Vì sao xe khách tuyến Hải Phòng – Hà Nội ế ẩm?

Một chuyến xe vắng khách dịp giáp Tết.
Một chuyến xe vắng khách dịp giáp Tết.
Lạ. Đó là cảm giác với những hành khách lần đầu đi xe khách Hà Nội - Hải Phòng khi thấy, giáp Tết mà trên xe có quá nhiều ghế trống. Nhưng với những hành khách hay đi tuyến này, đó là chuyện bình thường.

Để tiếp tục kiểm chứng, chiều mùng Năm Tết, chúng tôi có mặt tại bến xe Lương Yên. Và rồi, chúng tôi lại thấy, còn khá nhiều ghế trống trên xe khách Hải Phòng – Hà Nội dù ngày hôm sau việc đi học, đi làm trở lại bình thường.

“Xe của anh được bao nhiêu khách?”, “22, kể cả 2 khách bắt xe từ Hải Dương”. “Xe của mày thì sao?”. “21 khách”. Đó là đoạn hội thoại giữa hai nhân viên nhà xe lúc 14h ngày 23/2 (tức mùng Năm Tết) tại bến xe Lương Yên. Cùng lúc đó, chiếc xe khách Hoàng Long cập bến, chúng tôi cũng thấy có khá nhiều ghế trống như để chứng minh lời nói của hai anh lơ xe. “Xe Hoàng Long uy tín thế, mà hôm nay cũng không kín khách là sao?”, chúng tôi hỏi một người xe ôm. Anh này cho biết, xe chạy Hải Phòng hãng nào cũng thế. Khi hỏi lý do, anh này thủng thẳng: “Xe nhiều, khách ít chứ sao”.

Thông thường, trước Tết xe từ Hà Nội đi các tỉnh đều kín khách, có khi còn nhồi nhét. Ra Tết thì ngược lại. Những ngày này, tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm…, xe nào cập bến cũng chật cứng khách. Không ít xe, khách phải ngồi chèn lên nhau, ghế phụ, ghế chính kín mít người. Hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Hà, vừa xuống xe từ Thọ Xuân, Thanh Hoá ra, chị kêu khổ: “Hôm Tết tôi về, 3 người ngồi 2 ghế.

Còn hôm nay, không được ngồi ghế chính là phải ngồi ở giữa xe, trên hàng ghế nhựa dã chiến”. Không chỉ bị nhồi nhét, chị Hà còn phải trả 150.000 đ, thay vì 100.000 đ như ngày thường. Không chỉ tuyến Thanh Hoá, các tuyến xe Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên…, khách đều ken đặc và khách đành bó tay với việc bị bắt chẹt về giá. Thế nhưng với tuyến xe khách Hà Nội - Hải Phòng; Hải Phòng – Hà Nội thì ngược lại.

“Ngày Tết mà có mỗi 22 khách, thế ngày thường thì sao hả anh?”, chúng tôi hỏi anh nhân viên nhà xe vừa từ Hải Phòng lên bến Lương Yên. “Ngày thường ít hơn một chút”. “Thế thì lỗ hả anh?”, chúng tôi hỏi tiếp. “Lấy chỗ nọ, bù chỗ kia chứ lỗ làm sao”, anh trả lời. Hỏi chuyện anh nhân viên bến xe Lương Yên, anh này cho biết, 15 phút có một chuyến xe đi Hải Phòng xuất bến. Còn anh phụ xe ở Hải Phòng thì cho biết, ở bến xe Tam Bạc, hãng xe của anh 7-8 phút sẽ có một chuyến đi Hà Nội. Mỗi ngày, có hơn 300 chuyến xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại. Trong khi đó, lượng khách không đáp ứng nên xảy ra tình trạng “cung nhiều hơn cầu”.

“Cung” vượt “cầu” thì hành khách hẳn có lợi, bởi chắc chắn sẽ không có chuyện bị nhồi nhét, “chém” về giá. Nhưng hệ luỵ của việc “cung” vượt quá “cầu” còn là tranh giành, chèo kéo khách, nhiều nhà xe còn đua tốc độ để kiếm khách và không ít trường hợp còn thuê cò mồi, côn đồ ép khách. Đáng chú ý là việc, các nhà xe cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến mất an toàn giao thông, an ninh trật tự.  Báo CAND từng nhận được đơn phản ánh của một doanh nghiệp vận tải về việc, nhân viên của mình bị côn đồ tấn công khi đang hoạt động tại bến xe Gia Lâm.

Liên sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Hải Phòng đã có đánh giá về hoạt động vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại hồi tháng 8/2014, trong đó nêu: Mỗi ngày có 374 chuyến, vận chuyển khoảng 7.000. Và hệ số sử dụng xe mới đạt khoảng 42%. Với con số hệ số sử dụng xe mới đạt 42% cho thấy, “cung” vượt hơn gấp đôi “cầu”.

Đây là một sự lãng phí rất lớn. Cũng theo đánh giá này, còn có tình trạng một vài doanh nghiệp sử dụng đối tượng cò mồi, côn đồ chèo kéo khách, đe doạ đánh đập lái xe, phụ xe các doanh nghiệp khách; bắt chặn, dừng xe nhằm mục đích tranh giành khách trên đường, chèn giờ, dừng đỗ ngay trước cửa bến xe gây nên tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông.

Việc xe khách chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội và chiều ngược lại ế ẩm cả trong ngày Tết là hiện trạng đáng buồn. Nó cho thấy sự bất hợp lý trong điều hành giao thông của cơ quan quản lý Nhà nước, trong đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Kinh doanh vận tải hành khách là hoạt động nhằm đem đến cho khách hàng những tiện ích khi đi lại. Việc nhiều doanh nghiệp cùng tham gia lĩnh vực này sẽ tạo ra sự cạnh tranh, từ đó chất lượng phục vụ được nâng cao hơn. Thế nhưng việc “cung” vượt quá 2 lần “cầu” tại tuyến vận tải này cho thấy sự lãng phí, gây ra sự bất ổn trong an toàn giao thông và an ninh trật tự.

Theo Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG