Việt Nam chưa nhận quyền đăng cai Para Games 11, vì sao?

VĐV khuyết tật thiếu sân chơi để cọ xát trong năm 2020 ảnh :CTV
VĐV khuyết tật thiếu sân chơi để cọ xát trong năm 2020 ảnh :CTV
TP - Do Philippines hủy tổ chức Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) 10 vì đại dịch COVID-19, nên Việt Nam chưa được trao quyền đăng cai kỳ Đại hội dự kiến diễn ra vào năm sau.

ASEAN Para Games lần thứ 10 dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2020, ngay sau kết thúc SEA Games 30. Nhưng vì vấn đề kinh phí, nước chủ nhà Philippines dời kế hoạch sang tháng 3. Sau đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Philippines một lần nữa tiếp tục báo hoãn vô thời hạn, trước khi chính thức tuyên bố huỷ hồi tháng 5 vừa qua. Ủy ban Thể thao Philippines (PSC) cho biết ngừng hỗ trợ tài chính cho sự kiện này để tập trung vào các biện pháp đối phó với đại dịch.

Theo thông lệ, chủ nhà mỗi kỳ ASEAN Para Games sẽ trao cờ cho nước đăng cai kỳ Đại hội tiếp theo tại Lễ bế mạc, qua đó thông báo với các nước trong khu vực chính thức tiếp nhận quyền đăng cai để chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự kiện trên sân nhà. Tuy nhiên, do Philippines hủy sự kiện ASEAN Para Games 10, Việt Nam đối mặt với tình huống “dở khóc dở cười” bởi chưa có “danh chính ngôn thuận” để tổ chức kỳ Đại hội lần thứ 11 vào năm sau.

Trao đổi với Tiền Phong, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Lê Thị Hoàng Yến cho biết: “Hai sự kiện SEA Games và Para Games thuộc sự quản lý của hai tổ chức tách biệt nhau.

Như vậy, việc Việt Nam đã nhận cờ đăng cai SEA Games, không đồng nghĩa với việc chúng ta cũng là chủ nhà của Para Games. Trước tình hình này, chúng tôi đã gửi văn bản tới Liên đoàn Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (APSF) và các cơ quan liên quan đề nghị “cấp phép” cho Việt Nam tổ chức Para Games 11. Dự kiến, Việt Nam sẽ chính thức được công bố là nước chủ nhà tại Hội nghị Liên đoàn Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ nhất và Hội nghị Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật tham dự Đại hội diễn vào vào cuối năm nay”.

VÐV thiếu động lực thi đấu

Đại dịch COVID-19 khiến các nhiều giải thể thao dành cho VĐV khuyết tật khu vực và thế giới bị hủy bỏ. Trong năm qua, các VĐV khuyết tật Việt Nam không được tham dự bất kỳ một giải đấu quốc tế chính thức nào. Các giải đấu trong nước cũng vừa mới trở lại.

Hiện tại, mới chỉ có 4 giải đấu được tổ chức trong tháng 11, gồm hai giải vô địch là điền kinh và bơi. Còn lại là hai giải đấu cup, gồm Cúp Judo cho người khiếm thị và quần vợt. Đây là những môn thể thao đã phát triển ở Việt Nam, nhưng số lượng VĐV khuyết tật thi đấu ở hai môn này còn ít và chưa phát triển ở địa phương. Việc tổ chức các giải đấu nhằm chuẩn bị lực lượng cho Para Games 11, mang tính chất cọ xát và hội nhập với khu vực, chứ không đặt mục tiêu thành tích.

Ông Phạm Đông Anh, Phó vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng cho biết, các sự kiện thể thao, trong đó có ASEAN Para Games 2020 bị hủy bỏ là một thiệt thòi rất lớn đối với các VĐV người khuyết tật Việt Nam, nhất là sau khi họ đã bỏ công bỏ sức, nỗ lực tập luyện chuẩn bị trong một thời gian dài. 

 “Chúng ta bình thường tập luyện thể thao cũng cần sự nỗ lực rồi, với các VĐV khuyết tật phải nỗ lực hơn gấp trăm nghìn lần. Điều kiện kinh tế của các VĐV khuyết tật Việt Nam đa số vẫn gặp khó khăn. Họ phải vượt qua khiếm khuyết của mình, vừa phải bươn chải, mưu sinh kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, lại vừa tham gia tập luyện thể dục thể thao được là điều đáng quý, đáng trân trọng. Dù không đặt nặng thành tích, nhưng các VĐV đều đặt mục tiêu cho mỗi giải đấu. Việc các giải bị hoãn và huỷ khiến cho các VĐV không có sân chơi để cọ xát, thể hiện và nâng cao thành tích. Điều này làm mất động lực thi đấu của các VĐV và ảnh hưởng không nhỏ tới sự chuẩn bị của các VĐV cho Paralympic, tiến tới chuẩn bị cho Para Games tổ chức trên sân nhà”.

ASEAN Para Games 11 dự kiến tổ chức tại Hà Nội, khoảng 10 ngày ngay sau thời gian tổ chức SEA Games 31. Các VĐV tranh tài ở 11 môn thể thao, với khoảng 400 nội dung. Đoàn Việt Nam tham dự với khoảng 200 VĐV, có khả năng cạnh tranh huy chương ở 6 môn gồm: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua.

Dự kiến kinh phí chi cho việc chuẩn bị và tổ chức Para Games 11 khoảng 300 tỷ đồng; thu khoảng 40 tỷ đồng, trong đó thu ăn ở của các đoàn tham dự 25 tỷ đồng và thu hoạt động tài trợ, quảng cáo 15 tỷ đồng. Lễ khai mạc Para Games 11 được tổ chức tại SVĐ Mỹ Đình với khoảng 20.000 người tham dự. Lễ bế mạc được tổ chức tại Cung Điền kinh Hà Nội, dự kiến có khoảng 3.000 người tham dự.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.