Sư ông Làng Mai - Thầy của các nghệ sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không phải tình cờ mà khá nhiều nghệ sĩ có duyên với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, dù không phải ai cũng từng hạnh ngộ Thầy bằng xương bằng thịt. Sư ông Làng Mai cũng chính là một nghệ sĩ lớn sử dụng nhuần nhuyễn ngôn từ, thi ca và âm nhạc để truyền bá những bài học đưa con người tới bến bờ an nhiên.
Sư ông Làng Mai - Thầy của các nghệ sĩ ảnh 1

Ca sĩ Lô Thủy (thứ ba từ trái sang) ngồi cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một khóa tu tại Làng Mai Thái Lan. Ảnh: NVCC

Lô Thủy: “Pháp danh Sư ông đặt cho thay đổi cuộc đời tôi”!

Ngày trước tuy hát nhiều nhạc Trịnh, nhưng tôi không hiểu mấy những lời hát mang triết lý đạo Phật. Tình cờ qua mạng, tôi nghe Sư ông giảng về nhạc Trịnh. Tôi thấm luôn. Ngày xưa chính Sư ông phát hiện ra Trịnh Công Sơn là một nhân tài, có thời gian đã gửi tiền từ nước ngoài về cho nhạc sĩ. Gia đình nhạc sĩ coi Sư ông như một tri kỷ.

Tôi rất muốn gặp Sư ông. Sau đó tôi có nhân duyên gặp được các chị theo pháp môn Làng Mai rủ sang Thái Lan dự khóa tu đầu tiên. Đợt đó, tôi nhận được điệp thọ giới của Làng Mai với pháp danh do chính Sư ông đặt cho, là Tâm Thuyên Âm. Tất cả đệ tử làng Mai đều họ Tâm. Thuyên Âm nghĩa là những âm thanh thiền ca làm thuyên giảm những bệnh tật, chữa lành cho cả người hát và người nghe. Khóa tu 2013 tôi đi trong một tuần, hầu như ngày nào cũng được gặp Thầy, được ngồi uống trà với Thầy, được nghe Thầy kể chuyện.

Hồi đấy tôi cũng gặp rất nhiều đau khổ và trắc trở trong cuộc sống. Khi được gặp Sư ông tôi giống như có được con đường sáng cho mình. Trước đấy tôi tự tu ở nhà, không có tăng thân, không có thầy hướng dẫn. Giống như người hát nghiệp dư không biết gì về âm nhạc, khi vào trường lớp sẽ khác. Khi gặp Sư ông, tôi được biết đến thế nào là hơi thở, thế nào là thiền buông thư, thế nào là thiền tọa, thiền hành, ăn trong yên lặng…

Khi biết tôi hát nhạc Trịnh, Sư ông bảo tôi hát mấy bài thiền ca của Làng Mai do Sư ông sáng tác như Ý thức em mặt trời tỏ rạng, Hộ trì sáu căn… Lần đầu diện kiến, tôi được Sư ông giới thiệu lên hát trong buổi pháp đàm. Khi bắt đầu bước lên gặp Sư ông, cảm giác mình không còn là một ca sĩ nữa. “Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh/Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm…”. Hát sang câu thứ hai, tự dưng nước mắt tôi cứ trào ra. Lúc ấy Sư ông xoa đầu bảo tôi bình tĩnh trở lại với chính hơi thở của mình. Tôi phải dừng, mãi sau mới hát được. Năng lượng từ bi của Sư ông với quý thầy cô và mọi người ở dưới mạnh quá làm mình trở thành giống như đứa con thơ trở về với gia đình tâm linh thất lạc từ lâu giờ mới tìm lại được.

Sư ông Làng Mai - Thầy của các nghệ sĩ ảnh 2

Sư ông Làng Mai. Ảnh: TL

Một thời gian sau Làng Mai lại tổ chức khóa tu Đi theo bước chân của Bụt sang Ấn Độ theo giáo pháp của Sư ông viết trong cuốn Đường xưa mây trắng.

Trùng hợp đúng vào giỗ đầu bố tôi, tôi phát nguyện tu báo hiếu trong ba tháng. May quá tôi được quý thầy cô xuống tóc cho ở núi Linh Thứu, chính là nơi Sư ông đã xuống tóc cho đệ tử đầu tiên là sư cô Chân Không. Tăng đoàn lần đó đi khoảng 100 người thì có 30 người xuống tóc. Sau 3 tháng hành trì tại gia, trở về cuộc sống bình thường, tôi rất hạnh phúc và hoan hỉ. Sư ông dạy, không nhất thiết phải vào chùa, có nhân duyên mình đời đạo song tu cũng tốt, miễn sao theo đúng pháp Thầy dạy thôi. Nhất là tôi vẫn ấp ủ để ra được những sản phẩm âm nhạc cống hiến cho cuộc đời.

Đạo Bụt của Sư ông dấn thân vào cuộc đời, được rất nhiều người trẻ theo vì nó không gò bó mà gần gũi với đời sống hằng ngày.

“Làng Mai có một quả chuông lớn. Mỗi lần nghe chuông, mọi người đều dừng lại toàn bộ hoạt động của mình. Việc này được thực tập thường xuyên, đều đặn thành thói quen hằng ngày. Dù là đang đi, đang làm việc, đang nấu ăn, đang dọn dẹp… khi nghe chuông, mọi người đều dừng lại để hít thở, để cảm nhận sự hiện diện của mình. Thực tập chánh niệm, hít thở và ý thức sự có mặt của mình với hiện tại là chìa khóa nhiệm màu, là lời giải cho rất nhiều câu hỏi. Sự ra đi của Sư ông với tôi cũng giống như tiếng chuông chánh niệm. Tôi và nhiều người bạn thiền sinh của mình đã dành thời gian ngồi thật yên khi nghe tin Sư ông mất. Cảm giác không hề nặng nề như những mất mát khác. Tôi cảm nhận Sư ông đang nhắc mình dừng lại một chút thôi, hít thở, cảm nhận sự sống nhiệm màu”.

Ca sĩ Thanh Duy

Thái Thùy Linh: “Một lời dạy làm đời tôi thay đổi…”

Vào chùa Từ Hiếu hai lần, tôi biết Thầy đang ở bên trong. Có hôm tôi vào đến nơi thì mọi người bảo Thầy vừa đi dạo vào xong. Tôi cũng được mọi người xui vài cách khác nhau để được gặp Thầy. Nhưng tôi nghĩ nếu mình xông vào không đúng chữ duyên. Quan trọng, tôi biết sức khỏe Thầy không tốt. Tìm mọi cách gặp bằng được để thỏa mãn mong muốn của mình không giải quyết việc gì. Quan trọng là thực hành, áp dụng được những quan điểm tư tưởng của Thầy chứ không phải cứ gặp để thầy sờ lên đầu mới có phước.

Tôi đọc ít sách của Thầy nhất trong số những người mà tôi biết. Tôi vẫn nghĩ mọi thứ để tự nhiên. Như mấy ngày nay, tôi vẫn nán lại để đọc những dòng bạn bè chia sẻ về Thầy qua Facebook, đúc kết những gì quan trọng nhất mà Sư ông cho họ. Một trong những lời dạy khiến tôi cứ vấn vương suy nghĩ: “Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi”. Thấy xúc động, ngập tràn sự yêu thương. Mình cũng có chút gì đó vững tâm hơn vào con đường mình đang đi.

Sư ông Làng Mai - Thầy của các nghệ sĩ ảnh 3

Chư Tăng dòng truyền thừa Drukpa (Ấn Độ) thắp 1.000 ngọn đèn liên tục trong 3 ngày để cúng dường Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: FB Thanh Huy

Hết năm 2021, vài tình nguyện viên của tôi gửi vài đường link vinh danh các nghệ sĩ làm từ thiện trong năm và nói họ rất ngạc nhiên vì sao không có tôi. Trong đánh giá của các bạn thì với những gì tôi đã làm, đương nhiên tôi phải có tên trong tốp các nghệ sĩ làm từ thiện của năm. Nhưng tôi bảo điều đấy không giải quyết vấn đề gì cả, nên không có gì phải lăn tăn. Vì quan trọng chúng ta đã giúp được bao nhiêu người, chứ không phải được ghi nhận bởi bao nhiêu người. Không phải tự mãn, mà mình hãy cứ sống là mình, an nhiên với cách mình đã cho đi.

Khi tôi đang rơi vào khủng hoảng niềm tin cùng lúc hôn nhân đổ vỡ, cảm thấy đúng là mình đang ở trong vũng lầy như nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã nói, may mắn đọc được câu trả lời của Thầy với một nhà báo phương Tây: “Cái cây chẳng phải làm gì, trừ việc sống khỏe mạnh và tươi tắn, nhưng vẫn khiến ta thấy dễ chịu. Khi bạn sống như cái cây đó và lan tỏa làn sóng tươi mới, bạn đã giúp giảm bớt sự khổ đau của những người khác rồi”.

Khi đấy mình mới hiểu mình phải quay trở lại vun vén cho chính nội tâm của mình. Muốn giúp mọi người, mình phải được phải vui vẻ an lạc đã. Cùng lúc tôi gặp câu “Nơi nào không có bùn thì không có sen” khiến tôi hiểu ra những trắc trở oan khiên mình gặp phải, giống như bùn thôi. Không có bùn, cây sen đâu sống được. Đau khổ là môi trường để mình vượt lên nếu muốn làm sen.

Mỹ Linh: “Cái hay nhất của Làng Mai là thiền ca”

“Nhiều sư thầy, sư cô Làng Mai là tiến sĩ, học bên Âu Mỹ. Họ rất giỏi mà vẫn đi theo Thầy một cách trọn vẹn. Vì họ mới giỏi cái Trí. Nhất là người châu Âu cái tôi thường lớn. Họ chưa quan tâm đến phần Tâm. Thầy giúp họ cân lại tất cả, đi theo Thầy họ thấy hạnh phúc”.

Ca sĩ Mỹ Linh

Năm ngoái vào chùa Từ Hiếu tôi cũng không gặp được Thầy vì lúc đấy Thầy cũng yếu. Thầy chuẩn bị cho sự ra đi của mình rất kỹ. Đúng theo giáo lý nhà Phật và thầy cũng luôn giảng như thế: Đám mây không bao giờ chết. Chúng ta không sinh không diệt, chỉ biến chuyển thôi. Đấy là giáo lý quan trọng mà Làng Mai tập trung truyền dạy. Thầy dạy điều nữa cũng rất hay: Thầy vẫn ở trong con nếu hằng ngày con vẫn bước đi an lạc, vẫn nói lời ái ngữ, vẫn thực hành im lặng hùng tráng. Chừng nào sách của Thầy mọi người vẫn truyền tay nhau đọc thì tinh thần của Thầy vẫn còn.

Cái hay nhất Làng Mai để là thiền ca. Tôi xem truyền trực tiếp thấy các đệ tử đứng xung quanh linh cữu, xúc động lắm. Họ đang có mặt ở đó cho Thầy. Như lời thầy dạy: Chúng ta có mặt cho nhau, ngồi cạnh nhau không cần nói gì cả, để cho tất cả nỗi khổ niềm đau của người kia được thẩm thấu qua không gian chung và chìm xuống đất.

Mọi người hát bài “Để Bụt thở, để Bụt đi/Mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Những bài hát rất giản dị nhưng thấm đẫm một triết lý rất sâu sắc. Nó hay ở chỗ người ở bất cứ tầng nào cũng hiểu được. Thầy làm cho những cái rất thâm sâu trở nên rất giản dị, chứ phức tạp quá ai mà tu được. Ba phút mình không thở là mình chết rồi. Thở là một việc tự nhiên. Đạo Bụt là những gì tự nhiên. Việc gì phải đi, để Bụt đi cho… Trong mỗi người đều có Bụt. Việc của mình là đưa cái bản chất đấy ra ngoài để hòa với vũ trụ. Bởi chúng ta là Một. Ta có thể “uống cả vũ trụ trong một tách trà”.

Hồi ở bên Làng Mai, một buổi sáng Thầy không nhúc nhích được một ngón tay, nó cứ nằm liệt ra. Rồi một buổi sáng kia tự nhiên ngón tay nhúc nhích được. Thầy mới sáng tác bài: “Một ngón tay nhúc nhích này/Một ngón tay nhúc nhích này/Một ngón tay nhúc nhích cũng đủ làm ta vui rồi…”. Ẩn sau bài ai cũng hát được đó, Thầy muốn nhắc tới các điều kiện cho hạnh phúc. Mình còn nhìn được là đã hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi. Chừng nào mình chưa giải tỏa được thì sẽ không bao giờ hạnh phúc. Do vậy, tiếp cận với triết lý sống tuyệt vời của Phật giáo càng sớm, mình càng thảnh thơi sớm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.