Xuất khẩu đồ gỗ có thể đạt 7,8-7,9 tỷ USD

Năm 2018, nhiều tín hiệu khả quan với đồ gỗ Việt Nam từ các thị trưởng EU, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ
Năm 2018, nhiều tín hiệu khả quan với đồ gỗ Việt Nam từ các thị trưởng EU, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khả năng sẽ đạt 7,8- 7,9 tỷ USD, với mức tăng ấn tượng trên 10% so cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt trên 7,2 tỷ USD, tăng tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay, chiếm trên 70% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Các thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh của Việt Nam vẫn là các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, EU và  Hàn Quốc, đây là các thị trường truyền thống của Việt Nam.

Lý giải về con số ấn tượng trên, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch hiệp hội gỗ và lâm sản (Vietfores), thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách về hải quan, thuế, phí, thương mại… góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Cùng đó, các Hiệp định FTA Việt Nam và các nước đã ký kết và sẽ ký kết trong thời gian tới đã và sẽ tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng thị trường và thị phần. Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã chủ động tìm hiểu và nắm bắt được những chính sách thương mại mới của quốc tế xây dựng chiến lược và kế hoạch sản xuất dài hạn và hàng năm của doanh nghiệp.

Đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ đã đặt mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm sau tăng hơn năm trước từ 7-10%. Ông Quyền cho biết, với việc tăng trưởng ở các thị trường nói trên, dự kiến năm 2017 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt từ 7,8- 7,9 tỷ USD, sẽ chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Tuy nhiên, Chủ tịch Vietfores cũng cho rằng, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, ngành gỗ cũng gặp không ít thách thức. Theo đó, nhu cầu nguyên liệu gỗ ngành càng tăng, nhưng nguồn cung khó khăn. Năm 2016, tổng nhu cầu cả nước là 31 triệu m3 gỗ, năm 2017 là 33 triệu m3 và dự kiến đến năm 2020 sẽ là 40 triệu m3. Mặt khác,  hiện ngành đang thiếu nguồn nhân lực để đổi mới công nghệ và đạo tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Trong khi đó, sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ nội địa yếu hơn các sản phẩm gỗ tràn vào thị trường Việt Nam. Sản xuất sản phẩm gỗ nội địa chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, phân tán, manh mún gây lãng phí rất lớn trong việc sử dụng nguyên liệu gỗ, chất lượng sản phẩm không được kiểm soát, người tiêu dùng bị thiệt thòi nhiều.

Cơ hội nào cho ngành gỗ năm 2018?

Theo Chủ tịch Vietfores, năm 2018,  thị trường xuất khẩu đồ gỗ vẫn có nhiều điểm sáng, nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng.

Các thị trường truyền thống và trọng điểm của ngành gỗ từ trước đến nay là Mỹ, Eu, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc, các thị trường này chiếm tới trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Từ năm 2018 và những năm tới, các thị trường trọng điểm nêu trên sẽ vẫn giữ vị trí như hiện nay.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc sẽ giảm. Bởi, từ trước tới nay Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu dăm mảnh (wood chip) với giá trị từ 800 triệu- 1 tỷ USD/năm. Nay mặt hàng đã đánh thuế từ năm 2016 và sẽ còn tăng thuế xuất khẩu vào các năm tới, nên lượng nhập khẩu dăm mảnh sẽ giảm. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã và đang chuyển đổi về sản xuất dăm mảnh sang sản xuất ván MDF, ván dăm và viên nén nhiên liệu.

Còn thị trưởng EU sẽ tăng khối lượng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nhờ những thuận lợi từ Hiệp định FTA – EU sẽ có hiệu lực từ năm 2018; Hiệp định VPA/FLEGT sẽ có hiệu lực từ năm 2019 hoặc 2020.

“Các hiệp định này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các DN Việt Nam sản xuất và xuất khẩu vào EU vì thị trường này được mở rộng và được hưởng các lợi thế về thuế và phí”- ông Quyền nói.

Chủ tịch Vietfores cũng nhận định, thị trường Nhật và Hàn Quốc sẽ được mở rộng thị phần. Trước đây, Nhật chuyên nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam, nhưng nay đã có kế hoạch cung cấp gỗ nguyên liệu cho doanh nghiệp Việt Nam bằng hình thức bán gỗ tròn hoặc đưa gỗ tròn vào Việt Nam để xây dựng các xưởng xẻ gỗ, và bán cho các DN Việt Nam. Như vậy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ tăng lên.

Còn với thị trường Hàn Quốc, nhu cầu của Nhu cầu của thị trường này với các loại sản phẩm như ván ghép thanh và viên nén nhiên liệu sẽ tăng lên trong những năm tới. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ Việt Nam của Hàn Quốc tăng trưởng bình quân từ 5-7%/năm.

Hiện nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Hàn Quốc đạt từ 600 – 650 triệu USD/năm và sẽ đạt vào khoảng 700 – 750 triệu USD vào các năm tới. 

MỚI - NÓNG