Vĩnh Long chi gần 750 triệu đồng cho Vương quốc gốm đỏ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt các đề án khuyến công năm 2023 thực hiện Đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định phê duyệt 6 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất gốm tại 6 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí gần 750 triệu đồng từ Đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025.

UBND tỉnh Vĩnh Long giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các đề án theo đúng quy định hiện hành.

Vĩnh Long chi gần 750 triệu đồng cho Vương quốc gốm đỏ ảnh 1

Sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long. Ảnh: CK

Vĩnh Long được biết đến là Vương quốc gốm đỏ ở miền Tây. Ngành sản xuất gốm đất nung nơi đây phát triển mạnh trong giai đoạn 1997-2007. Sản phẩm “Gốm đỏ Vĩnh Long” có sắc đỏ đặc trưng, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Sản xuất gốm đỏ đã mang lại giá trị kinh tế cao và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2008, ngành sản xuất gốm đỏ gặp khó khăn về thị trường đầu ra, giá cả đầu vào, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường… dẫn đến quy mô, giá trị và sản lượng giảm sút.

Để hỗ trợ ngành gốm khôi phục, phát triển sản xuất, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành đề án Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ giai đoạn 2016-2020. Kết quả của đề án đã giải quyết được vấn đề về môi trường, tiết kiệm được nhiên liệu, thời gian nung nên giá sản phẩm có cạnh tranh hơn so với trước…

Vĩnh Long chi gần 750 triệu đồng cho Vương quốc gốm đỏ ảnh 2

Theo đề án giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục duy trì và phát triển ngành sản xuất gốm góp phần bảo tồn các làng nghề gốm, tạo việc làm, tăng thu nhập người dân...

Đề án sẽ tập trung nâng cao tay nghề, năng lực sản xuất, quản lý cho các cơ sở, doanh nghiệp gốm thông qua các lớp đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất gốm, thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, tham gia hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử...

Vĩnh Long chi gần 750 triệu đồng cho Vương quốc gốm đỏ ảnh 3

Bên cạnh đó, tỉnh duy trì nguồn nguyên liệu sét tại chỗ phục vụ hoạt động sản xuất gốm, thực hiện quy hoạch tài nguyên khoáng sản sét để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất gốm trong lập phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề án cũng hỗ trợ Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long chi phí xây dựng phòng trưng bày và mua thiết bị, dụng cụ quản lý phục vụ trưng bày các sản phẩm gốm phục vụ tham quan, triển lãm, giới thiệu sản phẩm gốm đến khách hàng, phát triển sản phẩm gốm làm quà tặng phục vụ du lịch… Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 9 tỷ đồng.

Vĩnh Long chi gần 750 triệu đồng cho Vương quốc gốm đỏ ảnh 4

Một góc làng nghề sản xuất gạch gốm ở Di sản đương đại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Trước đó, đề án Di sản đương đại Mang Thít ra đời được hình thành dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 ha và một phần vùng đệm khoảng 5.000 ha thuộc phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển đề án.

Lãnh đạo UBND huyện Mang Thít kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở gạch, gốm và hộ dân có lò gạch truyền thống nên bảo quản, giữ gìn, dừng tháo dỡ lò gạch và cùng với chính quyền địa phương tham gia phát triển đề án, xây dựng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, biến “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại độc đáo có tầm cỡ quốc tế.

MỚI - NÓNG