Vì sao tàu sân bay Mỹ thăm Philippines

Các quan chức Mỹ và Philippines quan sát máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Philippines.
Các quan chức Mỹ và Philippines quan sát máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Philippines.
TP - Trước khi trở thành tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam từ ngày 5-9/3 tới, USS Carl Vinson vừa thăm Philippines trong 5 ngày để nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh với nước này và sứ mệnh bảo đảm pháp quyền trên biển Đông.

Dưới đây là bài viết của nhà báo Philippines Jaime Laude, làm việc cho báo Philippine Star, gửi cho Tiền Phong về chuyến thăm của nhóm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson.

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đang xa rời Mỹ, nhưng mối liên kết đã được củng cố bằng mồ hôi và máu giữa nhân dân hai nước đồng minh sẽ vẫn ấm áp và mạnh mẽ. Đó là thông điệp được ông Douglas Verissimo, chỉ huy USS Carl Vinson, nhấn mạnh trong chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Philippines hôm 27/2. USS Carl Vinson là một trong các tàu sân bay Mỹ đang triển khai các hoạt động trên vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm biển Đông và biển Hoa Đông. 

“Chuyến cập cảng lần đầu tiên của tôi vào năm 1990 là ở Vịnh Subic. Sau khi chúng tôi không còn ở Vịnh Subic nữa, tôi đang ở đây để thực hiện chuyến thăm (Philippines)”, ông Verissimo nói. Các nhà báo Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore được mời lên khoang Carl Vinson khi con tàu này đang thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông cho đến thứ Bảy tới. 

Ông Verissimo nhấn mạnh sự hiện diện của nhóm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson trên biển Đông không phải để nhằm đến một quốc gia nào mà để củng cố quan hệ đối tác, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế thông qua bảo đảm quyền tự do di chuyển và tự do thực hiện  những quyền theo luật pháp quốc tế. Ông Verissimo nói điều này mà không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đã thực hiện các hoạt động quân sự hóa dày đặc trên tất cả 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm đóng và cải tạo trái phép. 

Chuyến tuần tra tự do hàng hải của nhóm tàu tấn công USS Carl Vinson diễn ra trên biển Đông giữa những lo  ngại ngày càng lớn rằng Bắc Kinh, với yêu sách chủ quyền 90% diện tích biển Đông, sẽ bóp nghẹt tuyến vận tải biển có tầm quan trọng chiến lược này bằng kế hoạch thống trị toàn bộ khu vực. 

“Giờ đây chúng ta đang ở giữa (biển Đông), có lẽ ở phía bắc quần đảo Trường Sa, phía đông đảo Phú Lâm và khá gần Hải Nam và phía tây Manila”, ông Verissimo nói về vị trí của tàu sân bay Mỹ vào tối thứ Sáu tuần trước, khi được hỏi về vị trí hiện tại của nhóm tàu tấn công. 

Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã dựng lên 3 căn cứ hải quân và không quân chủ chốt trên đá Chữ Thập, Xu-bi và Vành Khăn. Tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Quốc đã đưa ra đó máy bay chiến đấu hiện đại cùng hệ thống phòng thủ tên lửa để hỗ trợ hoạt động quân sự đang tiếp diễn của họ trên biển Đông. Ngoài Mỹ, Úc, nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương khác, trong đó có Nhật Bản đang theo dõi sát sao những hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn nằm gần Philippines này hiện nằm dưới quyền kiểm soát thực tế của Bắc Kinh. 

Nhóm tàu Carl Vinson mang theo 74 máy bay chiến đấu, giám sát và vận tải, gồm F18C, F18E/F  Super Hornet, EA-18G Growler, E-2 Hawkeye, Sikorsky MH-60S Seahawk và Grumman C-2 Greyhound. Trên hết, nhóm tàu này còn có các tàu khu trục tên lửa, tàu khu trục nhỏ và tàu tuần dương.

“Từ đây chúng ta có thể nhìn thấy mọi thứ. Có rất nhiều hoạt động hải quân và hàng hải ở khu vực”, một sĩ quan (giấu tên) trên tàu Carl Vinson nói về các thiết bị giám sát hiện đại được lắp đặt cho con tàu này. Khi được hỏi liệu có các tàu tuần duyên và hải quân Trung Quốc đang ở gần đó không, sĩ quan này nói rằng, điều đó là chắc chắn. Nhưng ông cũng nói rằng, các tàu Trung Quốc và nhóm tàu tấn công Mỹ đều đang duy trì các hoạt động hàng hải không khiêu khích.

Quan hệ Mỹ - Trung năm nay có thể biến động mạnh 

Sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ trên biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng khu vực và dẫn đến xáo động trong quan hệ Mỹ - Trung, các chuyên gia Trung Quốc nói như vậy sau nhóm tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thăm Philippines. Trong khi đó, phía Mỹ khẳng định đây chỉ là hoạt động thường kỳ của hải quân hoạt động toàn cầu như Mỹ.

GS Li Haidong, công tác tại Viện Quan hệ quốc tế thuộc ĐH Ngoại giao Trung Quốc nói với tờ Global Times rằng, việc tàu sân bay Mỹ có nhiều chuyến thăm trong khu vực biển tranh chấp phù hợp với chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào tháng 12/2017, trong đó gọi tên Trung Quốc là “cường quốc đối thủ”, và năm nay sẽ chứng kiến “thêm nhiều hành động khiêu khích với các chuyến thăm của tàu sân bay và máy bay Mỹ”, ông Li nói. 

Ông này dự đoán rằng quan hệ Mỹ - Trung trong năm nay sẽ có nhiều mâu thuẫn, không chỉ giới hạn trong vấn đề biển Đông, vì Mỹ đang nỗ lực đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thông báo ngày 5/2 rằng, tàu chiến của Mỹ sẽ duy trì các chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông. 

            Bình Giang (tổng hợp) 

MỚI - NÓNG