Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - tác giả 'Xa khơi'

0:00 / 0:00
0:00
Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - tác giả 'Xa khơi'
TPO - Theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ qua đời lúc 9 giờ 7 phút ngày 11/2, hưởng thọ 87 tuổi. Ông để lại dấu ấn đặc sắc trong nền âm nhạc bằng những tác phẩm thấm đẫm hơi thở dân gian, vẫn sống động trong đời sống hôm nay.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15/ 5/1936 tại Thanh Chương, Nghệ An. Không chỉ có những đóng góp quan trọng cho âm nhạc Việt Nam, ông còn có một cuộc đời nhiều biến động.

Khi mới 5 tuổi, Nguyễn Tài Tuệ đã được cha là một nhà nho gửi vào Sài Gòn học trường Pháp Chasseloup Laubat. Ông học ở đây 4 năm trước khi Sài Gòn có biến. Nhờ đó mà sau này ông tự học nhạc qua sách tiếng Pháp. Ông bắt đầu viết những ca khúc đầu tiên như Hò dân công, Xuân ơi sao chưa về khi đang học trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Cũng trong thời gian này, ông quen biết Nguyễn Trọng Bằng, người xuất hiện đúng lúc trong bước ngoặt tiếp theo của cuộc đời Nguyễn Tài Tuệ

Thời kỳ cải cách ruộng đất, gia đình ông lâm vào cảnh bĩ cực. Ông nghe lời cha ra Hà Nội phấn đấu tìm con đường học hành “dẫu cho có phải đi ở cho người ta”. Ở Hà Nội, Tuệ đi kéo xe ba gác ở bến Phà Đen. Một ngày cật lực kéo xe đủ sống một tuần. Thời gian còn lại ông đến thư viện đọc sách.

Khi Đại hội Văn công Quân dân toàn quốc diễn ra tại Nhà hát Lớn, ông đến xem và tìm gặp người phụ trách xin thử làm ca sĩ. Đây là lúc ông gặp lại Nguyễn Trọng Bằng, đang là đội trưởng đội ca nhạc Đoàn văn công Nhân dân Trung ương. Sau khi được các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Văn Thương thẩm định giọng hát, Nguyễn Tài Tuệ trở thành diễn viên hát trong đoàn của Trọng Bằng từ 1955. Tuy nhiên ông vẫn nung nấu khát vọng sáng tác. Ông từng nói “Âm nhạc với tôi là tất cả. Âm nhạc xâm chiếm tâm hồn tôi, đè nặng lên cuộc đời tôi. Âm nhạc là món nợ của tôi với quê hương, đất nước”.

Năm 1958, ông được biệt phái lên Đoàn Ca múa Lao- Hà- Yên (Lao Cai- Hà Giang- Yên Bái). Ngấm chất liệu dân gian Tây Bắc, ông viết Lời ca gửi noọng, hợp xướng Xuân về trên bản, và Tiếng hát giữa rừng Pác Bó khi mới 23 tuổi.

Tuy nhiên theo nhà báo Nguyễn Mai Linh, Lời ca gửi Nọong khi đó đã bị cấm lưu hành vì những lời hát như “tắm chung dòng suối”, “cùng chung mái nhà” được coi là thiếu lành mạnh. Rồi khi Tiếng hát giữa rừng Pác Bó được Đài Tiếng nói Việt Nam phát nhiều lần theo yêu cầu thính giả, thì có đơn tố cáo Nguyễn Tài Tuệ đã dùng hát then Tày- một loại hình âm nhạc tâm linh, ma quái, mang tính đồng cốt để ca ngợi lãnh tụ. May nhờ nhà thơ Nông Quốc Chấn, lúc ấy là Vụ trưởng Vụ Văn hóa miền núi của Bộ Văn hóa-Thông tin hóa giải. Giai đoạn 1961-1964, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó trở thành bài hát được yêu thích nhất trong một cuộc trưng cầu ý kiến khán giả của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 1960, ông chuyển về công tác ở Ban Nghiên cứu Âm nhạc Bộ Văn hóa-Thông tin. Năm 1962, Nguyễn Tài Tuệ viết Xa khơi sau chuyến điền dã tại Yên Thủy, Hòa Bình, cùng những kỷ niệm về chuyến đi thực tế vào giới tuyến Quảng Trị năm trước. Bài hát tiếp tục gây ấn tượng lớn qua sự thể hiện của Tân Nhân. Nhưng vẫn có những phê phán về lời ca không phù hợp với tình hình sản xuất và chiến đấu của hai miền. Nhưng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vẫn khẳng định, qua bài hát này: “Từ xưa đến nay chưa từng có ai phát triển ví giặm tốt như Nguyễn Tài Tuệ”. Nhạc sĩ An Thuyên sau này cùng chung nhận định: Có đến vài chục nhạc sĩ đã kế thừa vốn ví giặm để viết, nhưng nếu cho chọn một, thì đó là Nguyễn Tài Tuệ.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - tác giả 'Xa khơi' ảnh 1

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong một chương trình tôn vinh ông

Từ năm 1966 đến năm 1972, Nguyễn Tài Tuệ được cử đi học Đại học về sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ông tốt nghiệp hạng ưu sau 6 năm tu nghiệp. Nhớ lời thầy căn dặn, “viết 100 tác phẩm mà không có xuất sắc đồng nghĩa không có gì”, Nguyễn Tài Tuệ để lại chưa đến 40 tác phẩm gồm cả thanh nhạc và khí nhạc nhưng không ít trong số đó được đông đảo khán giả nhiều thế hệ ưa thích, trở thành những tác phẩm đưa vào chương trình giảng dạy chuyên nghiệp, được nhiều ca sĩ lựa chọn tại các cuộc thi lớn.

Nhờ du học mà ông gặp người bạn đời Vũ Thị Cẩm Tú- lúc đó đang là sinh viên ĐH Bách khoa Bình Nhưỡng. Họ có hai con trai đều theo nghiệp âm nhạc. Trước khi về hưu, ông công tác ở Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam trong vai trò sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật.

Năm 2001, Nguyễn Tài Tuệ đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I (2001). Ông cũng được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa- Thông tin.

MỚI - NÓNG