EU từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, từ sau thời điểm cá tra bị đưa vào danh sách đỏ của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) năm 2010, xuất khẩu cá tra sang EU tuột dốc không phanh. Năm 2021, xuất khẩu cá tra sang EU chỉ đạt hơn 106 triệu USD, chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Bước sang năm 2022, ngành cá tra Việt Nam bất ngờ lập nên kỳ tích khi xuất khẩu sang các thị trường đều tăng trưởng từ 2 con số trở lên. Đặc biệt, tính đến giữa tháng 7, xuất khẩu sang EU đạt gần 122 triệu USD, tăng tới 91% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kim ngạch cả năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Hà Lan tăng 72% (chiếm 30% xuất khẩu cá tra sang EU); Đức tăng 107% (chiếm 12%), Tây Ban Nha tăng 75% (chiếm gần 10%), Bỉ tăng 92% (chiếm 9,7%) và Italy tăng 90%...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sở dĩ cá tra Việt xuất sang EU có sự tăng trưởng đột phá là do nhu cầu của các thị trường bùng nổ sau thời gian dài bị kìm nén do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các doanh nghiệp Việt hầu như sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường
Đặc biệt, xung đột Nga – Ukraine dẫn đến việc EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nga (trong khi Nga là nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất cho EU). Điều này mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm cá tra Việt Nam gia tăng thị phần, thay thế các nhà cung cấp hải sản lớn tại thị trường EU.
Cùng thời điểm này, Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) bắt đầu phát huy tác dụng. Các sản phẩm cá tra được giảm thuế theo lộ trình 3 năm (tính từ năm 2020) nên thúc đẩy các doanh nghiệp Việt ồ ạt xuất khẩu.
Với những cơ hội lớn chưa từng có về thị trường, dự báo xuất khẩu cá tra sang EU nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng cao và cả năm 2022 sẽ mang về lượng ngoại tệ khoảng trên 200 triệu USD (tăng 90% so với năm 2021).