Việt - Nhật thúc đẩy hợp tác quốc phòng, kinh tế

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp ngày 31/5 tại Tokyo. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp ngày 31/5 tại Tokyo. Ảnh: TTXVN.
TP - Sau cuộc hội đàm ngày 31/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ra Tuyên bố chung định hình lộ trình thúc đẩy hợp tác song phương về kinh tế, quốc phòng...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Abe chia sẻ quyết tâm phối hợp nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực thông qua việc duy trì và củng cố một trật tự trên biển tự do và rộng mở dựa trên luật lệ.

Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng; tăng cường giao lưu giữa các đơn vị, bao gồm việc thăm Việt Nam của tàu biển, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, tìm kiếm, cứu nạn hàng không, quân y, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (LHQ)...

Hai bên khẳng định tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển thông qua các chuyến thăm của tàu Cục Bảo an trên biển Nhật Bản. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam các tàu đã qua sử dụng và tàu tuần tra đóng mới. Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chính sách biển tổng thể trên cơ sở đề nghị cụ thể của phía Việt Nam....

Hợp tác kinh tế

Hai nhà lãnh đạo quyết định thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận và hợp tác để giải quyết các vướng mắc trong một số dự án của Nhật Bản tại Việt Nam.

Hai bên chia sẻ ý định tiếp tục hợp tác trong các dự án hạ tầng quy mô lớn như phát triển đường sắt. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia các lĩnh vực như sân bay, đường bộ và phát triển đô thị; cam kết nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó góp phần tăng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về tăng cường quản trị và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu khả năng bắt đầu đàm phán hiệp định bảo hiểm xã hội song phương nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ kinh tế.

Việt Nam và Nhật Bản sẽ đẩy nhanh thủ tục thiết lập các điều kiện kiểm dịch sửa đổi đối với táo tươi của Nhật Bản và cho phép xuất khẩu cam Satsuma quả tươi của Nhật Bản vào Việt Nam, cho phép xuất khẩu quả vải, nhãn tươi Việt Nam vào Nhật Bản thông qua tham vấn về kiểm dịch thực vật giữa hai nước.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của phát triển lành mạnh thị trường ô tô của Việt Nam và phía Việt Nam sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp phù hợp với các Hiệp định WTO để duy trì và mở rộng sản xuất nội địa xe nguyên chiếc và Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các hành động của phía Việt Nam...

Quan ngại tình hình biển Đông

Hai nhà lãnh đạo tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông; nhắc lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tự kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển thông qua tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và thúc giục các bên liên quan không có các hành động đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và phức tạp tình hình tại biển Đông. Hai bên ghi nhận những tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và nhấn mạnh tầm quan trọng của COC toàn diện và có hiệu lực. Hai bên chia sẻ nhận thức rằng để bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực, các nỗ lực ngoại giao cần hướng tới việc tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS và một biển Đông hòa bình và ổn định.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của một trật tự tự do và rộng mở trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, bảo đảm thượng tôn pháp luật, hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những đóng góp và sáng kiến vì mục tiêu đó. Thủ tướng Abe tái khẳng định Nhật Bản coi Việt Nam và ASEAN là những đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, tái khẳng định ý định của Nhật Bản ủng hộ và hợp tác với Việt Nam và ASEAN…

Ký nhiều văn kiện hợp tác

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe chứng kiến các bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 4 văn kiện ký kết, gồm:

- Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cấp học bổng phát triển nhân lực trị giá 745 triệu Yen.

- Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở (SPR) tại TPHCM trị giá 1,96 tỷ Yen.

- Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên nước, đo đạc, bản đồ, thông tin không gian địa lý, khí tượng thủy văn và viễn thám.

- Biên bản hợp tác về xây dựng và phát triển đô thị (giai đoạn 2018 - 2021)

Chia sẻ quan điểm về vấn đề Triều Tiên

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe hoan nghênh tiến triển tích cực gần đây, bao gồm cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều tổ chức vào tháng 4/2018, vì giải pháp toàn diện cho các vấn đề còn tồn tại về bán đảo Triều Tiên. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tại các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ; khẳng định tính cấp thiết của việc các bên liên quan tiếp tục tìm kiếm một giải pháp hòa bình và ngoại giao cho vấn đề này, bao gồm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

MỚI - NÓNG