Viêm họng cấp và nguy cơ biến chứng ở trẻ

Viêm họng cấp và nguy cơ biến chứng ở trẻ
TP - Viêm họng cấp tính xảy ra bất cứ lúc nào nhưng khi trẻ ăn, uống quá lạnh thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

> Hiểu rõ về tình trạng đau họng
> Phòng bệnh cho trẻ lúc chuyển mùa

Căn nguyên gây viêm họng cấp tính có thể do vi khuẩn, virus, vi nấm hoặc tác động của môi trường. Điều kiện để các loại vi sinh vật gây bệnh hoạt động có nhiều loại nhưng bị lạnh đột ngột là yếu tố rất thuận lợi cho chúng phát triển.

Lạnh đột ngột có thể do thời tiết thay đổi, nhưng vào mùa nắng nóng trẻ hay dùng các loại nước giải khát, nước có đá hoặc kem lạnh thì rất dễ xảy ra viêm họng cấp.

Viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, sốt cao 39 - 40oC, ho, sốt, nghẹt mũi (một hoặc 2 bên mũi), đau rát họng, quấy khóc nhiều, bỏ ăn, bú ít. Với trẻ nhỏ khi viêm họng cấp mà bị sốt cao rất có thể bị co giật.

Các trẻ lớn đã biết nói có thể sẽ kêu bị đau đầu, đau họng (nuốt đau), nghẹt mũi, ù tai, rát họng. Một số trẻ đau nhức trong tai, kèm theo đó là chảy nước mũi nhầy, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan, trẻ mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn; Hạch góc hàm sưng, đau.

Viêm họng cấp nếu không được điều trị thì rất dễ gây biến chứng như viêm amiđan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản - phổi, viêm hạch mủ, VA quá phát (trẻ nhỏ) và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết.

Nhiễm khuẩn huyết là một biến chứng rất nặng và hết sức nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, đặc biệt là do vi khuẩn tụ cầu vàng (S. aureus) hoặc vi khuẩn trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa).

Để mùa nắng nóng trẻ không mắc viêm họng cấp thì ngoài việc không cho trẻ dùng các loại đồ uống quá lạnh, nước có đá, trái cây lạnh hoặc kem thì cần vệ sinh họng, răng, miệng hằng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng.

Khi trẻ đang bị viêm họng cấp thì phòng ngủ dành cho trẻ cần thoáng mát, nếu có điều hòa nhiệt độ cần giữ ở mức nhiệt độ thích hợp với trẻ (nhiệt độ lý tưởng cho trẻ là trên 26oC). Nếu sử dụng quạt thì không nên cho hướng của quạt chiếu thẳng vào trẻ mà nên cho quạt quay và cũng nên để tốc độ ở mức vừa phải.

Khi trẻ bị viêm họng cấp, sốt cao nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Nếu trẻ sốt trên 38oC, nên dùng thuốc hạ sốt loại đơn chất paracetamol với liều lượng: trẻ dưới 3 tháng/tuổi là 40mg; trẻ từ trên 3 tháng – 11 tháng/tuổi là 80 mg; trẻ từ 12 tháng – 24 tháng/tuổi là 120mg; trẻ trên 24 tháng/tuổi thì dùng 10mg/kg cân nặng và cứ 6 giờ mới dùng lại, nếu trẻ vẫn sốt cao trên 38oC (có thể uống hoặc đặt hậu môn).

Khi trẻ sốt mà chưa cần dùng đến thuốc hạ nhiệt thì nên lau bằng nước ấm (nước có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt của trẻ khoảng 2oC) vào vùng trán, nách, bẹn cho trẻ (không dùng nước đá hoặc nước lạnh).

PGS.TS Bùi Khắc Hậu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG