Vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn: Xin bán tài sản 'giúp' chồng thoát án tử

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
TP - Sáng 24/4, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank đề nghị được bán tài sản cá nhân để giúp chồng khắc phục hậu quả, mong chồng thoát án tử hình.

Khắc phục 3/4 tài sản tham ô sẽ được giảm án

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank bị toà sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình về tội tham ô tài sản; án chung thân về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; án 17 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt cho cả ba tội danh là tử hình. Ngoài ra, về phần trách nhiệm dân sự, bị cáo Sơn còn buộc phải bồi thường 49 tỷ đồng ở tội “Tham ô tài sản”; 69 tỷ đồng ở tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và liên đới bồi thường trong khoản tiền 197 tỷ đồng ở tội “Cố ý làm trái…”.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng bản thân không tham ô tài sản và không chiếm đoạt tài sản nên gửi đơn kháng cáo với hai tội danh này, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị được xem xét lại trách nhiệm dân sự về hành vi cố ý làm trái.

Trình bày với HĐXX sáng 24/4, bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết, từ khi chồng bị kết tội tham ô, gia đình bà đã tập trung toàn bộ thời gian và sức lực để kêu oan cho chồng. Bà Xuân cho rằng trong nhiều tài sản bị kê biên có sản chung của vợ chồng bà Xuân được hình thành từ trước thời điểm bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc Oceanbank, song bà Xuân sẵn sàng dùng tài sản riêng hỗ trợ cho chồng khắc phục hậu quả với mong muốn chồng bà không phải nhận mức án tử hình. Không chỉ vợ, trước đó bố mẹ đẻ bị cáo Sơn cũng có đơn xin được lấy tài sản của họ để hỗ trợ bị cáo khắc phục hậu quả.

 “Đây là cơ hội duy nhất được trình bày trước tòa. Tôi nhận thấy HĐXX rất dân chủ và có niềm tin HĐXX sẽ xem xét khách quan đúng pháp luật. Tôi mong được dùng tài sản riêng hỗ trợ cho chồng, dù sống trong cảnh tù đầy...”- bà Xuân cũng đề nghị được giữ lại căn nhà đang ở để nuôi mẹ già 92 tuổi.

Trước đó, bị cáo Sơn cũng đề cập xin được giữ căn nhà này vì căn nhà được mua bởi phần lớn tiền của mẹ vợ bị cáo. Trước đề nghị của bà Xuân, HĐXX giải thích: khắc phục hậu quả là tình tiết xem xét giảm nhẹ hình phạt, nhất là đối với tội tham ô, khắc phục 3/4 tài sản sẽ được giảm từ tử hình xuống chung thân, ở giai đoạn nào thì tính đến giai đoạn đó.

"Đòi" được đền bù như PVN

Cũng trong sáng 24/4, đại diện công ty có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã trình bày nội dung kháng cáo, đề nghị HĐXX xem xét, tuyên buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trả lại 20% số tiền đã chiếm đoạt. Cụ thể, trình bày trước toà, bà Lâm Khánh Hồng, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH VNT cho biết, công ty này là cổ đông chiếm 20% của Oceanbank, nên đề nghị khi tòa xác định PVN có quyền lợi thì VNT cũng phải có quyền lợi như vậy.

Theo người đại diện của VNT, tổng số tiền hơn 1.576 tỷ là chi lãi ngoài, trong đó có khoản tiền bị cáo Sơn chiếm đoạt, tòa sơ thẩm tuyên ông Sơn trả cho PVN 49 tỷ đồng. Do vậy, VNT cũng là đơn vị sở hữu 20% vốn của Oceanbank thì cũng phải có quyền lợi 20% của số tiền 246 tỷ mà ông Sơn lấy của ngân hàng.

“Trong nội dung đơn kháng cáo yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức đã nhận tiền lãi phải trả lại cho VNT, thì đòi hỏi này là hợp lý nhưng khó khả thi bởi: Thứ nhất là trên toàn quốc; Thứ hai, họ là đối tượng được OceanBank tặng thưởng, cảm ơn, không dễ gì để đòi được số tiền đã nhận để triển khai việc đòi. Có chăng, số tiền 246 tỷ mà Sơn đã nhận từ ngân hàng nếu tòa tuyên ông Sơn phải trả theo tỷ lệ cho PVN thì HĐXX sẽ xem xét đến quyền lợi của VNT. Bản án phúc thẩm sẽ đương nhiên có hiệu lực ngay, nhưng VNT có quyền lợi ngay đó là khởi kiện theo một phiên tòa khác”- Chủ tọa Ngô Hồng Phúc trả lời đại diện VNT.

Theo HĐXX, tại tòa sơ thẩm tòa không tuyên bồi thường cho VNT, nhưng VNT đã có kháng cáo thì HĐXX tòa phúc thẩm sẽ xem xét. Ngoài ra, Cơ quan điều tra đang điều tra thêm ở các vụ án khác những hành vi tương tự, do vậy giả sử có thể thu hồi được khoản tiền lãi ngoài thì sẽ xem xét quyền lợi theo tỷ lệ phần trăm cho công ty. Cũng theo HĐXX, hiện còn hơn 3.000 người nhận lãi ngoài chưa trả lại cho ngân hàng.

Trước đề nghị của bà Xuân, HĐXX giải thích: khắc phục hậu quả là tình tiết xem xét giảm nhẹ, nhất là đối với tội tham ô, khắc phục 3/4 tài sản sẽ được giảm từ tử hình xuống chung thân, ở giai đoạn nào thì tính đến giai đoạn đó.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.