> Thế giới năm 2012: Những vùng biển không yên ả
> Trung Quốc điều tàu tuần tra có sân bay Hải tuần 21 ra Biển Đông
Tháo bỏ dây cương
Quân đội Nhật Bản đã phải chịu vòng kiềm tỏa của hiến pháp hòa bình do Mỹ áp đặt sau thế chiến II nhằm ngăn không cho Nhật Bản tái vũ trang. Tuy nhiên, thực tế này có thể thay đổi sau khi tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên cầm quyền.
Sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử mới đây, ông Abe đã cam kết sẽ xem xét lại một cách toàn diện và cơ bản các chính sách an ninh thời hậu chiến tranh với đầy những điều cấm kỵ của Nhật Bản.
Tân Thủ tướng đã nói đến một loạt ý tưởng từ việc thay đổi lại cái tên cho quân đội hiện đang được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho đến việc thay đổi chính bản hiến pháp hòa bình do Mỹ áp đặt.
Trên tất cả, ông Abe muốn mở cửa cho cái mà người Nhật Bản gọi là “phòng thủ tập thể”. Theo đó, quân đội Nhật Bản sẽ được phép chiến đấu bên cạnh các đồng minh, đặc biệt là quân đội Mỹ - lực lượng có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản, trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công trực tiếp.
Hiện Mỹ đang đóng khoảng 50.000 quân tại Nhật và có một căn cứ không quân lớn nhất Châu Á ở đây.
Điều số 9 trong Hiến pháp năm 1947 của Nhật Bản đã tuyên bố từ bỏ quyền phát động chiến tranh để giải quyết các tranh chấp quốc tế đồng thời cũng ra lệnh cấm việc duy trì quân đội.
Tuy nhiên, hiến pháp Nhật không ngăn cấm sự tồn tại của một lực lượng vũ trang “Phòng vệ quốc gia”. Quyền tham chiến của Nhật Bản cũng không được công nhận.
Nhiều người Nhật Bản tin rằng, họ đang bị đặt trong tình thế bị động trong nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ quốc gia trong bối cảnh mối đe dọa với nước này ngày một nhiều và ngày một nghiêm trọng hơn. Đây là lý do khiến họ đòi tháo dây cương cho quân đội và tân Thủ tướng Abe ủng hộ điều này.
Vì sao Nhật muốn tháo bỏ dây cương cho quân đội?
Có hai lý do chính khiến Nhật Bản muốn thay đổi hiến pháp hòa bình. Lý do thứ nhất chính là mối đe dọa trực tiếp từ hai nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên.
Quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên vốn từ lâu luôn ở trong trạng thái căng thẳng vì vụ Triều Tiên bắt cóc các công dân Nhật Bản năm 1970 cũng như ách chiếm đóng của Nhật Bản ở Triều Tiên cách đây mấy chục năm.
Những năm gần đây, Nhật Bản luôn quan ngại trước việc Bình Nhưỡng tăng cường phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản. Tokyo tin rằng, vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thực sự là một mối đe dọa đến an ninh của nước họ.
Tuy nhiên, mối đe dọa mà Tokyo cảm thấy đáng lo ngại nhất là từ phía Trung Quốc, đặc biệt là kể từ sau khi cuộc tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông trỗi dậy mạnh mẽ trong những tháng qua.
Trong thời gian này, Nhật Bản đã chứng kiến một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến và quyết liệt. Trung Quốc liên tiếp dùng tàu chiến, tàu bán quân sự, tàu quân sự trá hình, tàu dân sự và cả máy bay uy hiếp Nhật Bản.
Chưa hết, giới quan chức ở Bắc Kinh cũng không ngần ngại đưa ra những lời cảnh báo về khả năng chiến tranh với Nhật Bản. Trong tình thế như vậy, Tokyo không thể không lo ngại.
Thực tế trên là lý do khiến các chính trị gia bảo thủ của Nhật Bản đã và đang lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi chính phủ và quốc hội nước này phải thay đổi chính sách “sợ súng đạn” nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang, giúp họ có được sự chuẩn bị thật tốt cho mối nguy cơ mang tên Trung Quốc và Triều Tiên.
Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy, chưa lúc nào người dân Nhật Bản lại ủng hộ nước này tăng cường sức mạnh quân sự như thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, một lý do khác khiến Nhật Bản muốn cởi trói cho quân đội là nước này muốn đóng một vai trò tương xứng với sức mạnh của họ trên trường quốc tế.
Nhật Bản vốn sở hữu một trong những lực lượng quân đội tinh vi nhất trên thế giới với hơn 200.000 binh lính, một lực lượng hải quân được trang bị vũ khí rất tốt và một lực lượng không quân sắp được bổ sung hàng chục máy bay chiến đấu tối tân F-35 dù đã có trong tay phi đội có sức mạnh đáng sợ F-15. Ngân sách quốc phòng hàng năm của Nhật Bản lớn thứ 6 của thế giới.
"Chúng ta cần phải có chỗ đứng cao hơn trên trường quốc tế”. Đây là lời tuyên bố của ông Narushige Michishita – người đóng vai trò là cố vấn cho chính phủ trong các vấn đề quốc phòng và là Giám đốc phụ trách chương trình an ninh-quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia của Tokyo.
Theo ông Michishita, "Chúng ta sở hữu lực lượng thông thường được đào tạo bài bản, thiện chiến. Chúng ta đứng thứ hai và không có ai xếp thứ nhất ở Châu Á. Vậy tại sao chúng ta không bắt đầu sử dụng lực lượng này. Chúng ta không phải bắt đầu bằng việc khởi động một cuộc chiến tranh. Chúng ta có thể sử dụng lực lượng đó hiệu quả hơn như một lực lượng răn đe. Nếu chúng ta cởi bỏ những sự kiềm chế về mặt pháp lý, chính trị và tâm lý, chúng ta có thể làm được nhiều hơn. Chúng ta nên bắt đầu đóng một vài trò lớn hơn và có trách nhiệm hơn trong các vấn đề an ninh quốc tế”.
Có vẻ như chưa lúc nào, Nhật Bản tiến gần tới việc cởi trói cho quân đội như lúc này. Tuy nhiên, điều Tokyo cần làm bây giờ là làm sao tránh gây quan ngại cho các nước láng giềng – một vài trong số này vẫn còn ám ảnh với thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản trong thế chiến II.
Theo Kiệt Linh
VnMedia