Vỡ đập thủy điện Lào: Lụt ở Campuchia

Một người dân ở huyện Sanamxay đang cố kéo con bò của gia đình đã bị chết đuối. Ảnh: AFP/Nation.
Một người dân ở huyện Sanamxay đang cố kéo con bò của gia đình đã bị chết đuối. Ảnh: AFP/Nation.
TP - Khoảng 5.000 người ở huyện Siem Pang, tỉnh Stung Treng (Campuchia) đã phải sơ tán vì nước lụt đổ về từ sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào. Tỉnh trưởng Stung Treng Mom Saroeun nói với Phnom Penh Post rằng có gần 1.300 hộ gia đình ở Campuchia chịu ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập. Stung treng nằm ở phía bắc Campuchia, chỉ cách biên giới với Lào 50km.

Không chỉ Stung Treng, một địa phương khác ở Campuchia là Kratie cũng đang đứng trước nguy cơ ngập lụt. Theo Nation, nước lụt từ sự cố vỡ đập ở huyện Sanamxay, Attapeu, Lào không nhanh chóng rút đi bởi nước trên sông Mekong đang ở mức cao.

Hôm thứ Tư vừa rồi, Ủy hội Sông Mekong đã ra cảnh báo lũ lụt đối với hai tỉnh Stung Treng và Kratie của Campuchia. Vùng này kẹp giữa khu vực vỡ đập và dòng nước từ  thượng nguồn Mekong đổ về.

Hôm qua, tại huyện Sanamxay, Attapeu, nước  đã rút. Các bức ảnh của Vientiane Times cho thấy  người ta đã có thể dùng xe công nông tiếp cận một số làng vốn đã bị chia cắt mấy hôm nay.

Tuy nhiên, một lượng nước lớn từ hồ chứa của đập thủy điện đang đổ xuống sông Sekong chảy về phía Campuchia.

Ðã có chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng ngập lụt ở Campuchia sẽ còn kéo dài và nghiêm trọng, bởi nước từ con đập vỡ sẽ hòa cùng dòng nước đang dâng lên của sông Mekong dưới tác động của cơn bão Sơn Tinh.Việc này khiến tình trạng ngập lụt càng trầm trọng và nước càng khó rút ra biển. “Ước tính hơn 870 triệu m3 đã được “giải phóng” sau sự cố vỡ đập. Số nước này đổ cả vào sông Xe Pian và rồi chảy vào sông Sekong. Sau đó lại đổ vào sông Mekong ở tỉnh Stung treng (Campuchia) rồi ra biển sau khi qua vùng ÐBSCL của Việt Nam”, chuyên gia thủy lợi Thái Lan Chawalit Chantararat giải thích. Dân cư vùng hạ du Sekong và Mekong ở Campuchia đang phải đối mặt với tình huống khó khăn. Trước khi xảy ra sự cố vỡ đập, Stung Treng và Kratie đã chịu ngập lụt vì nước sông Mekong dâng cao.

Ông Chawalit là giám đốc Team Group, chính là công ty đã thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy.

Cứu hộ vẫn tiếp tục

Công tác cứu hộ vẫn được giới chức Lào và các đội tình nguyện viên quốc tế khẩn trương thực hiện. Theo TTXVN, đến 12 giờ trưa qua (giờ địa phương), lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Attapeu đã giải cứu được 72 gia đình với 413 người, trong đó có 199 phụ nữ. Số người được cứu chủ yếu tập trung ở 6 làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự cố vỡ đập thủy điện. 15 giờ ngày 27/7, một chiếc trực thăng cứu hộ đã đưa 30 người từ vùng cô lập đến nơi an toàn. Hiện toàn bộ số người dân được giải cứu đã được bố trí ăn ở tại khu vực trung tâm hành chính huyện Sanamxay trong tình trạng sức khỏe tốt.

Bangkok Post cho hay các tình nguyện viên Thái Lan và lực lượng cứu hộ Lào hôm qua đã cứu được 14 người mắc kẹt trong dòng nước lụt tại một địa điểm gần nơi vỡ đập. Ðội cứu hộ nói có bảy người lớn, sáu trẻ em và một chú chó đã được tìm thấy trên một gò đất cao ở Ban Xai Don Khong, huyện Sanamxay.Trong số này có một cháu bé mới bốn tháng tuổi.

Cho đến nay, giới chức xác nhận có 5 người chết và hàng trăm người vẫn mất tích, theoVientiane Times. Trong khi đó, một số tờ báo nước ngoài nói đã có 27 người thiệt mạng và thủ tướng Lào xác nhận 131 người mất tích. Hôm qua, tỉnh trưởng tỉnh Attapeu Leth Xayaphone nói mới chỉ xác nhận 5 người chết, các thông tin trước đó là chưa chính xác, theo Nation.

MỚI - NÓNG