Việt Nam sẽ có thêm nhiều tổ chức đại diện người lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trong một lần đối thoại với người lao độngẢnh: Molisa
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trong một lần đối thoại với người lao độngẢnh: Molisa
TP - Sáng 13/11, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Tọa đàm về các cam kết lao động của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tại đây, thông tin các cam kết về lao động của Việt Nam trong CPTPP đã chính thức được công bố, phân tích xung quanh vấn đề cam kết cho phép người lao động (NLĐ) được thành lập cả tổ chức đại diện cho mình (tổ chức ngoài công đoàn).

Có quan hệ lao động mới được liên kết

Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Mạnh Cường cho biết, theo cam kết của Việt Nam trong CPTPP, chương về lao động (LĐ) trong CPTPP (chương 19) là cam kết cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có trên thế giới. Theo đó, Việt Nam và các đối tác cam kết: Thông qua, duy trì đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn những quyền LĐ cơ bản được nêu trong tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), gồm: Tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ LĐ trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong LĐ.

CPTPP cho phép Việt Nam có “khoảng trễ” thực hiện cam kết. Theo đó, nếu Việt Nam có vi phạm các cam kết chung liên quan tới LĐ, các nước không áp dụng biện pháp cắt giảm ưu đãi thương mại trong thời hạn 3 năm đầu. Nếu Việt Nam có vi phạm quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể, các nước không áp dụng biện pháp đình chỉ ưu đãi thương mại trong thời gian 5 năm đầu. Từ năm thứ 5 đến năm thứ 7 tính từ khi CPTPP có hiệu lực, các bên sẽ rà soát những vi phạm của Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội. “Các nước đồng ý cho Việt Nam có khoảng trễ trên vì đây là điều khoản khó và mới với nước ta, cần thời gian thực hiện. Đặc biệt nó liên quan tới tổ chức đại diện NLĐ”, ông Cường nói.

Về việc cho phép NLĐ tự thành lập tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp, ông Cường cho hay: Tổ chức này hoạt động theo Luật LĐ (không theo Luật Công đoàn, Luật về hội - nếu có). Tổ chức này chỉ ra đời trên cơ sở quan hệ LĐ, không vượt khỏi phạm vi doanh nghiệp (chỉ trong từng doanh nghiệp) và phạm vi địa lý cụ thể. Đặc biệt, tổ chức này không phải là tổ chức chính trị - xã hội, không được tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Sau khi NLĐ thành lập tổ chức đại diện cho mình phải lựa chọn tự nguyện tham gia vào hệ thống công đoàn hiện nay hoặc đứng độc lập. Nếu đứng ngoài công đoàn, tổ chức độc lập phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định. Khi hoạt động, đại diện tổ chức này chỉ được phép đại diện cho NLĐ bầu ra mình, tham gia đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết tranh chấp LĐ (đàm phán hoặc tổ chức đình công).

“Tổ chức đại diện NLĐ rất mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm, nên giờ khó nói thị trường LĐ sẽ ra sao khi có các tổ chức này. Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực trạng thị trường LĐ hiện nay, để tránh sau này nói thị trường xáo trộn vì có tổ chức này, tổ chức kia”, ông Cường nói. Ông dẫn chứng, từ năm 1995 tới nay, cả nước xảy ra hơn 6.000 cuộc đình công, nhưng tất cả đều không do công đoàn tổ chức. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc đình công đều diễn ra trật tự, nên rõ ràng có người tổ chức tự phát nhưng không phải công đoàn. Rõ ràng mô hình công đoàn hiện nay chưa phát huy được vai trò dẫn dắt và đại diện cho NLĐ. Do đó, CPTPP là cơ hội, động lực để Tổng Liên đoàn LĐ tự đổi mới, vươn lên hoạt động hiệu quả hơn, lãnh đạo công nhân giải quyết tranh 
chấp LĐ.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, cho phép thành lập các tổ chức đại diện NLĐ không có nghĩa là mọi tổ chức thoải mái, muốn làm gì cũng được. Tổ chức này phải hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, hướng tới mục tiêu lành mạnh, vì NLĐ. “Tôi tin Việt Nam đủ thế và lực, thời gian chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới sau khi có CPTPP”, ông Cường nói.

Đã sẵn sàng

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về sự chuẩn bị của Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay, Luật LĐ đang được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp cam kết trong CPTPP và FTA Việt Nam - EU. Về tổ chức bộ máy, Bộ LĐ-TB&XH và các sở LĐ-TB&XH đều đã có cục/phòng quan hệ LĐ và tiền lương, chuyên trách thực thi cam kết (như cấp phép cho các tổ chức đại diện NLĐ). “Các địa phương có công nghiệp phát triển như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Hà Nội... đều có nhiều kinh nghiệm về giải quyết các tranh chấp LĐ. Tôi tin CPTPP sẽ không tạo ra các cú sốc, hay đột biến gì trong thị trường LĐ”, ông Cường nói. 

TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học LĐ-XH đánh giá, khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam có thể tạo thêm khoảng 27.000 việc làm mới mỗi năm; thu nhập và tay nghề của NLĐ cũng được cải thiện... Tuy nhiên, sẽ xuất hiện phân hóa tiền lương giữa LĐ tay nghề cao và thấp, trong và ngoài nước. Do đó, Việt Nam phải điều chỉnh các chính sách về LĐ việc làm, đào tạo, an sinh xã hội... 

Về phần doanh nghiệp, một số khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đã nghiên cứu và chuẩn bị đón nhận cơ hội từ CPTPP tốt hơn các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí không biết, hoặc chỉ biết sơ sơ về các hiệp định Việt Nam sắp tham gia và các cam kết trong đó. “Điều đó cho thấy sự chuẩn bị, sẵn sàng của doanh nghiệp để đón nhận cơ hội từ CPTPP chưa cao. Thậm chí thụ động, chờ đợi tới đâu tính tới đó”, ông Vinh nói. Cùng đó, việc xuất hiện các tổ chức đại diện NLĐ ngoài công đoàn, sẽ khiến doanh nghiệp đối thoại với NLĐ phức tạp hơn, với các tình huống mới phát sinh.

Nói về  3 công ước của ILO về LĐ (liên quan tới quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và xóa bỏ lao động cưỡng bức), đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho hay: Việt Nam là thành viên ILO, luôn cam kết tuân thủ, nhưng phải phù hợp với thực tế đất nước. Trên thực tế, cả CPTPP, FTA Việt Nam - EU và các hiệp định thương mại khác đều không đặt ra yêu cầu các nước phải phê chuẩn tất cả công ước của ILO mới có hiệu lực hoặc được hưởng ưu đãi thương mại. Chỉ yêu cầu các bên cam kết nỗ lực liên tục và bền vững hướng tới phê chuẩn các công ước của ILO.

Cứ 10 lao động nữ, phải có một nhà vệ sinh

Một quy định khá cụ thể liên quan đến tiêu chuẩn về lao động được TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) chia sẻ với báo chí là việc, CPTPP sẽ yêu cầu những tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, quyền lợi của phụ nữ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái... Trong đó, đáng chú ý, có một quy định đối với lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nữ, cứ 10 người phải có 1 nhà vệ sinh. Đây là quy định mà các doanh nghiệp phản ứng rất nhiều do diện tích để làm nhà vệ sinh là khoản chi phí quá lớn. Tuy nhiên, xét về tiêu chuẩn về lao động, môi trường chỉ cần nâng lên cao hơn một chút thì chi phí tuân thủ phát sinh rất lớn

.P.T

ILO: Việt Nam đang tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn lao động quốc tế

Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP, ILO đã phát đi phân tích ngắn liên quan tới tiêu chuẩn LĐ của hiệp định này. Theo đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua, duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản LĐ trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ (8 công ước). CPTPP yêu cầu các thành viên phải thực hiện đầy đủ các công ước trên. “Đây là cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật về LĐ, hệ thống quan hệ LĐ và nhu cầu thực hiện công cuộc cải cách đó. Việt Nam tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn LĐ quốc tế”, TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho biết.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.