Vinachem quay cuồng với lỗ của các dự án nghìn tỷ

Sau 6 tháng đầu năm 2020, sau khi trừ đi các khoản chi phí, Công ty Cổ phần Hóa chất và Phân đạm Hà Bắc bị lỗ ròng 693 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần khoản lỗ cùng kỳ năm 2019
Sau 6 tháng đầu năm 2020, sau khi trừ đi các khoản chi phí, Công ty Cổ phần Hóa chất và Phân đạm Hà Bắc bị lỗ ròng 693 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần khoản lỗ cùng kỳ năm 2019
TP - Số liệu được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố cách đây ít ngày cho thấy, tập đoàn đang quay cuồng trong khó khăn khi bị lỗ lũy kế tới 3.964 tỷ đồng tính đến tháng 6/2020. Các dự án đầu tư nghìn tỷ đồng hoạt động bê bết khiến Vinachem khó chồng khó trong khi khả năng sinh lời để trở lại hoạt động bình thường của các dự án này gần như bằng không.

Lỗ luỹ kế gần 4.000 tỷ đồng

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020 của Vinachem cho thấy, doanh thu nửa đầu năm của tập đoàn đạt 18.128 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, Vinachem lỗ trước thuế 619 tỷ đồng, lỗ sau thuế tương ứng 796 tỷ đồng. Còn nếu bóc tách riêng, công ty mẹ bị lỗ sau thuế tới 859 tỷ đồng. Các số liệu cũng cho thấy, tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Vinachem đạt 52.037 tỷ trong đó tài sản cố định chiếm 25.473 tỷ đồng, hàng tồn kho 8.886 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn với 6.698 tỷ đồng…

Bản báo cáo cũng cho thấy bức tranh xấu về tình hình sức khỏe của tập đoàn hóa chất. Vốn chủ sở hữu của Vinachem đạt 17.089 tỷ đồng, nợ phải trả ở mức 34.947 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay đạt con số 14.698 tỷ đồng. Mức lỗ luỹ kế của tập đoàn lên tới 3.964 tỷ đồng.

Bản báo cáo tài chính cũng đi kèm hàng loạt ý kiến của đơn vị kiểm toán liên quan tình hình hoạt động của Vinachem cũng như của các đơn vị thành viên. Theo ghi nhận của kiểm toán, tại thời điểm 30/6/2020, một số dự án của Vinachem như Dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, Lào, cho thấy hợp đồng với các bên liên quan dự án đã bị dừng triển khai và đang được thực hiện các thủ tục thanh lý. Cùng đó, Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm, Dự án Xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và Dự án Mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc, đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả.

Đáng chú ý nhất vẫn là những gánh nặng đầu tư nghìn tỷ thua lỗ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem đến nay vẫn chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.

Không chỉ dừng tại đó, báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho thấy nợ ngắn hạn tại hai đơn vị đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu. Trước tình hình sức khỏe quá xấu của hai đơn vị, kiểm toán cũng đặt dấu hỏi lớn về khả năng hoạt động liên tục đối với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Ngoài ra, kiểm toán cũng lưu ý một số khoản vay ngân hàng của Vinachem đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quá hạn là 1.064,2 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng 609 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho những khoản vay này là Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn /năm, đã tạm bàn giao Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

Công ty con lao đao vì nợ vay “khủng”

Báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Hóa chất và Phân đạm Hà Bắc cũng cho thấy, đơn vị đang trong cảnh hết sức khốn khổ vì phải đối mặt với khoản lỗ lũy kế lên tới 3.980 tỷ đồng và những khoản chi trả lãi vay đều đặn lên tới hàng trăm tỷ đồng cho mỗi quý.

“Nửa đầu năm 2020, chi phí lãi vay tăng tới 13% so với cùng kỳ lên 440 tỷ đồng. Nợ vay ngân hàng đã lên tới hơn 7.450 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2020. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng 693 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần khoản lỗ cùng kỳ năm 2019 và cũng cao hơn con số thua lỗ của cả năm 2019. Đến cuối quý II, lỗ lũy kế 3.979 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Cùng vì thua lỗ liên tục, vốn chủ sở hữu của công ty âm gần 1.210 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả đã xấp xỉ 10.220 tỷ đồng”, lãnh đạo Công ty Cổ phần Hóa chất và Phân đạm Hà Bắc  cho hay.

Báo cáo gửi Đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương của Chính phủ hồi giữa năm 2020 cũng cho thấy, tình hình bi đát nhất trong các dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vẫn là Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình. Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình đang phải gánh khoản nợ tới 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 31/12/2019 lên tới 5.706 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỷ đồng.

Khó có lối thoát

Tại buổi làm việc của lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp với Vinachem ngày 16/9/2020, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem cho hay tính đến hết 8 tháng đầu năm 2020, các đơn vị thuộc Đề án 1468 (Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai) ước lỗ 2.601 tỷ đồng. Các đơn vị không thuộc Đề án 1468 lợi nhuận ước đạt 1.097 tỷ đồng bằng 112% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Hiệp, dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của tập đoàn. Các đơn vị thuộc Đề án 1468 tiếp tục gặp khó khăn về chi phí lãi vay đầu tư, đặc biệt là chi phí tăng mạnh do phải hạch toán lãi phạt trên lãi chậm trả cũng như khó khăn trong việc vay vốn lưu động. Lãi suất vay vốn lưu động tiếp tục phải chịu cao hơn mặt bằng thị trường từ 1 đến 2,5%.   

Vinachem quay cuồng với lỗ của các dự án nghìn tỷ ảnh 1 Sau 6 tháng đầu năm 2020, sau khi trừ đi các khoản chi phí, Công ty Cổ phần Hóa chất và Phân đạm Hà Bắc bị lỗ ròng 693 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần khoản lỗ cùng kỳ năm 2019 

Báo cáo gửi Đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương của Chính phủ hồi giữa năm 2020 cũng cho thấy, tình hình bi đát nhất trong các dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vẫn là Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình. Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình đang phải gánh khoản nợ tới 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 31/12/2019 lên tới 5.706 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG