Việc Lâm tặc trúng cây sưa trăm tỷ: Theo dấu tin đồn

Việc Lâm tặc trúng cây sưa trăm tỷ: Theo dấu tin đồn
TP - Như Tiền Phong đã đưa tin, cả tuần nay ở Quảng Bình rộ tin đồn, một nhóm lâm tặc ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch tìm thấy cây huê (sưa, hoàng đàn) cổ thụ giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng và bán với giá 100 tỷ đồng ngay tại rừng. Để giải mã tin đồn này, PV Tiền Phong thâm nhập giới lâm tặc.

“Ba cây chứ không phải một”

“Thật một trăm phần trăm chứ tin đồn gì nữa, ba cây chứ không phải một cây đâu” - một đại gia chuyên buôn gỗ (hợp pháp có, phi pháp có) ở TP Đồng Hới khẳng định như đinh đóng cột với PV khi được hỏi về tin đồn cây huê trăm tỷ. Vị này nói, mình là người đầu tiên biết về vụ trúng huê nhờ những vệ tinh ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng.

Do không đủ tiền đặt cọc, những vệ tinh đã thông báo và để ông đứng ra làm chủ vụ mua bán này. Tuy nhiên, do số tiền đặt cọc mà nhóm lâm tặc đưa ra quá lớn (38 tỷ đồng), nên ông không có sẵn tiền để chồng. Trong lúc ông đang gom tiền, hai đại gia khác, một người tên H.M ở Bố Trạch và một người tên H.T ở Đồng Hới hợp lại và nhanh chóng chồng tiền,
hớt tay trên.

Cũng theo vị này, nhóm lâm tặc trúng huê có 11 người, đều ở thôn Bầu Sen, do người tên H. cầm đầu. H. đã ra làm nhà to ở Troóc (trung tâm của xã Phúc Trạch) sau một vụ trúng 18 tỷ đồng từ tiền bán huê. Nhóm này đã xẻ 3 cây huê thành 110 phác gỗ mặt, ra giá 100 tỷ đồng và quy định: Đầu nậu nào chung đủ 38 tỷ tiền cọc sẽ được ưu tiên mua; chồng đủ 60 tỷ sẽ dẫn đi xem hàng trong rừng. Khi xem hàng xong, nếu thống nhất được thì chồng đủ số tiền còn lại, mua bán đứt đoạn ngay trong rừng.

Để chứng thực lời nói của vị đại gia này, trong vai dân lái gỗ, PV Tiền Phong đã ngược đường Hồ Chí Minh tìm về thôn Bầu Sen, nơi được cho là nhóm lâm tặc trúng ba cây huê. Khi đi ngang qua Troóc, chúng tôi chứng kiến hàng chục ô tô con đậu kín khoảng sân của một quán cà phê nằm ngay trước cửa trụ sở UBND xã. Người dân địa phương nói rằng, đó là xe của các đầu nậu tứ xứ đổ về theo vụ trúng huê.

Thôn Bầu Sen nằm ngay trục đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, cách trạm Kiểm lâm Trộ Mơợng của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chừng 3km. Đường làng ngõ xóm ở đây vắng hẳn bóng đàn ông. Những người phụ nữ mà chúng tôi gặp đều tìm cách lảng tránh khi được hỏi về câu chuyện người làng trúng huê.

Đi sâu vào trong làng, duy nhất một cụ ông chừng 70 tuổi tỏ ra chia sẻ với chúng tôi: “Có mô nữa chú, họ mua bán xong rồi”. Theo cụ ông này, sở dĩ làng vắng đàn ông là do hầu hết đã cơm đùm gạo bới vào rừng để gùi thuê số gỗ nói trên cho đầu nậu hoặc hi vọng mót được vài que, cọng còn sót lại. Ông cụ rỉ tai: “Bữa ni họ (đầu nậu) làm ăn gớm thiệt. Tui có thằng cháu bà con trong nhóm trúng huê bị họ bắt vô Đồng Hới nuôi làm con tin. Sau khi họ coi hàng, chồng tiền xong xuôi mới cho về hôm qua đó. Sáng ni hắn mới vô lại rừng đó”.

Cựu “vua huê” giải mã

Đang không còn hi vọng có thêm thông tin về vụ trúng huê ở ngay tại thôn Bầu Sen, chúng tôi bất ngờ gặp được người quen - người từng được giới lâm tặc mệnh danh là vua huê. Anh là một sơn tràng có tiếng trong vùng về sức khỏe, kinh nghiệm đi rừng. Nhưng chỉ đến khi anh tìm thấy và đốn hạ cây huê to nhất rừng Phong Nha - Kẻ Bàng cách đây gần 20 năm, anh mới có tục danh
vua hue.

Gặp nhau tay bắt mặt mừng, anh giải thích việc còn ở lại làng là do vừa bắt xe đò từ miền Nam về trong đêm khi nghe tin người làng trúng huê. Năm nay 50 tuổi, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm lâm tặc, anh tin rừng Phong Nha - Kẻ Bàng đã hết huê nên đầu năm nay lên đường vào miền Nam kiếm kế sinh nhai nuôi vợ con.

Anh đã không tin khi vợ điện vào bảo bỏ việc mà về vì người làng trúng huê. Mãi đến khi các đầu nậu chồng tiền, hoàn tất việc mua bán, anh mới tức tốc chạy về. Anh hi vọng, với uy tín trong nghề của mình, khi có mặt anh, chắc chắn những người trúng huê cũng sẽ cho anh một ít cành ngọn về bán, đủ để nuôi vợ con cả năm.

Người dân thôn Bầu Sen từng tập trung hàng trăm người vây kiểm lâm để giải thoát lâm tặc
Người dân thôn Bầu Sen từng tập trung hàng trăm người vây kiểm lâm để giải thoát lâm tặc.

Theo anh, trước đây vùng rừng Phong Nha - Kẻ Bàng là vương quốc của những cây huê cổ thụ, chúng đứng sừng sững, san sát nhau không biết bao nhiêu mà kể. Cây huê mà ngày đó anh đốn hạ để có tục danh vua huê to khoảng 10 người ôm. Từ khi cây huê có giá, không chỉ dân trong vùng mà dân cả tỉnh tập trung về Phong Nha - Kẻ Bàng khai thác tận diệt. Hơn 10 năm qua, những sơn tràng như anh chỉ biết thu gom cành, ngọn, gốc, rễ, rồi đến vỏ... Ngày nay, may mắn lắm thì sau mỗi chuyến đi rừng cả tháng trời cũng chỉ gom được mươi lăm cân vai vỏ còn sót lại.

Về vụ trúng huê, anh khẳng định là có thật, tuy nhiên, nói ở hung (thung lũng) Trí thì chưa chắc đã đúng. Rất có thể đây chỉ là thông tin tung hỏa mù của nhóm trúng huê để đánh lừa dân làng và cơ quan chức năng. “Cả trăm tỷ bạc nên không thể chuyện đùa, mất đầu như chơi. Nhưng địa điểm thì phải xem lại, đôi khi họ nói ở vị trí đó để đánh lạc hướng kẻo sợ dân làng vào đông, kẻ xin, người hôi hết của họ”, anh nói. Theo anh, ở hung Trí không còn một khoảnh đất hay vỉa đá nào mà anh chưa từng qua. Ngày xưa ở hung Trí, huê cổ thụ rất nhiều, những lâm tặc như anh đã quần nát ở đây, nên việc còn sót lại 3 cây huê là không thể.

Hung Trí cách làng anh khoảng một ngày rưỡi đường rừng. Theo mô tả của những người trúng huê, anh nhận định địa điểm 3 cây huê nằm ở ngoài động Nước Rỉ. Sở dĩ có tên như vậy bởi ở khu vực này có một cây lim to mấy người ôm, bị sâu đục mất thân lộ ra một cái lỗ to như hàm con sư tử.

Ở vùng này không có khe suối, chỉ có một hang động, nước rỉ từ trên thạch nhũ xuống một cái hố, nước xanh như mắt mèo, bỏ một cái kim xuống đáy chừng 2m vẫn nhìn thấy. Dân đi rừng thường đóng lán trại ở đây để có nước sinh hoạt. Mặc dù không tin vị trí này có 3 cây huê, nhưng anh nói cũng lên đường vào xem thử, bởi anh đi rừng thường nhanh gấp 3 lần người
bình thường.

Anh không cho rằng các đầu nậu đã liều mạng khi bỏ cả trăm tỷ đồng để mua hàng ngay trong rừng, họ sẽ đưa ra được để bán kiếm lời. Theo anh, có 4 phương án đưa hàng ra mà các đầu nậu thường sử dụng. Cách đơn giản và an toàn nhất là làm luật với các cơ quan chức năng. Khi thông đường rồi thì cứ thế thuê người gùi hàng ra và vận chuyển đi bán.

Cách thứ hai, nếu không thể chọc thủng các cơ quan chức năng thì họ sẽ chôn hàng, đợi đến thời điểm thích hợp tiếp tục làm luật để đưa hàng ra.

Cách thứ ba là gùi hàng ngược qua Lào, hợp thức hóa giấy tờ rồi vận chuyển về Việt Nam. Và cuối cùng, nếu bí quá là thuê dân làng vào rừng thật đông, đi theo bảo vệ những người gùi hàng. Khi gặp cơ quan chức năng, không chống đối theo kiểu xung đột mà cứ mươi người xông vào ôm một cán bộ, thế là hàng về an toàn.

Thu giữ gỗ huê khai thác trái phép ở Phong Nha - Kẻ Bàng năm 2009
Thu giữ gỗ huê khai thác trái phép ở Phong Nha - Kẻ Bàng năm 2009 .

Trong 4 phương án nói trên, anh vẫn tin phương án đầu tiên sẽ được thực hiện thành công. Vì lâu nay, những lâm tặc như anh vẫn vào ra cửa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng trót lọt bằng phương án đó. Đợt này anh nghe nói, các đầu nậu sẽ bỏ 20 tỷ đồng để bôi trơn cho vụ này.

“Mới cách đây một tháng, một đầu nậu đã đưa trót lọt một cây huê 30 tỷ đồng, mua ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, đi nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, vượt qua Vườn quốc gia về bán lời 15 tỷ. Nghe đâu họ chỉ làm luật hết 5 tỷ mà có cả xe biển xanh đi kèm”, anh nói.

Cơ quan chức năng nói gì?

Rời thôn Bầu Sen, chúng tôi về phía trạm kiểm lâm Trộ Mơợng. Tại đây, khác với trước đó, chiếc cần barie kiểm soát xe cộ qua lại được hạ gần sát mặt đất. Một kiểm lâm viên trực ở bốt canh kiểm tra rất kỹ trước khi cho xe chúng tôi lọt qua. Phía trong sân của trạm có 2 xe ô tô chuyên dụng của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vừa tăng cường. Một kiểm lâm viên ở đây cho biết, lãnh đạo trạm đã cùng với lãnh đạo vườn đi kiểm tra và chỉ đạo lực lượng trong rừng. Kiểm lâm viên này cho biết, kể từ khi có tin đồn, vườn đã chỉ đạo trạm sát sao và yêu cầu tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, mấy ngày nay người dân họ không đi đường qua trạm mà cắt đường để vào rừng nên rất khó kiểm soát, gây khó khăn cho việc đẩy đuổi.

Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết: Vườn đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và cũng đã lên phương án ứng phó nếu tin đồn là có thật. Vườn cũng đã nhận được sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Lãnh đạo các xã trong vùng cho biết, đang tìm cách ngăn chặn người dân vào rừng, tránh gây áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng. Điều mà lãnh đạo các xã hiện lo lắng nhất là nhiều hộ dân đã vay ngân hàng, thậm chí vay nóng với lãi suất cao hàng tỷ đồng để góp xâu cho đầu nậu. Theo một nguồn tin riêng của PV Tiền Phong, gần như các điểm cho vay nặng lãi ở trong vùng đã cạn sạch tiền. Nhiều người dân phải tìm về thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch), Hoàn Lão (Bố Trạch) và TP Đồng Hới để vay nóng. Hiện nay, hai đầu nậu nói trên đã thu đủ số tiền họ bỏ ra trước đó từ sự đóng góp các xâu.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết: Ông là người trực tiếp chủ trì cuộc họp khẩn chiều 22-4 để bàn phương án và giao nhiệm vụ cho từng ngành liên quan tin đồn. Cụ thể phương án ra sao thì ông Hoài nói không tiết lộ được, nhưng khẳng định tỉnh sẽ kiên quyết xử lí rốt ráo vụ việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.