việc làm cho người lao động nhận định: “Anh Trung không thuộc diện hộ nghèo nhưng lại là hộ cá thể tạo việc làm cho lao động là bà con dân tộc, sắp tới có thể anh ý sẽ được tăng mức vay theo kinh doanh sản xuất. Dù thực sự NHCS vẫn còn khó khăn về nguồn vốn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng ưu tiên những mô hình này. Bản thân dự án trồng sâm quý Ngọc Linh cũng nằm trong diện ưu tiên của tỉnh, của huyện thời gian tới”. anh Tuấn nói.
Vốn ưu đãi giúp hàng trăm hộ thoát nghèo
Tại trụ sở huyện yu Mơ Rông, Phó Bí thư huyện uỷ Tu Mơ Rông- Võ Trung Mạnh đã cập nhật cho chúng tôi những thông tin cơ bản. Huyện Tu Mơ Rông được thành lập từ tháng 6/2005, là huyện miền núi thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Nằm ở Đông-Bắc tỉnh Kon Tum, huyện có diện tích tự nhiên 857,18 km2, dân số toàn huyện gần 26 nghìn người, với 6.158 hộ, trong đó dân tộc thiểu số 5.964 hộ, chiếm 96,8%, với 7 dân tộc anh em đang sinh sống. Đến cuối năm 2018, toàn huyện có 3.219 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 52,27%, giảm 6,39% so với năm 2017.
Theo Phó Bí thư Mạnh, với khí hậu ở độ cao nhất là đỉnh núi Ngọc Linh 2.600m, bà con nơi đây chủ yếu tập trung vào phát triển trông cây dược liệu. Thu nhập bình quân đầu người hiện vào khoảng 20 triệu đồng/hộ/năm. “Năm 2018, số hộ vay qua NHCS tăng lên rất nhiều, chỉ có 6.000 hộ nhưng tính ra đã có tới 18.000 lượt vay. Bà con vay vốn hiệu quả nhất là chăn nuôi trồng dược liệu nên rất phấn khởi”, vị lãnh đạo huyện chia sẻ.
Tại sao bà con dân tộc trên đất này không làm giàu từ củ sâm? Trăn trở đó, được lãnh đạo huyện lý giải: vốn cây giống hiện rơi vào 300-350 ngàn/cây. Mà một cây lớn lên rồi trong 1 năm cũng chỉ ra một lá và 1 khoai duy nhất ( hoa) mà trồng không cẩn thận thì rất khó vì trồng sâm trên núi không thể ken đặc được Theo ông, còn cái khó nữa dù tỉnh đã có Nghị quyết về lồng vốn vay 135 và 30a vào vay vốn ngân hàng, nhưng vì hạn chế, bà con không dám vay nhiều bởi sợ lúc trả. “Trước thời kỳ năm 2005, có những người vay tiền xong bỏ ống đến kỳ đem ra trả lãi. Để làm được như bây giờ, chính quyền từ tỉnh tới huyện phải rất quyết tâm, cái khó là làm sao để bà con thay đổi tư duy phong cách làm ăn”, Phó Bí thư Mạnh khẳng định.
Nói về hiệu quả của các chương trình tín dụng trong việc góp phần thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, Phó giám đốc NHCS huyện Tu Mơ Rông đi cùng chúng tôi cho biết: Từ vốn vay tín dụng chính sách góp phần tăng đàn trâu, bò lên 17 nghìn con; tăng diện tích trồng bời lời, cà phê lên 283 ha; tạo việc làm mới cho 324 lao động, xây dựng 1.500 căn nhà ở cho hộ, và xây dựng được 1.098 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn. Cũng từ đây, huyện đã xuất hiện những nhân tố điển hình như ông Vi Văn Thiệu xã Đăk Rơ Ông (chăn nuôi trâu sinh sản); Ông A Mốc, A Phước xã Ngok Lây (Trồng Sâm Ngọc Linh).
Tu Mơ Rông là huyện nghèo thuộc diện 30a được điểm danh trong số 62 huyện nghèo của cả nước. Hơn một năm trở lại đây, Tu Mơ Rông đột nhiên có tên tuổi và có dấu hiệu đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ định hướng trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác của Chính phủ và tỉnh dành cho. Quan trọng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ đồng vốn vay qua NHCS.
Theo báo cáo của NHCSXH huyện Tu Mơ Rông, tổng nguồn vốn ngân hàng tính đến 31/12/2018 đạt 328.379 triệu đồng, tăng 308.420 triệu đồng so với khi mới thành lập. Đến nay, NHCSXH huyện đã và đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số cho vay trong 10 năm qua đạt 601.400 triệu đồng, với 36.407 lượt hộ vay vốn. Đến 31/12/2018, tổng dư nợ đạt 300.262 triệu đồng, tăng 280.105 triệu đồng so với lúc nhận bàn giao, với 5.910 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.