Di sản âm nhạc đồ sộ
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - tác giả ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bên tượng đài Bác Hồ, Tiếng cồng vượt thác, Bài ca đất Phương Nam… - qua đời sáng 29/3. Lễ nhập quan diễn ra 19h tối 29/3. Lễ viếng bắt đầu từ 19h30 tối 29/3 tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TPHCM). Nhạc sĩ Lư nhất Vũ được an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương (tỉnh Bình Dương).
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên thật là Lê Văn Gắt, sinh ra và lớn lên ở Bình Dương. Ông làm nhiều bài thơ trước khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Ca khúc đầu tay của ông là Gửi bạn Algerie.
![]() |
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên thật là Lê Văn Gắt, sinh ra và lớn lên ở Bình Dương. |
Tháng 6/1962, ông tốt nghiệp khoa sáng tác của trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), sau đó về nhận công tác ở Đoàn ca múa miền Nam. Năm 1967, ông công tác tại phòng chỉ đạo văn công thuộc Vụ âm nhạc và múa, theo dõi chỉ đạo hoạt động của Đoàn ca múa nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên.
Năm 1970, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trở về chiến trường miền Nam Việt Nam, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng. Sau năm 1975, ông công tác ở cơ quan Văn nghệ Giải phóng, sau đó là Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa Nghệ thuật tại TPHCM).
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cũng là tác giả loạt công trình nghiên cứu về dân ca Nam bộ như Tìm hiểu dân ca Nam bộ (1983), Dân ca người Việt ở Nam bộ (1986), Nhạc và Đời (1989), 300 điệu lý Nam bộ (2002), Hò trong dân ca Việt Nam (2004), Hát ru Việt Nam (2005), Lý trong dân ca người Việt (2006), Nói thơ - Nói vè - Thơ rơi Nam bộ (2010), Hành khúc giải phóng (2011)...
Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập ông là "Nhạc sĩ có nhiều công trình sưu tầm và nghiên cứu các thể loại dân ca Việt Nam" (năm 2009). Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ từng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 2001).
![]() |
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là tác giả loạt công trình nghiên cứu về dân ca Nam bộ. |
Sự ra đi của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ để lại nỗi mất mát lớn cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ những sáng tác của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đều đậm chất Nam bộ. Tiêu biểu có thể kể đến Bài ca đất Phương Nam, Ra Giêng anh cưới em... Ngay cả những ca khúc cách mạng cũng mang màu sắc dân gian rất độc đáo, như Hãy yên lòng mẹ ơi, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn...
"Ông để lại cho hậu thế một sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ với thành quả lớn, đặc biệt là công tác sưu tầm âm nhạc dân gian Nam bộ, nổi bật mảng dân ca. Rất nhiều bài dân ca Nam bộ phổ biến hiện nay có công của ông sưu tầm", nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bày tỏ.
Nhạc sĩ Nguyễn Lưu cho biết, Lư Nhất Vũ là người hiền lành và kiệm lời. Ông để lại di sản âm nhạc đáng trân trọng, trong đó có các công trình nghiên cứu có giá trị về dân ca Nam bộ.
Chuyện tình với nhà thơ Lê Giang
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và vợ - nhà thơ Lê Giang là cặp nghệ sĩ nổi tiếng, gắn bó bền chặt trong đời thường lẫn sự nghiệp âm nhạc. Trên đường cùng bạn bè lên tàu từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đi vào chiến trường miền Nam. Khi vào đến căn cứ ở Tây Ninh, ông gặp được nhà thơ Lê Giang. Bà là tác giả của tập thơ Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Ơi anh chàng hát rong…
![]() ![]() |
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và người bạn đời - nhà thơ Lê Giang. |
Tác phẩm kết nối hai người là nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác do nhà thơ Lê Giang viết lời, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ phổ nhạc. Sau này, Lư Nhất Vũ và Lê Giang cùng hợp tác làm vở Hòn Khoai - kể về cuộc đời của nhà giáo, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển. Năm 1980, Lê Giang và Lư Nhất Vũ chỉnh lý cho Đoàn Ca nhạc Tam Giang dựng lại với quy mô lớn.
Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cùng các đồng nghiệp cũng như thực hiện nhiều công trình sưu tầm, biên khảo có giá trị lâu bền như Dân ca Bến Tre, Tìm hiểu dân ca Nam bộ, Dân ca Kiên Giang, Dân ca Cửu Long, Dân ca Hậu Giang, Dân ca Sông Bé…
Chiều 14/3/2024, Ban thường vụ Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TPHCM tổ chức lễ trao huy hiệu Đảng cho nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Đáp lại tình cảm của lãnh đạo TPHCM và tỉnh Bình Dương, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ hát tặng các đại biểu, còn nhà thơ Lê Giang đọc một bài thơ.