Nhân vật chính là nữ bác sĩ Phương Anh xinh đẹp, thành đạt và giàu có (Phương Anh Đào). Chồng cô Thiên Minh (Hiếu Nguyễn) là doanh nhân giỏi giang. Họ ở trong một biệt thự thênh thang mà không có lấy một bóng gia nhân. Phương Anh đêm nào cũng gặp ác mộng. Trong đó kết cục thể nào cô cũng bị đâm tóe máu và choàng tỉnh. Tỉnh dậy thậm chí vẫn còn thấy máu… một lúc. Tức là những giấc mơ có xu hướng đan xen với hiện thực. Một khởi đầu gây tò mò, khá hấp dẫn.
Vậy nhưng sự việc cứ thế lặp đi lặp lại khiến Phương Anh rất mệt mỏi và khán giả cũng phát chán. Nghĩa là những giấc mơ vẫn chỉ có thế, không hề được nâng cấp. Nhân vật lúc nào cũng lơ ngơ, không có vẻ gì muốn rút kinh nghiệm. Toàn thấy những cảnh cô lao vào những nơi rõ ràng tiềm ẩn nguy hiểm. Như thể chủ động đi tìm “cảm giác mạnh” vậy. Nếu quả thực như vậy thì cũng là một kiểu tính cách nhân vật rất hay đáng để khai thác. Còn trong trường hợp này chẳng qua do tác giả phim hơi lười sáng tạo?!
Do tình tiết lặp lại không có sự phát triển nên khán giả chỉ giật mình theo phản xạ mỗi khi tên sát nhân vô diện xồ ra chứ chẳng có gì đáng sợ. Sau đó là quá trình Phương Anh nghi ngờ giận dỗi khi người thân, đồng nghiệp cho là đầu óc cô có vấn đề. Trong khi đúng là nó có vấn đề thật và chính cô cũng biết điều đó nên mới đi gặp bác sĩ tâm lý. Nói chung nhân vật hành xử bị đơn giản, không cho thấy đầu óc của một bác sĩ phẫu thuật giỏi. Dù không phải chuyên khoa tâm thần nhưng ít ra Phương Anh cũng phải có đầu óc phân tích và đem các kiến thức y khoa tổng hợp ra áp dụng chứ cứ mất bình tĩnh như vậy không ra dáng lắm.
Những cuộc gặp với bác sĩ tâm lý cũng nhát gừng, không hé lộ được nội dung gì hay ho, sâu sắc. Bác sĩ áng chừng cũng thấy sốt ruột vì bệnh nhân không tiến triển nên buông một câu kiểu như: “Nếu chị không cố nhớ ra những gì mình muốn che giấu thì trị liệu nữa cũng vô ích”. Vậy là sao?
Rồi đùng một cái phim chuyển sang phần phá án. Té ra Phương Anh tỏ ra lơ ngơ trước khán giả nhưng cũng đã có những suy đoán riêng để vạch mặt tên sát nhân. May mà cô đoán nhầm chứ vạch mặt thẳng thừng kiểu đó chẳng khác nào mời sát thủ trừ khử mình. Tóm lại nhân vật vẫn chẳng hề rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho mình đường thoát thân.
Cuối cùng kẻ sát nhân xem chừng chán quá nên đành phải tự lộ diện. Và ngay cả kẻ này sau bao lần qua mặt Phương Anh và nhiều người khác khi lột mặt nạ ra rồi, cũng bất chợt trở nên manh động và mất bình tĩnh. Không hề giống một kẻ mưu mô, từng lên những kế hoạch sít sao đến từng giây.
Nhưng phim vẫn chưa xong vì tác giả cũng biết chỉ giải quyết thế thì vẫn còn nhiều chỗ hổng. Nên còn thêm một đoạn nữa để vạch mặt kẻ biến thái tiếp theo. Điều thú vị là hai kẻ này không biết gì về âm mưu của nhau. Vô tình mà chúng lại phối hợp một cách nhịp nhàng để làm cho Phương Anh một phen khốn đốn.
Đoạn này nếu diễn giải ra chắc chắn sẽ gay cấn và khó dàn dựng nên phim chỉ gói gọn trong mấy phút cuối, dùng tiếng ngoài hình của nhân vật để thuyết minh. Nếu không, đảm bảo khán giả không hiểu mô tê gì luôn. Và lý giải chung cuộc của Phương Anh cũng không thể giải quyết được hết mâu thuẫn của kịch bản. Khán giả chỉ có thể đoán sơ bộ là nhân vật có hai nhân cách, hoặc vì quá khủng hoảng mà tự phân thân như thế. Từ đầu đến giờ khán giả được xem phiên bản ngây thơ chứ không phải nhân vật giả vờ để lừa khán giả.
Do phải diễn quá nhiều cảnh bị săn đuổi, sát thương nên Phương Anh Đào nói đùa, quay xong phim thì trán của cô đã có thêm nhiều nếp nhăn. |
Phim chơi chiêu này quả là độc: Dùng một nhân vật chưa hề xuất hiện, xuất hiện cũng như không để lý giải toàn bộ nội dung. Tóm lại, nhân vật này điều khiển các tình huống từ đầu tới cuối, nhưng còn ghê gớm hơn kẻ sát nhân ở điểm không thèm lộ diện. Hóa ra từ đầu đến cuối, khán giả được xem một bộ phim vắng bóng nhân vật chính. Thảo nào cứ thiếu thiếu, nhàn nhạt…
Nói chung ai thích xem phim kinh dị mà sợ về bị ám ảnh thì cứ yên tâm xem phim này và các phim kinh dị Việt Nam (gần đây) nói chung. Đợt nghỉ lễ này có thêm Cù lao xác sống- phim zombie Việt đầu tiên ra mắt. Cũng mong là khán giả được sợ và xem xong còn nhớ về phim.