TÀI NĂNG
Cả đời làm phim mà không có một vai đóng đinh, chết tên thì chưa thể coi là thành công. NSƯT Bùi Cường làm được điều đó bởi nhắc tên ông là nhớ tới Chí Phèo trong Làng Vũ Ðại ngày ấy của NSND, đạo diễn Phạm Văn Khoa. Sinh 1947 tại Hà Nội, Bùi Cường phải đi đường vòng tới chục năm mới đến với niềm đam mê nghệ thuật: Năm 26 tuổi đỗ lớp diễn viên điện ảnh khoá 2 cùng nhiều tên tuổi như Bùi Bài Bình, Phương Thanh, Minh Châu, Thanh Quý, Vũ Ðình Thân. Trong khi bạn học đắt sô, nổi tiếng sớm thì mãi năm 35 tuổi Bùi Cường mới chạm tay tới thành công. Làng Vũ Ðại ngày ấy quay năm 1982 làm thay đổi cuộc đời Bùi Cường, mang lại giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần thứ 6 (1983).
NSƯT Bùi Cường nổi tiếng với Chí Phèo trong “Làng Vũ Ðại ngày ấy”.
Vượt qua điển hình văn học trong những trang sách của Nam Cao, Bùi Cường xây dựng được một Chí Phèo rất riêng trên màn ảnh không chỉ với vẻ ngoài nham nhở, mà còn ở những chi tiết như giọng cười “chó hóc xương”, đôi mắt đờ dại khi say và cả điệu hát thay cho những trận chửi cả làng Vũ Ðại. NSƯT Ðức Lưu đóng vai Thị Nở đánh giá Bùi Cường “tài năng”. Nếu Chí Phèo là đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất, Bùi Cường tiếp tục khẳng định ở những vai diễn lớn nhỏ khác trong các phim Phút thứ 89, Kẻ giết người, Dòng sông vàng, Không có đường chân trời và vai Năm Hoà trong Biệt động Sài Gòn.
Sau thời hoàng kim của điện ảnh Việt, những năm 1990 trở về sau diễn viên điện ảnh khó có cơ hội làm nghề. Bùi Cường nhiều lần kể lại sự liều của mình khi bỏ tiền làm phim Anh hùng râu quặp có Minh Vượng thủ diễn. Ông nhanh chóng bắt nhịp làm phim thị trường thời mì ăn liền, sau này khi làn sóng đó qua đi ông trở lại làm phim truyền hình. Trong sự nghiệp mấy chục phim truyền hình, Bùi Cường luôn tự hào với Huy chương Vàng cho phim Vị tướng tình báo và hai bà vợ - Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 2004.
MẪU MỰC
Bùi Cường là lớp trưởng lớp Diễn viên điện ảnh khoá 2. Trong mắt đồng môn, đồng nghiệp như Minh Châu, Bùi Bài Bình đó luôn là người anh cả mẫu mực. “Anh ấy chân tình giản dị, luôn lo lắng cho những người em một cách chân thành”, NSND Bùi Bài Bình nói. Bùi Cường học cùng với những người kém mình gần chục tuổi và khi ấy có gia đình riêng, nên luôn được “ăn vạ”. NSND Minh Châu bảo có việc gì lại đổ lên đầu anh Cường hết, từ vai trò quân sư trong chuyện yêu đương trở đi.
“Người ta nói nghệ sĩ sống bừa bộn, anh ấy khác hẳn- rất chỉn chu mẫu mực”, Minh Châu nói. Vì thế khi có việc đặt vào tay Bùi Cường ai cũng yên tâm. Với NSƯT Ðức Lưu, Bùi Cường là đàn em học khoá sau, dù sau bộ phim nổi tiếng ấy Chí Phèo hay đi cùng Thị Nở nhưng Cường “luôn lễ phép, chị ra chị em ra em”. Vừa trở về từ Quảng Trị sau chuyến đi từ thiện, Ðức Lưu bất ngờ về sự ra đi đột ngột của đàn em lúc nào cũng nhiệt tình, chăm chỉ làm việc. Ở tuổi này Bùi Cường không ngại khó, lặn lội vào Nam làm phim, phóng sự chứ nhất định không chịu ngồi yên.
Ðức Lưu cho rằng Bùi Cường có thể yên tâm phát triển sự nghiệp vì có hậu phương vững chắc, một người vợ tảo tần, hai cô con gái ngoan ngoãn và có cuộc sống ổn định. “Vợ anh ấy yêu chồng lắm, cứ nhắc chồng là mắt long lanh. Hẳn anh ấy phải sống ra sao thì vợ mới như thế. Tôi ngưỡng mộ anh vì không phải ai cũng tạo dựng được tình cảm với người thân trong gia đình như thế, nhất là trong giai đoạn cuộc sống gia đình có nhiều tai biến như hiện nay”, Minh Châu nói.
NHỮNG ÐIỀU DANG DỞ
Cuộc đời Bùi Cường khá viên mãn cả ở sự nghiệp lẫn gia đình, nhưng phút cuối vẫn còn những dang dở đáng tiếc nuối. Hai cô con gái không theo nghề bố, nhưng Bùi Cường luôn tự hào lôi kéo được con rể Trần Vũ Thuỷ theo nghiệp, trở thành trợ lí cho ông. “Lần này tôi ra Hà Nội mục đích chính để chuẩn bị cho phim Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc, không ngờ bố ra đi nhanh thế”, Trần Vũ Thuỷ nói. Ðạo diễn Bùi Cường từng nói đầy hy vọng về một bộ phim điện ảnh đạt tới giá trị nghệ thuật, nhất là bộ phim ấy chắt lọc từ những trang văn Nam Cao.
“Ngay khi làm xong Làng Vũ Ðại ngày ấy Cường đã muốn làm phim về Lão Hạc, bởi cậu ấy cho rằng bộ phim trước mới tóm lược một cách sơ sài một số tác phẩm của Nam Cao”, NSƯT Ðức Lưu chia sẻ. NSƯT Trung Anh thảng thốt khi hay tin Bùi Cường qua đời, chẳng là anh được mời đảm nhận vai Bá Kiến, mới cầm kịch bản chừng nửa tháng nay. “Nửa tháng trước tôi đến nhà lấy kịch bản như lời hẹn, chỉ có chị ở nhà. Anh bảo tôi cứ đọc kịch bản trước, hai anh em gặp bàn bạc sau. Không thấy anh gọi gì thêm, tưởng anh bận, ai ngờ đọc báo mới biết anh đột ngột ra đi”, Trung Anh nói. Kịch bản Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc do Bùi Cường viết, dự định quay giữa tháng 9 tới.
Bộ phim ấp ủ làm như cách trả ơn nhà văn Nam Cao vì được ăn lộc vai Chí Phèo đành lùi lại, nhưng đó chưa phải điều dang dở duy nhất. Ðồng nghiệp buồn vì sự mất mát người anh, người bạn đã đành, điều họ đau lòng hơn là danh hiệu NSND còn dang dở. Minh Châu là một trong số người lo thủ tục truy tặng danh hiệu cho nghệ sĩ Phương Thanh, nay tới lượt Bùi Cường. Bùi Cường có tên trong danh sách xét NSND trình lên Hội đồng Nhà nước đợt này.
NSƯT Bùi Cường qua đời lúc hơn 3h sáng 3/8 tại bệnh viện. Ông nhập viện chục ngày trước vì tai biến, bị hôn mê và tỉnh lại. Con rể ông kể sau khi tỉnh lại, Bùi Cường vẫn nói chuyện nghề, sau đó ông phù não phải phẫu thuật. Ông không qua được ca phẫu thuật ấy, ra đi ở tuổi 71. Lễ tang diễn ra sáng 7/8 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông.