Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt - Mỹ

Việt - Mỹ đã sẵn sàng đối diện các vấn đề nhạy cảm

TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong ngày 8/7. Ảnh: Trúc Quỳnh.
TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong ngày 8/7. Ảnh: Trúc Quỳnh.
TP - TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) vừa đưa ra nhận định về Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ.

Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho thấy sự thẳng thắn, cởi mở giữa lãnh đạo Việt Nam và Mỹ trong trao đổi các vấn đề trước đây được coi là nhạy cảm. Quan hệ Việt- Mỹ sắp tới sẽ thực chất hơn, sâu sắc hơn khi hợp tác các mặt không bị cản trở bởi những khác biệt.

5 điểm đáng chú ý

Theo ông, Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ có những điểm gì đáng chú ý?

Tôi nhìn thấy ít nhất 5 điểm đáng chú ý trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trước tiên, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đã đánh giá cao sự hợp tác, sự cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trên tất cả các mặt trong 20 năm qua, từ khi bình thường hóa. Sự hợp tác trải dài trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế- thương mại - đầu tư đến các vấn đề an ninh phi truyền thống như cứu hộ cứu nạn, hợp tác y tế, ứng phó biến đổi khí hậu, từ lĩnh vực chính trị, trong đó có trao đổi đoàn cấp cao, đến hợp tác về an ninh - quốc phòng. Hợp tác giữa hai nước không chỉ trong khuôn khổ song phương, mà còn trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Thứ hai, tuyên bố này cho thấy sự thẳng thắn, cởi mở giữa lãnh đạo Việt Nam và Mỹ trong trao đổi các vấn đề hai bên quan tâm, trong đó có các vấn đề trước đây được coi là nhạy cảm, như dân chủ, quyền con người, tôn giáo, an ninh hàng hải, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Việc này cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ thừa nhận sự khác biệt, coi đối thoại là con đường tốt nhất để thu hẹp khác biệt, để hai bên hiểu biết nhau hơn và đưa quan hệ hai nước tiến về phía trước. Phát biểu của Tổng thống Obama sau cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói đến sự khác biệt về triết lý chính trị giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng khác biệt này không cản trở sự hợp tác của hai nước như chúng ta thấy trong 20 năm qua.

Thứ ba, Mỹ và Việt Nam mong muốn cùng nhau hợp tác để đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Nam Á, thể hiện trong Tuyên bố là lãnh đạo Việt Nam và Mỹ cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết vấn đề biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điểm này cũng cho thấy vấn đề biển Đông không chỉ là vấn đề an ninh của riêng Việt Nam, của khu vực mà là vấn đề an ninh quốc tế mà Mỹ quan tâm. Việc giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế đáp ứng được lợi ích của cả Việt Nam và Mỹ.

Thứ tư, Tuyên bố thể hiện Mỹ mong muốn hợp tác cùng Việt Nam để sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được coi là hiệp định thương mại có tiêu chuẩn quốc tế cao nhất hiện nay. Việc hoàn tất TPP giúp tạo sự liên kết giữa các thành viên một cách chặt chẽ hơn, giúp thúc đẩy sự thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương và sự thịnh vượng chung trên thế giới. Trong việc thúc đẩy TPP, Mỹ đánh giá cao sự hợp tác và cố gắng của Việt Nam thời gian qua, và cũng thấy một số khó khăn của chúng ta. Điều này thể hiện ở việc phía Mỹ nói mong muốn Việt Nam đồng bộ hóa hệ thống luật pháp của mình với Hiến pháp sửa đổi được thông qua năm 2013. Rõ ràng Mỹ thấy rằng, sự hội nhập quốc tế và tham gia của Việt Nam vào TPP muốn suôn sẻ thì luật pháp đóng vai trò quan trọng. Mỹ cũng thấy Việt Nam còn khó khăn với nền kinh tế chuyển đổi đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tham gia vào một hiệp định với tiêu chuẩn cao và quá trình đàm phán khó khăn, phức tạp nên sẽ có vấn đề nảy sinh. Vì thế, Mỹ muốn chúng ta có nền tảng pháp lý tốt để hội nhập và tham gia TPP sau này.

Cuối cùng, khi đánh giá về quan hệ trong tương lai, lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đều thấy tương lai hợp tác Việt - Mỹ còn rất nhiều tiềm năng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ mong muốn quan hệ hai nước phát triển hơn nữa, sau khi hai bên đã ký Thỏa thuận về Đối tác Toàn diện. Trong chuyến đi này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam và ông Obama đã vui vẻ nhận lời. Chuyến thăm của ông Obama nếu thành hiện thực sẽ tạo thêm một bước ngoặt nữa trong quan hệ Việt - Mỹ.

Hợp tác sẽ thực chất hơn, sâu sắc hơn

Theo ông, sẽ có những thay đổi gì trong quan hệ hai nước từ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ?

Có thể nói rằng đây là chuyến thăm vô tiền khoáng hậu. Báo chí trong nước, khu vực và quốc tế đều sử dụng nhiều danh từ, kèm theo tính từ “lịch sử” như “một chuyến thăm lịch sử”, “sự kiện lịch sử”, “bước ngoặt lịch sử”… để nói về ý nghĩa của chuyến thăm này. Bản thân chuyến thăm đã nói lên mối quan hệ Việt - Mỹ phát triển rất mạnh thời gian qua. Hai bên đã vượt qua nhiều trở ngại để chuyến thăm từ một chuyện không tưởng cách đây 20 năm trở thành hiện thực. Hai bên đã ký Tuyên bố về tầm nhìn, thể hiện cam kết về chính trị, hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ trên cơ sở những thành tựu đạt được trong 20 năm qua. Quan hệ Việt - Mỹ sắp tới sẽ thực chất hơn, sâu sắc hơn, đưa những nội dung mà Việt Nam và Mỹ ký kết trước đây trong Thỏa thuận về Đối tác Toàn diện thành hiện thực. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama nói, sự khác biệt về triết lý chính trị, quá khứ không thay đổi được, nhưng hai bên có thể thay đổi vận mệnh của mình. Điều này cho thấy trong tương lai, tiềm năng hợp tác các mặt sẽ tiếp tục phát triển và không bị cản trở bởi những khác biệt. Những khác biệt cũng cần được giải quyết tốt nhất qua con đường đối thoại. Khác biệt là một phần tất yếu của quan hệ này.

Chuyến đi này được coi là tạo tiền lệ cho những chuyến thăm tương tự trong tương lai. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào?

Trước chuyến thăm này cũng đã có những lãnh đạo khác của Việt Nam như Chủ tịch nước và Thủ tướng thăm Mỹ. Như tôi đã nói, chuyến thăm này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bản thân nó đã mang ý nghĩa lịch sử, không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng mà còn có ý nghĩa thực chất cho quan hệ hai nước. Nó cho thấy Mỹ tôn trọng sự lựa chọn chính trị của nhân dân Việt Nam, tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Sau chuyến thăm này, những chuyến thăm của các tổng bí thư Việt Nam đến Mỹ sau này sẽ trở nên bình thường. Điều này cũng tác động đến quan hệ giữa Việt Nam với những nước khác, như Anh, Pháp, Đức, Ý… Mỹ đã đón Tổng Bí thư của Việt Nam sang thăm, thì không cớ gì mà những nước khác không đón tiếp Tổng Bí thư với tư cách nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sang thăm.

Cảm ơn ông.

ThS. Trần Việt Thái - Giám đốc Trung tâm Khu vực và Chính sách đối ngoại:

Về tổng thể, Tuyên bố chung về Tầm nhìn Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ giúp phát triển thực chất quan hệ hai nước không chỉ ở góc độ song phương mà cả đa phương và trên tất cả các lĩnh vực. Tôi thấy có 3 điểm đáng chú ý. Trước tiên, đây sẽ là cột mốc đánh dấu bước chuyển về chất trong quan hệ hai nước. Hợp tác kinh tế - thương mại sẽ phát triển nhảy vọt nếu hai bên kết thúc đàm phán và tham gia TPP. Thứ hai, nhân dịp này, Việt Nam đã trao giấy phép thành lập Đại học Fulbright đầu tiên tại Việt Nam. Hợp tác chuyên ngành không chỉ dừng lại ở lĩnh vực giáo dục-đào tạo, mà còn phát triển trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, môi trường, y tế… Điều này rất thuận lợi cho Việt Nam vì Mỹ là nước có nền khoa học-công nghệ tiên tiến với nhiều công nghệ nguồn. Thứ ba, hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước sẽ phát triển nhanh nếu Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam…

Ông Phan Doãn Nam - cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch: 

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa  quan trọng, giúp Việt Nam được cộng đồng quốc tế tôn trọng hơn. Tôi rất mừng khi thấy hợp tác quốc phòng, kinh tế, giáo dục… giữa hai nước đang rất tốt.

TS Jonathan London - ĐH Thành thị Hong Kong:

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc nhấn mạnh tinh thần hợp tác giữa lãnh đạo hai nước trong một số lĩnh vực chiến lược cốt yếu, từ thương mại đến an ninh khu vực. Quan hệ Việt-Mỹ sẽ phát triển cực kỳ mạnh. Tôi thấy Việt Nam ngày càng cởi mở và thực sự nỗ lực để đẩy mạnh các quyền của người dân, từ ngôn luận đến hội họp, báo chí

Thu Loan - Thái An (thực hiện)

MỚI - NÓNG