Video số gây ấn tượng tại Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ 14

TPO - Dù đây là lần đầu tiên có hạng mục video số dự thi Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ 14, nhưng ban giám khảo (BGK) đánh giá số lượng và chất lượng sản phẩm này rất ấn tượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Chất lượng tác phẩm dự thi đồng đều

Ngày 22/10, ban tổ chức Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ 14 đã tổ chức buổi họp trao đổi, rút kinh nghiệm của BGK qua quá trình chấm các tác phẩm liên hoan, đồng thời giải đáp các thắc mắc của công an các đơn vị, địa phương về công tác nghiệp vụ. Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong - Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Trưởng ban tổ chức liên hoan chủ trì buổi họp.

Đánh giá về các tác phẩm tham gia liên hoan, đa số các BGK đều khẳng định, liên hoan năm nay có số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhất trong tất cả các kỳ liên hoan (766 tác phẩm dự thi - PV) và chất lượng khá đồng đều. Trong đó, có nhiều tác phẩm dài hơi, được các đơn vị đầu tư rất chỉn chu, công phu, thể hiện tâm huyết và tay nghề của tác giả.

Video số gây ấn tượng tại Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ 14 ảnh 1

Ban tổ chức Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND tổ chức buổi họp rút kinh nghiệm.

Ông Bùi Hồng Phúc - Phó Trưởng ban Thời sự - Đài truyền hình Việt Nam, Trưởng BGK hạng mục tác phẩm báo chí, cho biết: Có ba nét mới đáng chú ý trong việc lựa chọn đề tài ở các tác phẩm dự thi kỳ trong liên hoan kỳ này. Thứ nhất là viết về lực lượng an ninh cơ sở, thứ hai là chuyển đổi số trong CAND, phục vụ CAND. Một nét mới nữa chính là mảng đề tài về là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

“Những đề tài này đều rất khó thể hiện bằng hình ảnh. Tuy nhiên, qua các tác phẩm dự thi có thể thấy sự nỗ lực rất lớn của các tác giả để làm sao những sản phẩm mang đến liên hoan vừa đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền, cũng như đạt được chất lượng để tham gia vào liên hoan”, ông Phúc cho hay.

Video số gây ấn tượng tại Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ 14 ảnh 2

Ông Bùi Hồng Phúc - Phó Trưởng ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam, Trưởng BGK hạng mục tác phẩm báo chí, góp ý tại buổi họp rút kinh nghiệm.

Trong khi đó, nhà báo Hà Quang Minh - Thành viên BGK hạng mục phát thanh, người dẫn chương trình truyền hình, cho biết: Ở kỳ liên hoan này, điểm sáng nhất có thể thấy được là các đoàn đã mang đến những nhà báo toàn năng. Họ vừa săn tìm thông tin, xây dựng nội dung, tổ chức sản xuất nội dung và dẫn chương trình.

“Đề tài của các bạn chọn thì rất đa dạng, rất rộng, nhưng đáng chú ý lại là cách thể hiện rất hiện đại. Các bạn đã biết cách sử dụng AI, livetream trên mạng xã hội trong cách thể hiện câu chuyện của mình. Các thí sinh đã vượt ra ngoài “cái hình vuông”, tức là không chỉ làm truyền hình truyền thống như chúng ta nghĩ mà họ đã tạo nên những bản tin chuyển động. Các bản tin này có thể sử dụng phát sóng trên truyền hình và cũng có thể phát lại trên youtube, tiktok và các nền tảng mạng xã hội khác”, ông Minh nói.

Video có sức lan toả mạnh mẽ

Theo các thành viên BGK, gần 60 video số dự thi ở kỳ liên hoan này là số lượng không nhỏ đối với hạng mục lần đầu tiên được tổ chức thi. Có nhiều tác phẩm chất lượng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, cho thấy nhận thức về sản xuất nội dung video số trong lực lượng CAND đã ở mức độ khá tốt.

Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm nội dung số - Đài truyền hình Việt Nam, Trưởng BGK hạng mục video trên nền tảng số, cho biết: Ấn tượng nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa lại có tác phẩm video số tốt nhất, không thua gì các sản phẩm báo chí chuyên nghiệp. Các sản phẩm có sự đầu tư về mặt nội dung, các đồng chí có nhiều ngày, nhiều thời gian đeo bám đề tài nên thông tin rất là hấp dẫn. Có thể thấy với nền tảng số, bất kể bạn ở đâu, ở vùng sâu vùng xa nhưng có kỹ năng số, có thể sử dụng điện thoại di động trong tác nghiệp thì khoảng cách về chuyên môn đã không còn nữa.

Video số gây ấn tượng tại Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ 14 ảnh 3
Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm nội dung số - Đài truyền hình Việt Nam, đánh giá cao chất lượng các tác phẩm video số.

Theo nhà báo Nguyễn Thu Hà, đề tài nổi bật nhất là hình ảnh và hoạt động của các chiến sĩ CAND có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống, luôn luôn ở bên cạnh người dân, hỗ trợ người dân trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Những hình ảnh đó rất thuyết phục và đem lại ấn tượng rất tích cực về hình ảnh chiến sĩ CAND.

“Tôi rất ấn tượng với các phóng sự về hoạt động của chiến sĩ trong việc hỗ trợ người dân trong vùng bão lũ. Hình ảnh mà chỉ có các đồng chí trong lực lượng công an có bởi chính các đồng chí đang trực tiếp tham gia vào các hoạt động ấy. Đó chính là những khoảnh khắc chân thật, xúc động nhất. Những đề tài như thế thật sự rất cuốn hút, rất hấp dẫn. Tôi mong các sản phẩm như thế được lan tỏa rộng rãi trên các nền tảng số của các cơ quan báo chí trên cả nước chứ không chỉ trong lực lượng CAND để mọi người có thể hiểu hơn những nỗ lực, những đóng góp của lực lượng CAND cũng như cái sự hi sinh của các đồng chí để có được xã hội an toàn phồn vinh”, bà Hà chia sẻ.

Cần tận dụng tiếng động hiện trường

Tại buổi họp, các thành viên BGK cũng đưa ra các ý kiến góp ý ở từng hạng mục để công an các đơn vị, địa phương biết và rút kinh nghiệm cho các kỳ liên hoan. Theo BGK, cần có thêm những tác phẩm phản ánh sự vất vả, hy sinh của lực lượng CAND trong cơn bão và sạt lở vừa qua, các tác phẩm khai thác theo chiều sâu nội tâm, tình cảm, cảm xúc của các nhân vật…

Video số gây ấn tượng tại Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ 14 ảnh 4
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong - Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Trưởng ban tổ chức liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND, phát biểu tại buổi họp.

Riêng về cách thể hiện trong các tác phẩm dự thi, ông Bùi Hồng Phúc - Phó Trưởng ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam, Trưởng BGK hạng mục tác phẩm báo chí, nhấn mạnh: Hầu hết các tác phẩm đều có một hạn chế là sự can thiệp quá nhiều của tác giả vào tác phẩm. Các tác giả quên rằng tính hấp dẫn, tính thuyết phục của tác phẩm là nằm ở tính chân thực. Lỗi phổ biến ở các tác phẩm là lạm dụng âm nhạc, âm thanh nhân tạo, kỹ xảo quá mức, chưa biết tận dụng giá trị của tiếng động tự nhiên, âm thanh hiện trường trong tác phẩm truyền hình.

Còn Đại tá, NSƯT Nguyễn Quang Vinh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Trưởng BGK hạng mục tác phẩm nghệ thuật và chương trình chuyên biệt, cho rằng: Các tác giả đang rất lãng phí tài nguyên của phần tiền kỳ. Tiếng động thật hết sức quan trọng, đặc biệt là những thể loại mà cần bám vào sự kiện thật thì tiếng động thật càng hiệu quả. Nhưng nhiều khi tác giả cứ dùng nhạc để đè lên tiếng động thật thì nó rất phí.

Video số gây ấn tượng tại Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ 14 ảnh 5
Đại tá, NSƯT Nguyễn Quang Vinh -Nguyên Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Trưởng BGK hạng mục tác phẩm nghệ thuật và chương trình chuyên biệt, phát biểu tại buổi họp.

Phát thanh là hạng mục có số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhất trong năm nay, lên đến 330 tác phẩm. Theo BGK đánh giá, nhiều tác giả chưa có kỹ năng viết tác phẩm phát thanh nên nhiều tác phẩm có chất liệu quý nhưng cách thể hiện lại đơn điệu, thiếu hơi thở cuộc sống, nhiều tác phẩm chưa thoát khỏi cách viết bám sát báo cáo, chưa kể được những câu chuyện thông qua nhân vật.

Tại buổi họp, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong - Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Trưởng ban tổ chức liên hoan, gửi lời cảm ơn các đơn vị đã tích cực tham gia, góp phần để liên hoan diễn ra thành công. Đồng thời khẳng định việc tổ chức tập huấn đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền tại công an các địa phương là rất quan trọng. Cục Truyền thông CAND sẽ nghiên cứu để tổ chức trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Ứng phó bão Trà Mi, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam: 'Có bao nhiêu kinh nghiệm chống bão phải đem hết ra mà dùng'
Ứng phó bão Trà Mi, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam: 'Có bao nhiêu kinh nghiệm chống bão phải đem hết ra mà dùng'
TPO - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo các ngành, địa phương về phòng chống bão số 6 (bão Trà Mi). Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, người đứng đầu ngành, địa phương chịu trách nhiệm về hiệu quả công tác triển khai ứng phó với bão, bám sát diễn biến của bão để chỉ đạo sát với thực tế.