> Động đất, nổ lò nguyên tử Fukushima
Theo chỉ đạo của Bộ Khoa học & Công nghệ, VAEC đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học & Kỹ thụât Hạt nhân Hà Nội tổ chức quan trắc phóng xạ môi trường tại hai trạm quốc gia do hai đơn vị này quản lý. Nếu có bất kỳ sự bất thường nào, phải thông báo ngay cho VAEC.
Tối qua, PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng VAEC, cho hay, không có bất kỳ bất thường nào về phóng xạ tại hai trạm của VAEC. “Do mức độ của sự cố chỉ ở cấp độ bốn, nên ảnh hưởng chủ yếu là ở khu vực xung quanh nhà máy là chính”, ông nói.
Theo một nhà khoa học hạt nhân, nếu có gió mùa đông bắc thổi liên tục và nếu có đám mây phóng xạ từ vị trí xảy ra sự cố lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản, phải ít nhất hai ngày sau, đám mây ấy mới có thể tới Việt Nam.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nằm cách bắc Tokyo khoảng 240km và trên bờ biển đông bắc Nhật Bản, là nơi xảy ra rò rỉ phóng xạ sau động đất mà cơ quan địa chấn Nhật Bản xác nhận mạnh 9,0 độ Richter. Vụ nổ xảy ra một ngày sau trận động đất và sóng thần cao 10 m.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản nói rằng, nhà chứa lõi lò phản ứng bị sập, lõi không sao và lò phản ứng không bị thiệt hại. Tuy nhiên, sáng qua, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho hay, đã có 22 người ở gần nhà máy bị phơi nhiễm phóng xạ. Một quan chức cơ quan an toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản cho rằng, con số này có thể lên đến 160 người.