Việc cần làm ngay là loại bỏ công chức nhũng nhiễu...

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng).
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng).
TPO - Đại biểu Trần Khắc Tâm đề nghị, việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy.

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2015 – 2016 tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đề nghị, việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy.

Chưa có con người hội nhập

Đề cập đến Hiệp định TPP, ĐB Trần Khắc Tâm cho rằng, muốn hội nhập thành công thì cần phải có thể chế hội nhập và con người hội nhập. Về mặt thể chế, Quốc hội và Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt, tất nhiên các cam kết TPP buộc chúng ta phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật hơn nữa.

“Với việc ban hành Hiến pháp 2013, và sau kỳ họp này với việc xem xét thông qua 18 luật và bộ luật, có thể nói chúng ta đã đặt một nền tảng quan trọng. Có thể khẳng định những đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư của Việt Nam là tiến bộ, đã tiệm cận được với chuẩn mực chung của thế giới”, ông Tâm nói.

Tuy nhiên ông Tâm phản ánh một thực trạng đáng buồn là: Chúng ta chưa có con người hội nhập. Quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, những thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, sự thờ ơ và vô cảm.

“Một cái lắc đầu của ông chủ tịch tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc, thậm chí sự chậm trễ vòi vĩnh của một anh công chức hành chính quèn thôi cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, người dân. Chúng ta không thể hội nhập thành công nếu như 63 tỉnh, thành trở thành 63 khu vực cát cứ, không có sự liên kết, phân công. Các đại biểu Quốc hội đã từng đề cập đến tình trạng “chỉ thị mồm” rằng phải sử dụng thép tỉnh nhà, xi măng tỉnh nhà, thì mới đây thậm chí người ta còn ký cả văn bản hành chính yêu cầu phải uống bia tỉnh nhà”, ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, hiện nay là trong khi các nhà lãnh đạo cứ bày tỏ quyết tâm, các đoàn đàm phán cứ hăng say trên bàn đàm phán, còn cộng đồng doanh nghiệp thì đứng ngoài, người dân thì thờ ơ và bộ máy công chức (đặc biệt ở các cấp cơ sở) thì vô cảm. Thật xót xa, nếu như những nỗ lực của các nhà lãnh đạo trong các cuộc gặp gỡ, đàm phán, các chuyến thăm nước ngoài phải tranh thủ giành lấy từng chút cơ hội, thuận lợi cho nước mình; nếu như lợi thế giành được của việc căng co từng câu từng chữ của các đoàn đàm phán, bị bỏ phí, không được chuyển hóa thành những hợp đồng, những đơn hàng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và việc làm mới cho người lao động.

Loại bỏ ngay những cán bộ nhũng nhiễu

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP. HCM) cũng phản ánh là ngày nay các bậc phụ huynh đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ được đi học bài bản ở nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác.  “Trong thời gian qua có 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học, cuối cùng 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc. Đây là ví dụ rõ nét cho thấy tình trạng bức xúc trong sử dụng nhân tài”, ông Hòa dẫn chứng.

Ông Hòa kiến nghị thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, hết sức chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực nhà nước đầu tư đào tạo. Làm thế nào có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ ở những ngành, những lĩnh vực nhạy cảm có nguy cơ tham nhũng cao.

“Cử tri và nhân dân đang rất lo lắng cho một đội ngũ lãnh đạo mới từ cấp cơ sở cho đến trung ương mà báo cáo kiến nghị của ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã phản ánh ngay tại đầu kỳ họp… Dẫu rằng vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau về lựa chọn đội ngũ lãnh đạo, cả những băn khoăn của dư luận gần đây về sắp xếp, bố trí cán bộ nhưng tôi cho rằng, cán bộ trước hết phải là người có trách nhiệm phục vụ nhân dân, đất nước, dân tộc”, ông Tuấn kiến nghị.

Đại biểu Tâm cũng đề nghị việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.