> Tế Hanh: Một hồn thơ thuần phác
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh trong buổi trình diễn tại Praha 27-11-2011. Ảnh: Hà Cần. |
“Lần nào đến cũng đem theo bí mật”, Vi Thuỳ Linh sẽ đem đến điều gì tại Ngày thơ VN lần 10 hôm nay?
Tôi đã trình diễn cùng nghệ sỹ saxophone Quyền Thiện Đắc tại Varsava (Ba Lan) tối 4-12-2011, và cuộc tái ngộ này là lần đầu tiên chúng tôi cùng trình diễn tại Việt Nam.
Quyền Thiện Đắc bạn tôi, vừa tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành biểu diễn nhạc jazz tại Học viện Âm nhạc Malmo (Thuỵ Điển), là cây kèn sung sức nhất của thế hệ 8X. Duo với tôi, là nghệ sỹ trình diễn số 1 Việt Nam - hoạ sỹ Đào Anh Khánh.
“Phim đôi – Tình tự chậm” xuất bản tháng 1/2011 có in lời tự tình của tác giả rằng chị sẽ không xuất bản thơ nữa. Và này thì chị lại trình diễn thơ?
Lúc nào tôi cũng hồi hộp và nóng lòng muốn gặp công chúng đích thực của mình. Tôi vẫn đang dốc sức lao động văn chương.
Xem ra chị có vẻ lý tính khi khẳng định từ 2012 nhất quyết không in thơ nữa, vậy tác phẩm trình diễn lần này liệu có phải bài thơ cuối cùng của lần trình diễn cuối cùng?
Cuộc xuất hiện sáng nay (5/2) là cuộc trình diễn thơ cuối cùng của Đắc và tôi thời tự do.
Chị nhắc nhiều đến từ “cuối cùng” vậy đây là sự thật hay là chiêu PR?
Sự thật. Tôi đã dành 16 năm cho thơ từ năm 15 tuổi. Và tôi đủ năng lượng sáng tạo ở nhiều thể loại, muốn dâng hiến mọi khả năng cho nghiệp viết.
Ngay sau tuỳ bút sắp xuất bản, sẽ là sách về tuổi thơ và tập chân dung các nhân vật. Đã có 6 tập thơ, điều ấy có nghĩa thơ đã dành thời lượng lớn và chắc chắn nó vẫn là mạch nguyên uỷ của tinh thần tôi.
Hay là Vi Thuỳ Linh thơ đã cạn khả năng mới hơn nữa?
Trữ lượng ý tưởng và từ vựng của tôi, có thể nói không cường điệu, là đội hùng binh và tôi là vị tướng biết cầm quân. Chính vì muốn mới, muốn giữ độc giả ruột nên tôi không muốn họ “chán”, chưa kể muốn mở rộng “thị phần”, “trường” công chúng . Thi sỹ ái quyền thì cũng phải biết tạm ngưng đúng thời điểm phong độ để được nhớ mà công chúng tìm đọc tiếp chứ.
Học viện Báo chí Tuyên truyền 50 năm tuổi sắp tổ chức lễ kỷ niệm. Và chị vẫn đang là cựu sinh viên “cuối cùng” của khoá 16 chưa kết hôn. Khi nào thì chị kết thúc sự cuối cùng này?
Mùa đông tới. Mà anh xoáy vào chuyện kết hôn của tôi xem ra quyết liệt quá. Đây là câu hỏi mà tôi rất chán, lại thường xuyên phải nhận, đa số trốn trả lời. Lần này là ngoại lệ. Tôi đã sớm và đi đầu khá nhiều rồi, cho tôi một thứ “muộn” được không?
Hay là chị sợ mất fan như nhiều minh tinh màn bạc và ngôi sao ca nhạc luôn duy trì quan hệ người tình, sống chung, tránh hôn thú vì sợ các fan khác giới thất vọng. Liệu chị có để muộn đến lúc ngó sang “sân thơ già” Thái Miếu?
Anh nên biết đến giờ tôi vẫn đương kim là hội viên (HV) trẻ nhất của Hội Nhà văn VN thì mới hiểu Hội già thế nào. Có 950 HV thì hơn 70% trên 60 tuổi, có người đã nhầm đây là hội tập hợp những người hưu trí, bảo thọ hoặc công chức nghỉ hưu rồi mới sực nhớ tới văn chương và cần xác lập “vai vế” bằng tấm thẻ cho sang(!).
Chưa đầy 20 người dưới 40 tuổi, tức là 0,2% thì bao giờ mới có làn sóng trẻ? Yên tâm đi, Vili không đọc thơ ở sân già.
Chị vừa có tour trình diễn 4 nước EU (Pháp, Bỉ, Séc, Balan). Chẳng cần đọc tuỳ bút “Paris 36 lần yêu”, “Trong ái thành Varsava” in các báo Tết vừa qua, từ lâu cũng biết chị đa tình. 3 tháng ở trời Âu, ai mà tin được ViLi không “sa ngã”?
“Suýt” thôi (cười lớn). Về lại Hà Nội đúng hẹn bởi 3 tháng ấy tôi được nuôi bởi một Tình yêu Lớn tại Hà Nội. Chúng tôi gọi điện và viết thư cho nhau mỗi ngày, tâm trí tôi ngập tràn anh, còn thiết gì “tham lam” nữa.
Đến giờ này chị có thể tiết lộ về tình yêu lớn được chứ?
Đây là người đàn ông thi thư dòng dõi, có năng lực sáng tạo ngôn ngữ và chuộng thể thao, song lại làm công việc của một doanh nhân. Anh khiến tôi tin cậy, trân quý, muốn gìn giữ mãi bởi anh còn là độc giả lớn, nguyên cớ những sáng tạo để tôi xuất bản ViLi tuỳ bút. Anh ấy sẽ đến xem tôi “hôn” Đào Anh Khánh.
Thanh Chương Thực hiện