Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết, số lượng nhân viên tính đến cuối năm 2017 của doanh nghiệp này là 7.117 người, giảm gần 10.000 so với thời điểm đầu năm.
Trong ba tháng đầu năm 2017, Vinasun ghi nhận 4.239 người lao động thôi việc mà nguyên nhân chính theo lý giải ban lãnh đạo công ty là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh “thiếu lành mạnh” của Uber và Grab. Đến cuối quý III, số lượng nhân viên tiếp tục giảm thêm gần 2.000 người. Dù nhân viên thôi việc hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương mại - không được xem là người lao động trực tiếp của Vinasun, giảm dần trong giai đoạn cuối năm, song đây vẫn là con số kỷ lục với một doanh nghiệp Việt Nam.
Việc thay đổi mô hình hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến nhân sự mà còn khiến kết quả kinh doanh của Vinasun biến động mạnh. Báo cáo tài chính quý IV vừa được công bố ghi nhận 486 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 55% (tương đương khoảng 590 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Trong khi chi phí tài chính và bán hàng chênh lệch không đáng kể thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gấp đôi, từ 33 tỷ đồng lên xấp xỉ 65 tỷ đồng. Nhờ nguồn thu từ thanh lý tài sản cố định và quảng cáo trên taxi lên đến 96 tỷ đồng mà Vinasun thoát được khoản lỗ chục tỷ.
Lũy kế doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm đạt 2.937 tỷ đồng, giảm 35% so với năm trước và trở thành mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Cơ cấu doanh thu của Vinasun chuyển biến rõ rệt khi tỷ trọng vận tải hành khách bằng taxi giảm mạnh, nhường chỗ cho sự trỗi dậy của hoạt động nhượng quyền thương mại và khai thác taxi. Theo đó, vận tải hành khách bằng taxi vẫn là nguồn thu lớn nhất với hơn 2.067 tỷ đồng, nhưng tỷ trọng đóng góp đột ngột giảm từ 98% xuống xấp xỉ 70%. Hoạt động nhượng quyền thương mại mang về 566 tỷ đồng doanh thu, trong khi năm trước công ty không ghi nhận nguồn thu này.
Nhờ cắt giảm người lao động mà Vinasun đã tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng chi phí nhân công, cộng thêm việc “thắt lưng buộc bụng” các khoản chi tiêu khác mà lợi nhuận trước thuế của công ty đạt gần 245 tỷ đồng, giảm 38% so với năm trước. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đối mặt nhiều yếu tố bất lợi như sức mua trong nước chưa phục hồi, sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường TP HCM, giá xăng dầu tăng mạnh… thì việc vượt kế hoạch lợi nhuận 205 tỷ đồng do đại hội đồng cổ đông đề ra hồi đầu năm được xem là một thành công lớn của doanh nghiệp đầu ngành vận tải.
Tính đến cuối năm, tổng nợ phải trả của Vinasun đã giảm 450 tỷ đồng, xuống còn 1.176 tỷ đồng nhờ tất toán nhiều khoản vay tài chính dài hạn từ các ngân hàng. Giá trị nợ vay đến hạn trả trong vòng một năm tới vào khoảng 365 tỷ đồng.
Mới đây, ban lãnh đạo công ty cho biết vừa nhận quyết định của TAND TP HCM về việc xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa đơn vị này và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam vào ngày 6/2. Hiện, công ty đã thu thập đủ bằng chứng bao gồm văn bản, hình ảnh, video… cho thấy Grab vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức phá giá mà điển hình trong đó là việc khuyến mại hơn 90 ngày một năm.