Việt Nam đối mặt với thảm họa ô nhiễm trắng

Việt Nam là một trong những nước có nhiều chất thải nhựa nhất thế giới. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Việt Nam là một trong những nước có nhiều chất thải nhựa nhất thế giới. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Là một trong 4 quốc gia phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất châu Á, với thời gian phân hủy đến hàng trăm năm, các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam đang đối mặt với thảm họa “ô nhiễm trắng”- cách gọi về ô nhiễm túi ni lông.

Việt Nam chiếm tới 6% chất thải nhựa ra biển của thế giới

Sáng qua (4/6), nhân ngày Môi trường Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy.

Theo GS Đặng Kim Chi, chuyên gia hàng đầu về chất thải rắn, trong các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, Việt Nam đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Indonensia, Philippines. Bà Dương Thị Phương Anh, Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường chia sẻ con số: Trung bình mỗi hộ sử dụng và thải bỏ 4 túi ni lông mỗi ngày, mỗi năm cả nước thải ra hơn 30 tỷ túi. Chỉ khoảng 17% số túi được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng xong một lần.

Theo GS Đặng Kim Chi, đây là một thách thức lớn cho môi trường vì nhựa có tính bền trong môi trường tự nhiên, phải mất hàng trăm năm những rác thải nhựa này mới có thể phân hủy.

GS Chi điểm những tác hại nghiêm trọng của túi ni lông khó phân hủy với môi trường: Kim loại nặng có trong phụ gia tạo màu và các độc chất hóa học ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhiều loại túi ni lông được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, nếu đốt sẽ phát sinh chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch. Túi nilon lẫn vào đất tồn tại hàng trăm năm sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Tuy nhiên, theo GS Chi, nhức nhối lớn nhất mà con người cần phải giải quyết chính là lượng rác thải khổng lồ được thải ra đại dương mỗi năm. Trong đó, có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa. Theo ước tính, lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi ra biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, của tia cực tím rác, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào, sau đó theo chuỗi thức ăn đi vào cơ thể con người.

Nhóm nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu quản lý biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chia sẻ thông tin: Trên 50% tổng lượng chất thải nhựa thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực biển Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Trong đó, Việt Nam là nước có lượng chất thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng thải ra biển Đông dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới.

Nhiều nước cấm túi ni lông

Theo ông Nguyễn Thành Yên, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trường, hiện nay hệ thống pháp luật liên quan để quản lý chất thải ni lông đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (trong đó có chất thải nhựa và túi ni lông) chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ thu gom khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85%, khu vực nông thôn được thu gom khoảng 55%. Nhận thức của người dân trong thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa và túi ni lông còn nhiều hạn chế, thói quen sử dụng túi ni lông còn phổ biến.

Theo bà Dương Thị Phương Anh, đã có những cơ sở pháp lý mang tính chất định hướng cho việc quản lý chất thải túi ni lông từ khâu phát sinh (phát thải), giảm phát thải cho đến xử lý chất thải (thu gom, tái chế, chôn lấp) cũng như việc sản xuất, sử dụng sản phẩm (bao bì) thân thiện môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý còn thiếu cụ thể để tập trung quản lý, kiểm soát. Tổ chức thực thi, nguồn lực còn thiếu, chưa theo kịp và đáp ứng được yêu cầu quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Bà Dương Phương Anh chia sẻ một số kinh nghiệm thế giới, có thể áp dụng tại Việt Nam như cấm túi nhựa. Ở Bangladesh, Luật Bảo tồn Môi trường cấm mua, bán tất cả các loại túi mua sắm polythene làm từ polyethylene hoặc polypropylene hay hỗn hợp của các chất này nhưng không cấm đối với túi sản xuất để xuất khẩu, người sản xuất, bán hoặc nhập khẩu túi nhựa bị phạt tiền, phạt tù tới 10 năm. 

Một số quốc gia quy định độ dày túi nhựa như Botswana cấm túi nhựa mỏng dưới 0,024 mm và đánh thuế các loại túi dày, nhờ đó việc tiêu thụ túi giảm 50%. Trung Quốc có Luật về túi ni lông áp dụng từ 2008, cấm túi ni lông siêu mỏng dưới 0,025mm, cấm các nhà hàng, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ cung cấp túi ni lông miễn phí, nhờ đó giảm khoảng 2/3, tương đương với 24 tỷ túi nhựa hoặc 60.000 tấn nhựa mỗi năm. Theo bà Anh, đây là những kinh nghiệm có thể xem xét, áp dụng tại Việt Nam.

Một giải pháp nữa được đề xuất là tăng thuế. Theo đại diện Bộ Tài chính, Luật thuế bảo vệ môi trường quy định khung mức thuế đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế từ 30.000-50.000 đồng/kg, mức thuế hiện hành là 40.000 đồng/kg. Thực tế, mức thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông của Việt Nam là thấp nên chưa tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi ni lông.

Cam kết không dùng chai nhựa đựng nước trong văn phòng

Sáng 4/6, tại Hà Nội, 22 đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới bằng việc ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa. Thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa. Tất cả các tổ chức ký kết cũng nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa, khuyến khích các đối tác áp dụng giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.        

V.H

MỚI - NÓNG