Viện kiểm sát đề nghị phạt Lê Văn Luyện 18 năm tù

Viện kiểm sát đề nghị phạt Lê Văn Luyện 18 năm tù
TPO–Sáng nay (11-1), Đại diện Viện kiểm sát đề nghị phạt Lê Văn Luyện 18 năm tù (vì chưa đủ 18 tuổi khi gây án). Tại tòa, luật sự bảo vệ phía bị hại nghi ngờ có hai hung thủ. Ấn F5 để cập nhật.

> Ngày xét xử thứ nhất: Lê Văn Luyện cúi đầu nhận tội 

Lê Văn Luyện được áp tải đến tòa xét xử
Lê Văn Luyện được áp tải đến tòa xét xử.

Hôm nay, 11-1, ngày thứ hai phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện và các can phạm trong vụ án Giết người, cướp tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) tiếp tục diễn ra.

7h25, Lê Văn Luyện đựợc áp tải đến tòa án. Người nhà nạn nhân lao đến đòi đánh bị cáo nhưng bị các chiến sỹ công an ngăn cản. Ngay sau đó, Lê Văn Luyện được đưa vào một phòng nhỏ ngay phía sau phòng nghị án. Vài phút trước khi phiên tòa diễn ra, Luyện được dẫn vào phòng xét xử.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, sáng nay, an ninh bên ngoài tòa án được tăng cường. Khu vực 500m quanh tòa án đều được bố trí hàng rào dây thép gai ở các ngã ba, ngã tư. Thậm chí, nhiều đường còn không cho phép các phương tiện giao thông đi lại.

Khác với hôm qua, sáng nay, người nhà gia đình bị hại không còn căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối bị cáo Lê Văn Luyện. Khu vực phía trước tòa án vắng vẻ, không nhiều người dân tới xem tòa xử án.

8h, Tòa đang hỏi đại diện phía người nhà nạn nhân liên quan đến các yêu cầu bồi thường.

8h20, Tòa hỏi chị Nguyễn Thị Hoa - Chị gái của nạn nhân Ngọc. Chị Hoa nói lại việc cháu Bích kể có hai kẻ cướp tóc xanh, tóc đỏ vào nhà, và yêu cầu tòa bổ sung lời khai "có hai kẻ giết người" của cháu Trịnh Thị Bích vào cáo trạng.

8h30, Bác Nhi - bác của cháu Bích đang trả lời tòa án. “Tôi là người trực tiếp đưa cháu Bích đi cấp cứu. Khi ngồi trên xe, một chú công an có hỏi cháu nhìn thấy mấy người, cháu Bích bảo hai”.

8h32, Tòa cho gọi Lê Văn Luyện lên trước vành móng ngựa để xét hỏi. Lê Văn Luyện trả lời nhỏ.

Ngay sau đó, tòa gọi Lê Văn Miên lên trước vành móng ngựa. Tòa hỏi, khi cơ quan điều tra đến khám xét tại gia đình bị cáo, ngoài số vàng, còn thu được những tang vật nào nữa?

Lê Văn Miên trả lời: Điện thoại của vợ và con.

8h34, Tòa tiếp tục gọi Trương Văn Hợp lên trước vành móng ngựa. Tòa hỏi, xe máy Hồng chở Luyện hôm 24-8 là xe của ai?

Trương Văn Hợp nói: Xe của bị cáo, đăng ký của bị cáo.

8h35, Tòa hỏi Lê Văn Luyện về ngày tháng năm sinh, số vàng cướp được. Luyện khẳng định sinh ngày 18-10-1993.

Lê Văn Luyện trước vành móng ngựa trong phiên xét xử hôm nay (11-1). Ảnh: Tuấn Nguyễn
Lê Văn Luyện trước vành móng ngựa trong phiên xét xử hôm nay (11-1). Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Tòa tiếp tục xét hỏi bị cáo Trương Thanh Hồng. Tòa hỏi, khi chở Luyện đi, Hồng có nghi Luyện cướp tiệm vàng không?

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, trong buổi sáng hôm nay, mặt Lê Văn Luyện vẫn lầm lì, không biểu lộ cảm xúc. Luyện cũng không muốn trả lời nhiều, chỉ trả lời nhát gừng và nói rất nhỏ.

Trong phòng xử án chật kín người, phần đông là người nhà nạn nhân. Tuy trật tự hơn phiên tòa hôm qua, nhưng khi đến phần Luyện trả lời về các tình tiết vụ án, nhiều người thân của gia đình nạn nhân lại khóc lóc, kêu gào…

Trương Thanh Hồng trả lời: Có. Khi cầm hai sợi dây chuyền Luyện cho và nghe bố nói chuyện, thì Hồng càng nghi Luyện là hung thủ vụ cướp tiệm vàng.

Tòa hỏi tiếp, Khi bố kể chuyện đó, nhà bị cáo còn có ai nghe ở đó?

Trương Thanh Hồng: Có mẹ.

Tòa cho gọi bị cáo Dương Thị Lược – Mẹ của Trương Thanh Hồng lên hỏi. Tòa hỏi, bị cáo có nghi ngờ con mình đồng phạm với Luyện không? Lời khai của Hồng có chính xác không?

Dương Thị Lược: Lời khai của Hồng chính xác.

Tòa hỏi: Tại thời điểm đó, bị cáo có biết Luyện là người gây ra vụ thảm sát không?

Dương Thị Lược: Không.

Bị cáo Trương Thanh Hồng tại tòa hôm nay (11-1). Ảnh: Tuấn Nguyễn
Bị cáo Trương Thanh Hồng tại tòa hôm nay (11-1). Ảnh: Tuấn Nguyễn.

8h50, Tòa cho phép Luật sư Trần Anh Sơn - bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trương Thanh Hồng, Trương Văn Hợp và Dương Thị Lược - hỏi Lê Văn Luyện: Bị cáo mua ba lô, dao, phớ để làm gì?

Lê Văn Luyện: Mua cho đủ bộ.

Luật sư Trần Anh Sơn: Khi vào nhà anh Ngọc, bị cáo lấy vàng mấy lần?

Lê Văn Luyện: Hai lần. Lần đầu không lấy được nên mới tiếp tục lấy lần hai.

Luật sư Trần Anh Sơn: Ngoài ra còn lần nào không?

Lê Văn Luyện: Không.

Luật sư Trần Anh Sơn: Khi lấy có nhiều vàng không?

Lê Văn Luyện: Không.

Luật sư Trần Anh Sơn: Có mấy ngăn vàng? Bị cáo lấy mấy ngăn?

Lê Văn Luyện: Hai.

Bị cáo Dương Thị Lược. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Bị cáo Dương Thị Lược. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

8h57, Tòa đang hỏi Dương Thị Lược. Một số người trong gia đình bị hại lại gây rối, chửi bới.

Sau đó, Tòa tiếp tục hỏi Lê Văn Luyện: Ngoài bị cáo còn có ai tham gia vụ án này không?

Lê Văn Luyện: Không.

Tòa hỏi: Trước khi gây án bị cáo làm gì?

Lê Văn Luyện: Phụ hồ.

Tòa hỏi Lê Thanh Nghi. Tòa, đến giờ phút này, bị cáo có thấy hối hận vì đã giúp Luyện không?

Lê Thanh Nghi: Có.

Tòa hỏi: Bị cáo có nhận thấy mình có tội không?

Lê Thanh Nghi: Có.

9h5, Phía gia đình bị hại đứng lên xin được đưa di ảnh các nạn nhân trước mặt Lê Văn Luyện nhưng tòa bác bỏ. Trong phiên xét xử hôm qua, người nhà nạn nhân cũng xin phép Tòa đưa di ảnh người đã mất lên trước mặt Lê Văn Luyện nhưng cũng bị bác bỏ.

Sau đó, Luật sư Phạm Văn Huỳnh – Đại diện bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại hỏi bị cáo.

Luật sư Huỳnh: Động cơ bị cáo vào tiệm vàng để làm gì?

Lê Văn Luyện: Giết người cướp của.

Khi giết hết người tại sao bị cáo không lấy hết vàng?

Lê Văn Luyện trả lời nhỏ: Lúc đó trời sáng, sức khỏe đã yếu, không cậy được.

Luyện khai sát hại bé gái 18 tháng tuổi (con chủ tiệm vàng) vì bé khóc, sợ lộ.

Sau khi Tòa chất vấn Lê Văn Luyện, 9h30, hai luật sư bào chữa cho gia đình bị hại là Phạm Xuân Huỳnh và Trần Chí Thanh đang chất vấn bị cáo này.

Hai luật sư tập trung hỏi về hành vi cướp, lấy vàng, tẩu tán tang vật, bỏ trốn. Lê Văn Luyện trả lời nhỏ, nhát gừng. Phần lớn các câu trả lời đều rất ngắn, cộc lốc. Thỉnh thoảng mới thấy Luyện xưng “bị cáo”.

Khi Luật sư Thanh hỏi Luyện về ngày sinh, Luyện khẳng định sinh ngày 18- 10- 1993. Trước đó, trả lời viện kiểm sát, Luyện cũng khai mình sinh ngày này.

Luật sư hỏi bị cáo nghĩ giết người cướp tài sản hay cướp tài sản giết người? Lê Văn Luyện không trả lời. Khi được hỏi tại sao giết hai đứa trẻ, Lê Văn Luyện nói, do các cháu khóc, sợ bị lộ.

9h45, Tòa hỏi, phía bị hại có yêu cầu bồi thường thêm thiệt hại không, hay đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luât?

Đại diện gia đình bị hại đề nghị xử lý đúng pháp luật.

Tòa gọi tiếp Lê Văn Luyện lên hỏi về phần yêu cầu bồi thường. Bị cáo suy nghĩ như thế nào về số tiền mà phía bị hại yêu cầu bồi thường?

Lê Văn Luyện: Đồng ý bồi thường theo quy định của pháp luật.

9h50, Tòa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Các bị cáo ra trước hội đồng xét xử.

Đại diện Việt kiểm sát đọc bản luận tội. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đại diện Việt kiểm sát đọc bản luận tội. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội. Chủ toạ phiên tòa giải thích, đây là quan điểm của người đại diện Viện kiểm sát, để cho các bên tranh tụng. Mọi quyết định là do hội đồng xét xử.

10h05, Đại diện Viện kiểm sát vẫn đang đọc bản luận tội. Ba bị cáo Lê Văn Luyện, Lê Văn Miên (bố Luyện) và Trương Thanh Hồng (anh họ Luyện) đứng trước vành móng ngựa, mặt buồn rười rượi.

10h15, Viện kiểm sát đọc phần luận tội Lê Văn Luyện. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, mức hình phạt cao nhất đối với Lê Văn Luyện là 18 năm tù, vì chưa đủ 18 tuổi khi gây án.

Viện kiểm sát đề nghị hình phạt đối với Lê Văn Luyện là 18 năm tù về tội giết người, 18 năm tù về tội cướp tài sản, sáu đến chín năm tù về tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt là 18 năm tù, tính từ ngày 1-9-2011.

Lê Văn Luyện phải bồi thường chi phí mai táng, cấp cứu, điều trị thương tích tại bệnh viện cho phía gia đình bị hại. Do Luyện vẫn đang sống chung với bố mẹ nên chưa có tài sản riêng, vì vậy, bố mẹ của Luyện phải bồi thường.

Cụ thể, Viện Kiểm sát yêu cầu Lê Văn Luyện bồi thường thiệt hại, chi phí mai táng hơn 64 triệu đồng, phí điều trị tại bệnh viện cấp cứu cháu Bích tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) là 57 triệu đồng, ở bệnh viện khác và chi phí chăm sóc 19,5 triệu đồng, bồi thường tổn thất tâm lý cho cháu Bích...

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị các bị cáo Lê Văn Miên bị phát từ 42 - 48 tháng tù giam; Trương Thanh Hồng: 42 - 48 tháng tù; Lê Thị Định: 18 - 20 tháng tù giam.

Đề nghị phạt Lê Thanh Nghi: 15 -18 tháng tù, cho hưởng án treo; Trương Văn Hợp: 15 - 18 tháng tù; Dương Thị Lược: 9 - 12 tháng tù treo.

Nghe xong bản luận tội và đề nghị mức án của đại diện Viện kiểm sát, một số người nhà nạn nhân đeo khăn tang lên tiếng phản đối.

Luật sư bào chữa cho Lê Văn Luyện là Nguyễn Bá Ngọc phát biểu, chia sẻ với gia đình bị hại, và đồng tình với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về án phạt đối với cho Lê Văn Luyện.

Luật sư Nguyễn Bá Ngọc nói: Tôi xin bày tỏ tình cảm của mình, chia sẻ những mất mát đối với phía gia đình bị hại; hy vọng những đau thương dần qua đi, người mất không thể sống lại được, nhưng người sống phải tiếp tục sống, lao động và học tập. Dù dư luận hết sức bất bình về tội ác của Luyện, nhưng cơ quan chức năng cũng không thể làm trái quy định của pháp luật.

Hơn nữa, tôi thấy rằng, lời khai của Luyện phù hợp với toàn bộ tài liệu thu thập đuộc trong quá trình điều tra, cáo trạng giết người, cướp tài sản là có căn cứ, bản luận tội hoàn toàn xác đáng.

Hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, giết chết ba người, làm bị thương một người, cướp nhiều tài sản, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, tuy nhiên Luyện phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt cao nhất chỉ 18 năm tù.

Trước khi ban hành luật hình sự, năm 1985 đã có một vụ án tương tự nhưng đã bị xử án tử hình. Ngày nay, luật hình sự sửa đổi sau đó áp dụng và mức án cho những vụ án như thế này không quá 18 năm tù. Tôi cho rằng, pháp luật không phải không nghiêm mà công tác quản lý của các gia đình, nhà trường chưa được chặt chẽ. Đối với người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ tâm sinh lý, nếu vi phạm pháp luật thì trách nhiệm thuộc về gia đình, xã hội.

Tại phiên tòa hôm nay, Luyện cũng đã có sự ăn năn, hối hận. Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, tôi đề nghị Hội đồng Xét xử áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự xử phạt Luyện 18 năm tù về tội giết người, 18 năm tù về tội cướp tài sản, 6 – 9 năm về tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tổng hợp là 18 năm tù.

Sau khi luật sư Nguyễn Bá Ngọc phát biểu, nêu quan điểm của mình, người nhà bị hại phản ứng, thể hiện thái độ không đồng tình, và yều cầu xử tử hình Lê Văn Luyện. Những người này cho rằng, 18 năm tù là hình phạt quá nhẹ đối với tội ác mà Lê Văn Luyện đã gây ra.

Chủ tọa phải nhắc nhở, yêu cầu công an giữ trật tự, nếu người nào không chấp hành, đề nghị đưa ra ngoài để tòa làm việc.

10h55, Luật Sư Trần Anh Sơn - bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trương Thanh Hồng, Trương Văn Hợp và Dương Thị Lược, trình bày quan điểm về mức án của tòa dành cho Trương Thanh Hồng.

11h, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Lê Thanh Nghi, và Lê Thị Định phát biểu, đồng tình với hình phạt đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Lập tức, gia đình nạn nhân tiếp tục phản đối.

Tòa hỏi hai bị cáo Nghi và Định có đồng tình với mức án đề nghị trên không? Cả hai đều đồng ý.

Luật sư nghi ngờ có hai người gây án

11h20, hai luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân trình bày quan điểm trước tòa.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh – người bảo về quyền lợi gia đình nạn nhân cho rằng, hành vi của Lê Văn Luyện trong vụ án là giết bằng chết, giết bằng hết. Cháu Bích sống là nằm ngoài mong muốn của bị cáo. Bản thân bị cáo không còn tính người, không còn lương tri. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, sau đó đã bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn cho công tác điều tra. 

Ông Huỳnh cho rằng, Lê Văn Luyện đã chém đứt bàn tay, gây thương tích, làm tổn hại sức khỏe trên 74% cho cháu Bích, nên phải xem xét đến tình tiết tăng nặng.

Theo luật sư của phía bị hại, hình phạt đối với Lê Văn Luyện phải được bổ sung các tình tiết tăng nặng được quy định tại điều 48, Bộ luật hình sự: Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm, và cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.

Ngoài ra, luật sư Huỳnh cũng đề nghị truy tố thêm bị cáo Trương Thanh Hồng, bị cáo Lă Văn Miên (bố Lê Văn Luyện) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Luận sư Trần Chí Thanh cho rằng, trong bản cáo trạng và lời khai của bị cáo có nhiều mâu thuẫn. Chi tiết Luyện xuống tầng một thấy camera, rồi ngắt hệ thống điện cũng mâu thuẫn với lời khai của Luyện tại phiên tòa. Luyện khai rằng, khi phát hiện thấy hệ thống an ninh nhưng lại bật cầu dao điện lên để chuông reo? Tức là có ít nhất hai người trong thời điểm đó. 

Việc Luyện đột nhập, cạy cửa vào nhà quá chuyên nghiệp. Điều này rất phi lý vì Luyện là một thanh niên nông thôn quê mùa.

Sau khi vụ việc xảy ra, tin tức đã được lan truyền khắp cả nước, vậy việc Hồng ra đón Luyện có sự không minh bạch, giải thích không rành mạch.

Hơn nữa, sau khi gây án, Luyện tỏ ra không sợ sệt, bình thản, trong khi các tội phạm khác sau khi gây án lại tìm cách trốn chạy, tiêu hủy tang vật. Trái lại, Luyện lại bình tĩnh gọi Hồng đến đón, rồi đi đến trạm y tế xã khám, chữa vết thương.

Sau khi giết người, liệu Luyện có đủ tự tin quay lại hiện trường bước qua tầng ba, vào nhà rửa vết thương, lấy giấy cuốn vết thương rồi mới xuống cướp vàng. Điều này cho thấy, Luyện có sự chuẩn bị tâm lý và tinh thần quá bài bản. 

Liệu có thêm đồng phạm hướng dẫn Luyện hay không? Bản cáo trạng chưa làm rõ chi tiết này.

Những kẻ sau khi giết người, tâm sinh lý thường hoang mang, nhưng Luyện rất bình tĩnh, tự tin cho đến cả ngày hôm nay. Chúng tôi chờ đợi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang tiến hành tổ chức dựng lại hiện trường công khai, trong khi đó việc này được thực hiện rất bất ngờ, bí mật, luật sư chúng tôi không biết. Đáng lẽ phải có các bên liên quan chứng kiến, nhưng đây là một vấn đề thời sự nóng bỏng, luật sư và gia đình bị hại không được chứng kiến là một điều hết sức thiệt thòi.

Trong quá trình dựng lại hiện trường, nếu cơ quan điều tra để Luyện trực tiếp diễn lại sẽ khách quan hơn  người đóng thế và người làm thật chắc chắn sẽ có sự chênh lệch, ví dụ như việc trèo lên ban công, đột nhập vào nhà của hai người là hoàn toàn khác nhau.

Gần 2.000 bút lục trong vụ án này quá nhiều điểm mâu thuẫn. Một mình bị cáo Luyện ra tay giết hại dã man ba người, chặt tay cháu Bích chẳng nhẽ hàng xóm không có ai biết? Trong khi đó, Luyện khai là Bích hét rất to, còn cầm điện thoại không dây phát sáng vào thời điểm đó.

Ngoài ra, lời khai của cháu Bích tại cơ quan điều tra là có hai người đầu xanh, đầu đỏ, trong khi đó, chúng tôi không được tham dự khám nghiệm hiện trường nên chưa thể xác định được có một hay hai người gây án. 

Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, giết người man rợ, đều cắt cổ các nạn nhân, kẻ thủ ác còn không tha mạng cho một đứa trẻ, sau đó còn cướp tài sản của họ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là việc Luyện chuẩn bị tâm lý quá hoàn hảo. Như vậy, xét thấy còn nhiều điểm mâu thuẫn, xin tòa, nếu thấy cần thiết, có thể cho hoãn tuyên án để tiếp tục điều tra làm rõ.

12h05, phía gia đình bị hại bày tỏ quan điểm đề nghị tòa tiếp tục điều tra làm rõ các tình tiết mới, đồng thời dựng lại hiện trường, điều tra lại.

12h10, đại diện Viện kiểm sát bắt đầu đối đáp ý kiến của các luật sự và các bên liên quan.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, tất cả mọi người đều đã nghe lời khai của Lê Văn Luyện và những người liên quan, đồng thời cho rằng, Lê Văn Luyện khai một mình gây án là hoàn toàn có căn cứ. Viện kiểm sát cũng khẳng định, các tội danh mà Viện kiểm sát truy tố hoàn toàn đúng pháp luật.

Lập tức, người nhà nạn nhân đồng thanh lên tiếng phản đối. Chủ tọa phiên tòa phải lên tiếng nhắc nhở.

Trong lúc Viện kiểm sát trả lời các bên liên quan, vẻ mặt Lê Văn Luyện thể hiện sự mệt mỏi. 

12h20, các luật sư đang tranh luận về tội của Trương Thanh Hồng và Lê Thanh Nghi. Luật sư Trần Anh Sơn giải thích về trường hợp giúp người trốn đi nước ngoài thuộc tội che giấu tội phạm. Không khí diễn ra rất căng thẳng. Các luật sư đang tranh luận gay gắt. Phía bên ngoài tòa án, trời bắt đầu mưa nặng hạt.

12h35, Luật sư Phạm Văn Huỳnh cho rằng, để đảm bảo khách quan cho phía gia đình bị hại, cần điều tra xem xét lại, chưa tuyên án.

Ông nội cháu Bích tiếp tục đứng lên bày tỏ bức xúc, nói rằng, phải xử đúng người đúng tội. Theo ông, cần tìm lại cái túi xanh đã nêu ra từ đầu vụ án (túi đựng tiền, vàng của nhà cháu Bích). Thêm đó là tình tiết Luyện sử dụng cả ba hung khí để giết người… Đáp lại yêu cầu của luật sư và người nhà bị hại, đại diện Viện kiểm sát vẫn kiên quyết giữ vững quan điểm.

Ông nội của cháu Bích tiếp tục đứng dậy yêu cầu làm rõ chi tiết cháu Bích cho rằng nhìn thấy hai thanh niên đầu xanh, đầu đỏ. Tòa phải xem xét không để lọt lưới tội phạm nào. Đại diện Viện kiểm sát tiếp tục khẳng định những kết luận trên là hoàn toàn có căn cứ, cơ quan điều tra đã làm việc rất tỉ mỉ.

12h55, Tòa gọi Luyện lên trước vành móng ngựa để xét hỏi tiếp. Lê Văn Luyện nói lời xin lỗi gia đình nạn nhân và xin Hội đồng Xét xử giảm án cho người thân của Luyện.

13h, Tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang nghị án. Dự kiến, 15h30 hôm nay tòa tiếp tục làm việc.

> Diễn biến vụ án giết người cướp vàng dã man ở Bắc Giang

Theo Viết
MỚI - NÓNG