Bác sĩ Trần Hùng (BV Bạch Mai) giải thích: Hệ thống tiết niệu bao gồm hai quả thận, niệu quản hai bên nối từ thận xuống tới bàng quang, bàng quang và niệu đạo. Khi tiểu buốt, tiểu rắt chủ yếu là người bệnh bị viêm nhiễm đường tiết niệu thấp.
Viêm đường tiết niệu ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của bệnh nhân. |
Vi khuẩn E.coli là thủ phạm chính gây nên bệnh. E.coli có thể thâm nhập trực tiếp vào đường tiết niệu, hoặc qua sinh hoạt tình dục, qua các dụng cụ (như đặt xông dẫn lưu, phẫu thuật nội soi...).
Loại vi khuẩn này thường trú ở đường ruột, chúng cũng xuất hiện nhiều ở trên da gần hậu môn và có khả năng thâm nhập vào đường tiết niệu nếu bạn không biết vệ sinh đúng cách. Vị trí đường tiểu và hậu môn của nữ gần hơn nam nên nguy cơ bị viêm nhiễm đường tiết niệu của nữ cũng sẽ cao hơn nam.
Biểu hiện đầu tiên của chứng viêm đường tiết niệu là người bệnh sẽ thấy khó chịu khi đi tiểu như tiểu gắt buốt, tiểu lắt nhắt, cảm giác còn nước tiểu trong bàng quang dù mới đi tiểu. Nước tiểu có màu đục, mùi hôi nồng, có lẫn máu hoặc mủ.
Vi khuẩn E.coli là thủ phạm chính gây nên bệnh viêm đường tiết niệu. |
Nặng hơn, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau bụng dưới và vùng thắt lưng: Khi quan hệ tình dục, cơn đau sẽ càng dồn dập do viêm nhiễm lan đến niệu quản và thận. Nếu không điều trị ngay, bệnh nhân còn bị sốt cao, buồn nôn, ớn lạnh.
Viêm tiết niệu đơn giản, xảy ra ở phụ nữ trẻ và không có bất thường về đường tiết niệu thì đa phần không gây biến chứng. Ngược lại nhiễm trùng tiết niệu phức tạp ở những người bệnh có sẵn các yếu tố thuận lợi trước đó có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.
Nguy cơ và biến chứng của nhiễm trùng niệu có thể kể đến như là độc lực vi khuẩn gây phá hủy chủ mô thận, hoại tử nhú thận, gây tắc nghẽn hay suy giảm chức năng của thận. Tình trạng này nếu để lâu dài có thể dẫn tới suy thận vĩnh viễn hoặc phải cắt bỏ thận.
Bệnh không được chữa kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. |
Một số trường hợp nhiễm trùng không có biểu hiện gì mà chỉ vô tình phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu. Đối tượng phổ biến của bệnh thường là phụ nữ trong tuổi hoạt động tình dục, thai phụ, người bị đái tháo đường…
Nhiễm trùng hệ tiết niệu ở nam giới có thể gây áp xe tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, làm bít tắc ống dẫn tinh, tăng nguy cơ vô sinh.
Nếu sự hiện diện dai dẳng của vi khuẩn tại hệ niệu không được điều trị kịp thời và đủ liều kháng sinh, vi khuẩn sẽ dễ dàng di chuyển vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, tử vong.
Để điều trị viêm đường tiết niệu, các bác sĩ thường kê kháng sinh tác dụng lên vi khuẩn gram âm như trimethoprim hoặc ofloxaxin uống liên tục trong 5-7 ngày. Nếu đái buốt nhiều thì có thể uống thêm các thuốc làm giãn cơ trơn như nospa.
Trường hợp bị viêm nhiễm đường tiết niệu, nên được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Vì bệnh lý này không thể tự khỏi nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Tâm lý chủ quan của bệnh nhân sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, khiến máu bị nhiễm trùng, thậm chí là tử vong.
Viêm đường tiết niệu không thể tự khỏi nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. |
Ngoài ra, nếu bà bầu bị viêm đường tiết niệu, trẻ sinh ra thường bị nhẹ cân, ốm yếu hoặc mắc nhiều dị tật bẩm sinh. Với người trưởng thành, bệnh này là thủ phạm gây vô sinh, sinh non, sẩy thai. Do đó, nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường ở đường tiết niệu, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và điều trị dứt điểm.
Để phòng bệnh viêm đường tiết niệu bạn nên uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày), có thể là nước lọc, nước râu ngô, bông má đề. Các loại nước này vừa lợi tiểu vừa có thể tránh được tình trạng lượng nước tiểu quá ít hoặc quá đặc. Bên cạnh đó nó còn giúp đưa các loại vi khuẩn có hại ra ngoài. Không nên nhịn tiểu quá lâu bởi vì nước tiểu ứ đọng lâu là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển.
Nước râu ngô, bông má đề có tác dụng phòng viêm đường tiết niệu. |
Bổ sung nhóm thực phẩm có nhiều lợi khuẩn: Phô mai, sữa chua…
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi: Ưu tiên trái cây chứa lượng vitamin C dồi dào như cam, bưởi, chanh… giúp cơ thể ức chế vi khuẩn gây viêm, nhiễm trùng.
Hạn chế mặc quần bó sát: Ưu tiên mặc các kiểu quần rộng, thoải mái và sử dụng những loại đồ lót may từ chất liệu hút ẩm tự nhiên.
Tránh tắm bồn: Thay thế bằng tắm vòi hoa sen.
Trong quan hệ tình dục nên đi tiểu ngay sau mỗi lần giao hợp để loại bỏ các vi khuẩn ở niệu đạo, vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục theo thứ tự vệ sinh vùng âm đạo trước rồi mới đến hậu môn, tuyệt đối không làm ngược lại. Khăn và chậu rửa nên dùng riêng nếu không vi khuẩn sẽ rất dễ xâm nhập. Ngoài ra, đến chu kỳ bạn nên chú ý chọn các loại băng vệ sinh uy tín, có độ vô trùng cao. Khăn làm vệ sinh không nên để quá lâu để tránh vi trùng sinh sôi nảy nở sẽ gây viêm nhiễm âm đạo cả trong và ngoài.
Nếu thấy ngứa vùng âm đạo, hoặc khí hư ra nhiều thì nên kịp thời đi khám bác sỹ. Không tự ý dùng kháng sinh để điều trị khi bệnh tái phát.