Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề "Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19" diễn ra tại TPHCM ngày 18/11.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Đồng thời, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.
Chuỗi giá trị toàn cầu hiện chiếm tới 66% giao dịch thương mại. Nhưng, mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 28% trong tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp tại diễn đàn cũng mong muốn đưa hàng xuất khẩu, tuy nhiên vướng các tiêu chuẩn, vùng trồng, mức độ đáp ứng sản lượng của đối tác.
“Trước đây, chúng tôi đã xuất mãng cầu tươi sang Singapre, nhưng khó bảo quản lâu nên phải đầu tư công nghệ để chế biến. Khi đổi phương thức sản xuất, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều vào hệ thống máy móc, nhà xưởng; đồng thời đạt được các tiêu chuẩn ISO, HACCP… theo yêu cầu thị trường ngoại thì mới có hội đưa hàng ra thế giới” - ông trần Văn Bình, Giám đốc công ty TNHH TM-SX-CB-XNK trái cây Tam Nguyên cho biết.
Có đơn hàng tại thị trường Trung Đông, Đài Loan, Malaysia… công ty trà Cát Nghi vẫn gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển do dịch COVID-19. Trước cơ hội từ các hiệp định thương mại, đơn vị này kỳ vọng sẽ tìm thấy cơ hội đưa hàng sang châu Âu.
“Công ty đã xuất khẩu sang nước ngoài thì chất lượng không thể tệ được. Theo chúng tôi, đưa sản phẩm sang châu Âu không phải là bài toán quá khó, bởi nhiều nước đòi hỏi các tiêu chuẩn gắt gao hơn nhưng công ty vẫn đáp ứng được. Do đó, nếu có đầy đủ các giấy tờ, và có đơn vị kết nối thì hy vọng sẽ phẩm sẽ rộng đường sang EU trong thời gian sớm nhất” – bà Cát Võ, Giám đốc tiếp thị thương hiệu Công ty TNHH TMXS Trà Cát Nghi chia sẻ.
Trong khi đó, bà Vani, Phó giám đốc Công ty CP Quốc tế Xlife cho rằng: “Nông sản dược liệu của Việt Nam rất được người châu Âu ưa chuộng, nhưng chúng ta chỉ mới xuất thô là chính. Đây là một điều đáng buồn trong khi chúng ta có nhân lực dồi dào, nguyên liệu, nhà máy, nhân lực… đều sẵn có. Nhưng do không ai hướng dẫn nên cứ xuất thô”.
Tại diễn đàn, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn dẫn chứng số liệu điều tra của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch để cho thấy, tỷ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25-30% tổng sản lượng nông sản (bằng 1/2 so với các nước ASEAN). Nhiều sản phẩm trong số đó đạt tỷ lệ rất thấp như rau, quả, thực phẩm chỉ đạt 10%, cà phê chỉ đạt 4-6%...
“Muốn đẩy mạnh hàng hóa vào chuỗi cung ứng toàn cầu như, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, thì doanh nghiệp phải tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng; tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistic trong xuất khẩu nông sản; xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết “6 nhà”; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia…” – ông Hòa đề xuất.