Viettel - Con đường thành công không trải hoa hồng

Viettel - Con đường thành công không trải hoa hồng
Sau chuyến công tác tại Mozambique, tôi cho rằng chỉ có những con người mang tinh thần thép của Viettel mới có thể trụ vững tại vùng đất khắc nghiệt như thị trường Châu Phi.

> Cổ tích viễn thông Việt trên đất châu Phi

Niền tin vào khát vọng Viettel

Lần đầu tiên tôi làm việc với Viettel là vào cuối năm 2000. Tổng hành dinh của Viettel lúc đó chỉ là dãy nhà 2 tầng cũ kỹ. Anh Dương Văn Tính, Phó giám đốc Công ty lúc bấy giờ tiếp tôi trong căn phòng nhỏ tại trụ sở ở phố Giang Văn Minh. Sau buổi làm việc đầu tiên với Viettel, ấn tượng đọng lại trong tôi là một doanh nghiệp nghèo nàn với khối tài sản chỉ có vài ba cuộn cáp, vài chiếc ô tô cũ. Tôi cứ băn khoăn mãi, liệu một doanh nghiệp bé nhỏ như thế có thể trụ được bao lâu trên thị trường viễn thông lúc bấy giờ?

Tuy dịch vụ VoIP lúc đó đã bộc lộ những rủi ro và Viettel gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết nối nhưng bù lại có lợi nhuận rất cao và được gọi là “con voi sữa”. Thế nhưng, ngay cả khi đang triển khai một dịch vụ có lợi nhuận cao như vậy, lại được sự ủng hộ của cơ quan quản lý, Viettel vẫn nghĩ tới một con đường khác, con đường mà mình phải tự lực, tự chủ. Anh Dương Văn Tính nói với tôi rằng dịch vụ VoIP đến lúc nào đó sẽ không đem lại lợi nhuận cao nữa. Vì vậy, Viettel xác định phải cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản và chiến lược sẽ nhắm đến mạng di động.

Viettel phủ sóng di động đến nhiều vùng xa xôi của Mozambique
Viettel phủ sóng di động đến nhiều vùng xa xôi của Mozambique.

Cho dù lúc đó Viettel còn rất nhỏ bé song những suy nghĩ và quyết tâm của Viettel lúc bấy giờ khiến tôi tin rằng một mai Viettel sẽ vững chân trên thị trường viễn thông Việt Nam. Năm 2004, Viettel bắt đầu cung cấp dịch vụ di động. Nhân tố Viettel liên tiếp làm nóng thị trường và tạo ra sự tăng trưởng bùng nổ thuê bao trên thị trường di động. Chỉ sau hơn 3 năm, Viettel chiếm vị trí số 1 trên thị trường di động Việt Nam. Niềm tin vào khát vọng mang tên Viettel của những người làm báo như chúng tôi đã đúng.

Ra nước ngoài là đặt mình trong thách thức

Hết năm 2012, Viettel thực sự lớn mạnh trên thị trường viễn thông. Cho dù Viettel được đánh giá là doanh nghiệp rất sáng tạo và năng động, nhưng trên thực tế, một số biểu hiện “ông lớn” và các “căn bệnh” cố hữu của doanh nghiệp nhà nước không phải là không có.

Trong một buổi nói chuyện, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đã chia sẻ với chúng tôi rằng, Viettel rất ý thức về nguy cơ số 1. Nếu một công ty mà thiếu đi sự tăng trưởng thì rất nguy hiểm vì thiếu đi cơ hội cho mọi người phấn đấu. Bên cạnh đó, con người không nằm trong thách thức sẽ bị tha hóa nhanh. Vì vậy, Viettel cần có sự tăng trưởng, nhưng nếu chỉ nhìn vào thị trường bị giới hạn hơn 80 triệu dân ở Việt Nam thì đến một thời điểm nào đó sẽ hết tăng trưởng. Cho nên, Viettel phải đi ra nước ngoài để mở rộng thị trường cho mình và cũng là đặt mình trong thách thức.

Con đường thành công không trải hoa hồng

Tôi có may mắn được tận mắt chứng kiến những chặng đường đầu tiên đầu tư ra nước ngoài của Viettel. Năm 2008, Viettel đầu tư mạng di động ở Campuchia. Bản thân tôi lúc đó rất nghi ngờ khả năng thành công của Viettel trên đất nước Chùa Tháp bởi thị trường này đang có quá nhiều nhà mạng và Viettel là người đến sau.

Viettel - Con đường thành công không trải hoa hồng ảnh 2

Hai hình ảnh khá đối lập nhau khi trận đấu trên đất nước Chùa Tháp với những mạng lớn đầy kinh nghiệm chiến trường như Millicom, Vimpelcom… với một bên hình ảnh Viettel cần mẫn, miệt mài xây dựng mạng lưới. Tôi nhớ hình ảnh một cậu kỹ sư trẻ của Viettel tóc dài, chân đất mặt mũi lấm lem, 9h tối vẫn miệt mài lắp đặt mạng. Cậu kỹ sư trẻ này nói rằng đã lâu lắm không thấy mặt trời bởi công việc nhiều quá chả còn thời gian ra ngoài và chỉ về chỗ trọ khi mặt trời đã lặn. Chỉ một hình ảnh đó thôi cũng đủ khiến tôi tin rằng thành công sẽ đến với những con người Viettel làm việc hết mình. Quả đúng vậy, chỉ một thời gian sau tin vui đã đến từ Viettel khi Metfone đã vươn lên vị trí số 1 tại thị trường này.

Đến ngày 15/5/2012, Viettel chính thức công bố kinh doanh tại Mozambique. Đây là thị trường nước ngoài thứ 5 của Viettel và là thị trường đầu tiên tạo đà để Viettel tiếp tục mở rộng sang các nước khác tại Châu Phi. Ngay cả khi Viettel đã chính thức cung cấp dịch vụ tại đó, nhiều người làm trong lĩnh vực viễn thông trong nước nói với tôi rằng họ không tin tưởng vào sự thành công của Viettel ở những thị trường gian khó như thế thậm chí đã có những ý kiến nghi ngại rằng Viettel sẽ “sa lầy” vào thị trường này.

Sau hơn 1 năm Viettel cung cấp dịch vụ tại Mozambique, tôi mới có dịp đến vùng đất xa xôi này. Tại Maputo - thủ đô của Mozambique, tôi đã gặp những con người Viettel ở thế hệ cuối 7X và 8X. Sứ mạng điều hành khai thác thị trường nước ngoài đang được đặt lên vai những cán bộ trẻ của Viettel.

Cảm nhận đầu tiên của tôi là Viettel đã có bước tiến dài khi tạo dựng phương thức quản lý vận hành bộ máy tại thị trường nước ngoài so với thời kỳ đầu “mang chuông đi đánh xứ người” ở Campuchia. Cách thức tổ chức bộ máy của Viettel nơi đây cũng rất lạ, giống như một đơn vị quân đội nơi tiền tuyến hơn là một doanh nghiệp. Tôi đã đến thăm Big House (một cách gọi vui của những người Viettel làm việc tại thủ đô Maputo) - một địa điểm Viettel thuê để làm nhà tập thể cho anh em ở Maputo và chứng kiến “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) của người Viettel nơi đây.

Bề ngoài Big House trông giống như căn biệt thự. Nhưng bên trong thực chất là một doanh trại thu nhỏ cho mấy chục chuyên gia đến từ Việt Nam. Mỗi cán bộ Viettel được bố trí một chiếc giường cá nhân kê sát nhau ngăn nắp. Dù đêm qua có làm việc muộn đến mấy thì cứ 6h30 mỗi buổi sáng, anh em lại có mặt đông đủ ở bếp ăn và được thưởng thức món phở “Bà Hồng” - được làm từ bánh phở khô mang từ Việt Nam do chính tay chị Hồng một cán bộ phụ trách kế toán của Movitel nấu. Món phở “bà Hồng” tưởng chừng như đơn giản đó dường như lại là món ăn tinh thần cho mỗi anh em Viettel nơi đây có được cảm giác như ở quê nhà.

Sau đó, đúng 7h họ lên ô tô, cùng nhau tới nơi làm việc, để 7h30 kịp dự cuộc giao ban đầu tiên trong ngày. Buổi trưa, đúng 12h, họ lại cùng nhau xuống nhà ăn tại văn phòng, ăn bữa cơm thuần Việt do “anh nuôi” đơn vị nấu… Những gì chúng tôi chứng kiến là đội quân có kỷ luật, nhưng vẫn đầm ấm như trong một gia đình.

Rời Maputo, chúng tôi đến Gaza, một tỉnh nghèo của Mozambique. Anh Hồ Văn Hào - Giám đốc Movitel ở tỉnh Gaza cho chúng tôi biết, phần lớn các anh em sang đây tuổi đời còn rất trẻ, có người mới lập gia đình, còn nhiều người vẫn là lính "phòng không". Ở nơi xa xôi này họ thực sự là anh em một nhà thương mến và chăm sóc nhau. Mỗi huyện của Mozambique được cắm một nhân viên Viettel quản lý khoảng chục nhân viên và cộng tác viên người Mozambique.

Tôi gặp Đào Xuân Dậu, Trưởng trung tâm một huyện Manhica của Gaza. Dậu nói đã sang Mozambique được 6 tháng và đã quen với cuộc sống ở đây. Quê Hà Nội, làm Viettel 4 năm nhưng chưa bao giờ Dậu có thời gian ở với vợ trọn vẹn 1 tháng bởi quãng thời gian làm ở Viettel là chuỗi dài điều chuyển sang các địa bàn khác nhau. Trước khi sang Mozambique, Dậu làm ở chi nhánh Viettel Thanh Hóa.

“Khó khăn nhất là tháng đầu tiên mới sang chưa quen với lối sống và văn hóa nơi đây, chưa nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Ở huyện này chỉ có một mình em là người Việt nên ngoài công việc tổ chức kinh doanh thì phải tự đi chợ nấu cơm, giặt giũ... Những ngày nghỉ là lúc buồn và nhớ nhà nhất bởi ở đây không có thứ gì để chơi, cũng chẳng biết giao tiếp với ai. Bọn em cứ mong ngóng đến ngày cuối tháng là dịp để anh em các chi nhánh huyện về trung tâm Gaza để quyết toán tiền nong hàng hóa và cả... tắm giặt cắt tóc nữa. Lúc đấy bọn em mới được nói tiếng Việt. Công việc cứ xoay vòng theo hàng ngày nên giờ cũng quen với cuộc sống nơi đây rồi”, Dậu chia sẻ.

Hình ảnh Châu Phi hoang dã, lạc hậu và đói nghèo vẫn được truyền đi từ các kênh truyền thông nước ngoài giờ đây tôi đã được mục sở thị. Mozambique có diện tích rộng gấp 2,5 lần Việt Nam nhưng dân số chỉ khoảng 23 triệu và chỉ có chưa đầy một nửa số dân được sử dụng điện, có tới 40% dân số không biết chữ. Chúng tôi đã đi trên những con đường đất đỏ ngút ngàn chỉ có cây rừng và dọc theo đó là tuyến cáp duy nhất của Viettel. Thỉnh thoảng trên đường đi chúng tôi gặp các kỹ sư của Movitel đang bảo dưỡng và ứng cứu tuyến cáp giữa rừng Châu Phi trùng trùng điệp điệp.

10 năm trước, đã có những nhà đầu tư nước ngoài đến đây và họ chỉ dừng lại đầu tư ở những thành phố đông dân cư. Thế nhưng, Viettel chọn một cách làm khác. Từ Việt Nam, những người Viettel đã đến mảnh đất Châu Phi xa xôi này, đổ mô hôi công sức để xây dựng một mạng viễn thông rộng khắp. Những người Viettel đã vượt qua khó khăn thiếu điện, thiếu nước và sự khác biệt về văn hóa để đem đến cho mảnh đất Châu Phi cơ hội kết nối, một cơ hội thay đổi cuộc sống. Sau những gì Viettel đã làm cho Moazambique, đem lại hình ảnh Movitel vừa thân thiện vừa gần gủi với đất nước này. Những người dân Mozambique gặp chúng tôi đều chào thân mật bằng câu “Movitel”. Còn trên thương trường, trong vòng 1 năm qua, cứ 100 người mới dùng điện thoại di động ở Mozambique thì có đến 83 người lựa chọn Movitel.

Sau chuyến đi Châu Phi, đã có rất nhiều người trong ngành viễn thông hỏi tôi rằng thị trường đó thế nào. Tôi trả lời rằng, cõ lẽ chỉ có những người Viettel mang tinh thần thép mới có thể vững vàng nơi "lục địa đen". Họ đã làm được những điều mà cả những nhà đầu tư viễn thông tên tuổi trên thế giới cũng phải ngả mũ ở thị trường này.

Theo ICT News

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG