Ngày 14/12/2021, Viện nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật thang máy chính thức thành lập, trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam, căn cứ theo Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động được cấp bởi Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hiệp hội Thang máy tổ chức Lễ thành lập Viện theo hình thức trực tuyến. Với sự tham gia của lãnh đạo cơ quan ban ngành, các đơn vị đào tạo: Cục An toàn lao động, Vụ Kỹ năng nghề – Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội,…
Viện nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật thang máy hoạt động với các chức năng chính: nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ; nghiên cứu phát triển quy chuẩn tiêu chuẩn và đào tạo lao động ngành thang máy Việt Nam.
Lễ thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật thang máy diễn ra ngày 14/12/2021 |
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ LĐTB&XH cho biết: “Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi ủng hộ và đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của việc thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật thang máy. Thời gian tới chắc chắn sẽ có sự phối hợp hiệu quả giữa Hiệp hội Thang máy, Cục An toàn lao động và chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để Viện nghiên cứu phát triển, đảm bảo an toàn cho người dân.”
Việc thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật thang máy sẽ giải quyết được các vấn đề đang bất cập trong thực trạng ngành công nghiệp thang máy Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, nghiên cứu ứng dụng công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây được coi là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành sản xuất thang máy trong nước. Công nghệ, công nghiệp hỗ trợ thang máy phát triển sẽ tạo ra đa dạng các loại linh phụ kiện cấu thành ngay từ trong nước, giảm kim ngạch nhập khẩu, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa hàm lượng chất xám trong sản phẩm.
Thứ hai, hiện nay chưa có bất kỳ một tổ chức nào đứng ra đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành thang máy. Các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo tiêu chí “mạnh ai nấy làm”, dẫn tới tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính đồng bộ và bổ trợ lẫn nhau. Do vậy, việc thống nhất một quy chuẩn đào tạo nghề, vừa mang tính chất đào tạo chuyên môn kỹ thuật, vừa định hướng nghề nghiệp, sát hạch chuẩn đầu ra là việc làm cấp thiết và có tính chiến lược lâu dài, không chỉ đối với ngành sản xuất thang máy mà còn quan trọng đối với cả ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thứ ba, nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật trong quy trình sản xuất thang máy nội địa, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Các quy chuẩn và tiêu chuẩn sản phẩm thang máy nội địa một khi tiệm cận với tiêu chuẩn tại những thị trường khắt khe như Mỹ, châu Âu thì sản phẩm Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt. Bên cạnh đó, yếu tố “xanh” về phát triển bền vững cũng cần quan tâm và dần trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc. Sản phẩm nội địa phải đảm bảo “thắng trên sân nhà” trước khi hướng đến mục tiêu vươn tầm cạnh tranh trên thế giới.
Thực trạng sản xuất linh kiện thang máy thủ công đặt ra bài toán về ứng dụng công nghệ kỹ thuật thang máy |
“Như nguyên lý đào giếng, để phát triển sâu cần có nền tảng đủ rộng. Sẽ không có cầu thủ xuất sắc trong một đội bóng thua cuộc. Dưới góc độ người làm nghề, tôi trăn trở để hoàn thiện hệ sinh thái, thúc đẩy ngành công nghiệp thang máy Việt Nam vươn tầm quốc tế. Và chúng tôi rất trân trọng sự hỗ trợ từ Bộ Nội vụ, Bộ LĐTB&XH để Hiệp hội Thang máy Việt Nam ra đời, từ Bộ Thông tin & Truyền thông để thành lập Tạp chí Thang máy vừa qua, đến bây giờ hình thành Viện nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật thang máy từ Bộ Khoa học và công nghệ .” – Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam bày tỏ.