Đây là cuốn sách thứ hai, Linh cộng tác với Nhà Xuất bản Kim Đồng. Cuốn sách gồm 34 tuỳ bút, viết rải rác trong hai năm 2012 và 2013. Với 34 tác phẩm được chọn trong tập sách, tác giả dường như muốn gắn 34 năm hiện hữu trên đời này của mình với tập sách.
Trong cuốn sách “Hộ Chiếu tâm hồn”, người viết với quan niệm “Đời là những chuyến đi”, đã dong ruổi trên khắp nẻo quê hương, từ “Sài Gòn mùa thu” đến “Đà Nẵng tháng Giêng”; từ “Mùa yêu của tin” đến “Miền che chở”; từ “Những ô cửa sổ” tới “Gửi tới tương lai”...
Linh đi từ miền của cảm xúc đến quá vãng của thời gian, quan sát và chiêm nghiệm như những nhà khảo cổ, như những nhà xã hội học, hay những nhà dân tộc học.
Cảm xúc của Linh trải ra trên từng trang viết, đằm thắm và xúc động. Ta cảm nhận được tình yêu của chị cho người thân, cho bạn bè, ta cảm nhận được tình yêu đằm thắm chị dành cho cuộc sống này, cảm nhận được cả tình yêu nồng nàn mà chị dành cho Tổ Quốc thân yêu này.
Trong mỗi tác phẩm của mình, dường như Linh luôn buông mình trong cảm xúc. Trong sự miên man ấy đôi khi người đọc thấy như lạc lối, hoang mang… nhưng sự buông xả cảm xúc ấy có phần giống như món bún thang – nhiều gia vị, nhiều gia giảm, nhiều nêm nếm nhưng cuối cùng hiệu quả ẩm thực không mất đi, nó vẫn là một món ăn ngon, tinh tế và vừa đủ, không nhạt, không chán, không ngán…
Hình như Linh viết tuỳ bút không như mọi người thường viết, nhịp điệu thơ trong Linh luôn dẫn nhịp cho câu chữ của chị trên từng trang viết. Những gì chị viết trong “Hộ chiếu tâm hồn” là những tình tự của chị với những vẻ đẹp hiếm hoi, những không gian thẳm sâu, là những thủ thỉ gìn giữ, nuôi dưỡng ký ức và vẻ đẹp của những con phố, những hàng cây, kỷ niệm.
Đây không chỉ là sự hoài niệm đơn thuần mà là nỗi niềm của một người luôn xót xa, đau đớn khi từng ngày, từng giờ những gì là tình yêu, là cảm xúc của mình đang mất đi…và ta đang bất lực.
Hãy đọc những câu: “Lá reo như măt chớp, như đàn, mà tàng tàng cây xanh bề bỉ trả bóng cho ta, những giá nhạc khổng lồ. Thu là mùa gặp lại.” (Sài Gòn mùa thu).
Hay: “Mùa reo nhạc qua màu lá. Cây đa già bên hồ thiêng nhớ bạn lộc vừng đã mất. Hồ Gươm mỗi ngày dệt cổ tích thế kỷ XXI bằng giấc mơ nhỏ: Sẽ không bị thêm hẹp lại, không còn rác vứt xuống và mùi tanh. Hà Nội dấu hương chuốt giai âm trong mỗi chúng ta khi mưa phùn giăng khắp Thăng Long”…
Để rồi ngẫm ngợi, để rồi tưởng tượng.
Đọc tác phẩm của Linh, ta thấy tác giả thực sự là người chịu đọc, chịu học và có một phông văn hóa đủ đầy, dầy dặn mà không phải ai ở độ tuổi của Linh cũng có được.
Tùy bút của Linh viết, không theo trình tự thời gian, không gian. Không gian trong các tùy bút của Chị đó là sự đồng hiện của các hình ảnh và sự kiện theo cảm xúc của người viết.
Không gian ấy nó giống như một loại không gian 3D, có mùi có hương, có âm thanh. Nó rất gần với không gian của Nghệ thuật thứ bẩy. Vi Thùy Linh đầy nhiệt tâm với nghiệp Văn chương, Với Tâm đấy, Tài đấy, Vi Thùy Linh luôn xuất hiện bằng những phương án đầy sáng tạo và hiệu quả nhất. Vì thế, ta có Vi Thùy Linh như ngày hôm nay.
Là người ham học, ham đọc, Linh luôn trân quý sách. Chị rất có ý thức tự trọng và rất trách nhiệm với sản phẩm tinh thần của mình. Chị luôn biết cách làm cho sản phẩm tinh thần của mình đẹp và sang trọng, không khuất chìm giữa đám đông.
Chị là người có khả năng lôi kéo dư luận và tạo nên dấu ấn trong lòng công chúng. Linh hay dung từ “Liên tài” để nói về việc tập hợp những người có khả năng giúp đỡ nhau trong công việc sáng tạo.
Với “Hộ chiếu tâm hồn”, chị lặn lội, tìm đến những họa sĩ tài danh hàng đầu để nhờ họ minh họa cho cuốn sách của minh. Bìa sách là tranh của Họa sĩ Đặng Xuân Hòa. Mầu tím mà tác giả luôn yêu được dùng làm mầu chủ cho bìa.
Cuốn sách sang trọng hơn bởi sự liên tài giữa Văn chương và Hội hoạ, các bức minh họa đẹp của những hoạ sĩ nổi tiếng Đặng Xuân Hòa, Phạm An Hải, Phạm Hà Hải, Đào Hải Phong, Vi Kiến Thành, Bùi Mai Hiên, Nguyễn Thị Hiền…
Và ở công đoạn cuối cùng, dàn họa sĩ thiết kế của NXB Kim Đồng đã miệt mài, chung tay trình bày một cuốn sách đạt hiệu quả sang trọng và hiện đại như tác giả mong đợi. Và đã có thể nói“Hộ chiếu tâm hồn” là cuốn sách đẹp.
Linh đã có “Hộ Chiếu tâm hồn” trong hành trang Văn chương của mình, nhà thơ hãy chuẩn bị lên đường tới những vùng đất mới đầy hứa hẹn… À, nhưng còn phải có Visa, mà trong Văn chương thì Visa… phải do bạn đọc cấp.
Với Tình yêu với Nghệ thuật và Lao động hết mình, chỉ trong hơn mười năm, Linh đã nhanh chóng tạo dựng tên tuổi trên Thi đàn với những Tác phẩm Thi ca có sức nặng như: Khát (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999), Linh (NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000), Đồng Tử (Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2005), ViLi in love (2008), Phim đôi - Tình tự chậm (2011), ViLi & Paris, (NXB Hội Nhà văn, 2012, song ngữ Việt – Anh), Chu du cùng Ông nội (NXB Kim Đồng - 2011).