Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15 tỷ USD

TPO - Việt Nam sẽ nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện nay lên trên 10% vào năm 2025 (15 tỷ USD). Trong đó, năm 2018 đạt tối thiểu 9 tỷ USD, năm 2020 đạt 11 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% thị phần thương mại gỗ thế giới.
Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15 tỷ USD ảnh 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc

Sáng 8/8, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, đại biểu quốc tế và khoảng 300 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước.

Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/ năm trong giai đoạn 2010 – 2017.

Riêng năm 2017, xuất khẩu trên 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.

Đến nay, có khoảng 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản, trong đó khu vực tư nhân chiếm 95% đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến  và cho hàng triệu lao động trồng ở  khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2017, giá trị thương mại đồ nội thất toàn cầu khoảng 428 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm 2018. Tổng giá trị thương mại đồ gỗ của 100 quốc gia xuất khẩu năm 2017 khoảng 141 tỷ USD.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 6% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới. Như vậy, ngành chế biến gỗ của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội phát triển nếu các doanh nghiệp biết tận dụng những lợi thế sẵn có.

Ông Cường cho biết, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản sẽ là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao; tạo động lực để phát triển rừng…

Phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản phải gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu và các sản phẩm sơ chế.

Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến gỗ, lâm sản. Trong đó, ưu tiên đối với các doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, máy móc thiết bị, công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, thân thiện với môi trường…

Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15 tỷ USD ảnh 2 Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD đồ gỗ và lâm sản trong năm 2018

Theo đó, sẽ phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Cụ thể, đầu tư phát triển và sử dụng hiệu quả gần 3 triệu ha rừng trồng sản xuất, tập trung; phát triển, nâng cao diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn. Ổn định diện tích khai thác rừng trồng tập trung khoảng 200-250 ngàn ha/năm với sản lượng khai thác đạt 19 triệu m3 trong năm 2018, tiến tới ổn định ở mức 30 triệu m3/năm vào năm 2025.

Duy trì ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu từ khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà, vườn rừng và vườn cây cao su thanh lý với sản lượng gỗ khoảng 6-7 triệu m3/năm.

Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện lên trên 10% vào năm 2025. Trong đó, năm 2018 đạt tối thiểu 9 tỷ USD; chiếm khoảng 6,7% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới.

Năm 2020 sẽ đạt 11 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới và đến năm 2025 đạt 15 tỷ USD, chiếm hơn 10% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.