Viện phí đè bảo hiểm y tế

Viện phí đè bảo hiểm y tế
TP - Mức viện phí mới có thể khiến quỹ Bảo hiểm Y tế đứng trước nguy cơ đổ vỡ, và người lao động tự do có thu nhập dưới trung bình khó kham nổi.

> Sẽ tăng giá 350 dịch vụ y tế

Nếu dự thảo điều chỉnh viện phí mới được Bộ Y tế áp dụng, phải tính đến việc điều chỉnh mức đóng quỹ (BHYT) để tránh tình trạng quỹ BHYT vốn đã thâm hụt lại càng thâm hụt hơn, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) đề nghị.

Lo vỡ quỹ

Hiện tại, mức đóng phí BHYT của một người hiện là 4,5% mức lương cơ bản. Ngay cả khi viện phí không tăng, cho dù có nâng mức đóng BHYT lên 6% cũng không đảm bảo được quỹ BHYT không vỡ.

Vậy mà, theo đề xuất của Bộ Y tế, 350 dịch vụ y tế có mức sử dụng cao sẽ tăng giá, trong đó 220 dịch vụ tăng 2,5-10 lần. Như vậy, quỹ BHYT sẽ phải chi mức tương đối lớn, và điều đó càng khiến quỹ có nguy cơ đổ vỡ hơn.

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam-BHXH) cho biết, điều chỉnh khung giá của các dịch vụ y tế là cần thiết nhưng cần phải có sự thay đổi tổng thể về cơ cấu tài chính y tế; nếu không, cân đối thu chi của quỹ BHYT vốn đã khó sẽ càng khó hơn.

Theo ông Sơn, cần thay đổi theo hướng tính đúng tính đủ vì trong cơ chế như hiện nay đang tạo bất cập cho cả bệnh viện lẫn BHXH. Phía bệnh viện cho rằng, thu không đủ chi, còn phía BHXH lại thấy có những khoản chi phí không hiệu quả dẫn tới thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo tính toán của BHXH, nếu mức khung viện phí mới được thông qua, để đủ tiền chi trả, có thể mức phí BHYT sẽ phải tăng thêm 40%. Với khung giá hiện tại, quỹ BHYT đã thanh toán đến 70% chi phí cho khám chữa bệnh, và cân đối thu chi đang gặp nhiều khó khăn.

Vẫn theo BHXH, hiện nay trong cơ cấu chi phí của quỹ BHYT, thuốc chiếm 60%, tương đương 12.000 tỷ đồng. Còn lại là tiền công khám, giường, vật tư y tế, kỹ thuật khoảng 8.000 tỷ đồng. Nếu giá viện phí tăng 10%, mỗi năm quỹ BHYT phải chi thêm 800 tỷ đồng.

Chưa đầy 5% phòng khám, bệnh viện tư ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BHXH (Ảnh minh họa) Ảnh: T.H
Chưa đầy 5% phòng khám, bệnh viện tư ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BHXH (Ảnh minh họa) Ảnh: T.H.

Khó kham mức viện phí mới

Ông Sơn cho rằng cần sự minh bạch trong tính toán chi phí cấu thành viện phí cũng như tuyến điều trị cụ thể. Nếu muốn tính đúng, tính đủ phải khảo sát một ngày một bác sĩ khám bao nhiêu bệnh nhân, bác sĩ đó phải nuôi thêm bao nhiêu người trong gia đình theo đúng quy định của nhà nước để từ đó đưa ra mức chuẩn.

Trường hợp mức giá viện phí mới được thông qua thì quyền lợi của người đóng BHYT vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ phải đóng thêm tiền. Lý do là viện phí tăng sẽ kéo theo số phần trăm cùng chi trả trong kinh phí khám chữa bệnh BHYT tăng.

Cả nước hiện có 60% dân số mua BHYT nên nhóm người này được quỹ BHYT thanh toán một phần viện phí. Khoảng 40% dân số còn lại là các lao động tự do, thu nhập dưới mức trung bình, tự chi trả viện phí dự báo sẽ không kham nổi nổi mức viện phí mới.

Hiện mới có 375/8.000 phòng khám, bệnh viện tư ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BHXH. Ông Sơn cho hay, các bệnh viện tư đều áp chung một mức viện phí gần với mức quy định của Bộ Y tế. Vì thế, mức viện phí mới được thông qua cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới khu vực khám chữa bệnh tư nhân. Theo Thông tư 03 của Bộ Y tế, bệnh viện tư được quỹ BHYT thanh toán 70% chi phí khám chữa bệnh. Với lợi thế đó, nhiều bệnh viện còn thanh toán cho bệnh nhân 30% còn lại. Bệnh nhân có thẻ BHYT tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế tư vì thế tăng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG