Cấm nhưng vẫn ưu ái cho 1 công ty
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo UBND thành phố Hạ Long thông báo cho các cá nhân, tổ chức chấm dứt việc tổ chức ăn uống trong các hang động trên vịnh Hạ Long trước ngày 30/9/2016.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh lại đưa ra yêu cầu đối với Công ty Cổ phần dịch vụ vịnh Hạ Long (Công ty được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép tổ chức dạ tiệc trong hang động từ năm 2005) chấm dứt hoạt động ăn uống trong hang động trên vịnh Hạ Long trước ngày 30/10/2016. Như vậy, riêng Công ty Cổ phẩn dịch vụ vịnh Hạ Long được “ưu ái” hoạt động thêm 1 tháng so với các cá nhân, tổ chức khác.
“Cuộc kiểm tra khảo sát theo phản ánh của báo chí ngày 5/9 là lần đầu tiên tôi được ra hang động”.
Ông Phạm Hồng Ha, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long
Trước đó, UBND thành phố Hạ Long đã đề xuất UBND tỉnh cho phép các hoạt động ăn uống trong hang động được tiếp tục đến 31/12/2016 với lý do: các công ty du lịch đã nhận rất nhiều đơn đặt tiệc của khách hàng nên không thể chấm dứt sớm. Đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân và các chuyên gia về môi trường.
Tại Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ ngày 8/9, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long đã xác nhận những thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí là đúng sự thật. “Loại hình dịch vụ này đang nhận được nhiều sự ủng hộ của khách hàng cao cấp, kéo dài thêm thời gian lưu trú trên vịnh. Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo. Nhưng qua thời gian dài hoạt động, về số lượng chúng tôi chưa kiểm soát được” - ông Phạm Hồng Hà nói.
Khi phóng viên Tiền Phong hỏi: Trong quá trình kiểm tra các hang động ngày 5/9, UBND thành phố Hạ Long có mời các chuyên gia về môi trường, hang động cùng khảo sát hay không mà đã vội vàng đưa ra kết luận các hoạt động ăn uống không ảnh hưởng đến di sản vịnh Hạ Long? “Đấy chỉ là cuộc kiểm tra, khảo sát tình hình phản ánh của báo chí, nên UBND thành phố Hạ Long không mời các chuyên gia”, ông Hà trả lời.
Với tư cách là Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long nhưng ông Hà thú nhận “cuộc kiểm tra khảo sát theo phản ánh của báo chí ngày 5/9 là lần đầu tiên tôi được ra hang động”.
Ai sai và phạt ai?
Năm 2005 Quảng Ninh cấp phép cho Công ty Cổ phần dịch vụ vịnh Hạ Long tổ chức dịch vụ ăn tối, biểu diễn nghệ thuật tại hang Trống trên vịnh Hạ Long, nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch phục vụ khách. Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều công ty du lịch trên địa bàn cũng tổ chức loại hình dịch vụ này mặc dù không được cấp phép. Đặc biệt, không chỉ riêng hang Trống mà Hồ Động Tiên, hang Tiên Ông, hang Cỏ, hang Trinh Nữ... đều được trưng dụng làm phòng tiệc. Tất cả các hang động này đều nằm trong vùng lõi của di sản vịnh Hạ Long, được đánh giá có hệ sinh thái hang động độc đáo và nằm ở các vị trí đắc địa. Đã hơn 10 năm nay, các hang động này trở thành phòng tiệc miễn phí của các công ty du lịch.
Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh có quy hoạch chi tiết bảo tồn di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020. Văn bản này ghi: Tại các hang động trên vịnh Hạ Long đều không có dịch vụ ăn uống và hạn chế đến mức tối đa tác động của con người đối với di tích. Nhưng tình trạng tổ chức tiệc tại các hang động này ngày càng quy mô và biến tướng thành những bữa tiệc siêu sang chỉ phục vụ khách Vip.
Khi các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh tình trạng xâm hại di sản vịnh Hạ Long, các cơ quan chức năng mới kiểm tra, rà soát và có quyết định cho dừng loại hình dịch vụ này. Nhưng, Ban quản lý vịnh Hạ Long vẫn chưa đánh giá cụ thể những tác động của loại hình dịch vụ này đối với di sản vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó UBND tỉnh vẫn “ưu ái” cho các công ty du lịch thêm thời gian để tổ chức nốt vài đơn đặt hàng được cho là khách hạng sang đã đặt từ trước.
UBND tỉnh Quảng Ninh năm 2005, chỉ cho phép Công ty Cổ phần dịch vụ vịnh Hạ Long được hoạt động ăn uống trong hang Trống. Thế nhưng, trong một thời gian dài, nhiều công ty du lịch vẫn tổ chức dạ tiệc không chỉ hang Trống mà nhiều hang động khác ngay trong vùng lõi của di sản. Một loạt câu hỏi được đặt ra: Những công ty này liệu có được cấp phép, có được giám sát về thu nhập và đóng thuế? Tại sao không xử phạt khi các công ty này xâm hại phạm nghiêm trọng di sản? Tại sao không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về những tác động tiêu cực do các công ty này gây ra?