Vì sao tắc gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù được 4 ngân hàng quốc doanh công bố triển khai từ tháng 4 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào được vay theo gói 120.000 tỷ đồng. Chuyên gia cảnh báo gói tín dụng này có nguy cơ bị “ế” dài.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 15/6, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), nói rằng, đến thời điểm hiện tại, gói 120.000 tỷ đồng vẫn chưa phát sinh dư nợ tín dụng. Theo ủy quyền của Bộ Xây dựng, các địa phương công bố danh mục các dự án để cho vay. Tuy nhiên, một số tỉnh công bố dự án nhưng lại chưa đủ điều kiện pháp lý như giấy phép xây dựng, giao đất...

Ông Bắc cho biết, hiện mới có 2 địa phương là Trà Vinh, Bắc Giang gửi danh sách dự án về Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, danh sách này được gửi đến 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank) để thẩm định hồ sơ cho vay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa giải ngân được. “Hiện nay, vướng mắc nhất vẫn là thủ tục pháp lý các dự án”, ông Bắc nói.

Trước thắc mắc về việc gói tín dụng này chậm giải ngân, ông Bắc nói rằng, Bộ Xây dựng đã khẳng định đây không phải là chương trình “giải cứu” nên không cần phải làm ngay. Gói vay này theo Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội kéo dài đến năm 2030.

Vì sao tắc gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội? ảnh 1

Dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chưa hoàn thiện vì thiếu vốn.

Ảnh: Ngọc Mai

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng, chưa phát sinh dư nợ tín dụng gói vay này do các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Theo ông Hải, cả nước có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được cấp phép đầu tư xây dựng, nhưng các địa phương chưa công bố công khai danh mục dự án nên các ngân hàng chưa thể cho vay vốn.

Ông Hải cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ông Vũ Quốc Đạt, Phó Tổng Giám đốc Cty Him Lam Thủ đô, cho biết, bản thân doanh nghiệp cũng ngóng gói tín dụng này bởi làm nhà xã hội mà vay thương mại cao như hiện nay, doanh nghiệp không có lãi. Tuy nhiên, dự án công ty đang làm thủ tục pháp lý liên quan đến giao đất. “Chúng tôi mong thành phố đẩy nhanh thủ tục để dự án có thể đủ điều kiện mở bán vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau”, ông Đạt nói.

Gói vay có nguy cơ “ế” vì lãi cao?

Trước thực trạng nhiều dự án gặp vướng mắc pháp lý nên không thể thúc đẩy nguồn cung mới, đã có nhiều ý kiến lo ngại, thị trường khó hấp thụ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Điều này từng xảy ra với các chương trình cho vay ưu đãi liên quan đến nhà ở xã hội, như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Thậm chí, Ngân hàng Chính sách cũng “ế” tới 11.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội dù lãi suất chỉ từ 4,8-5%/năm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, mức lãi suất 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khá phù hợp, vì hiện nay, lãi suất của các gói vay khác rất cao, khoảng 12 - 13%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (những người có thu nhập thấp) lại quá cao.

Theo báo cáo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị với quy mô xây dựng 19.516 căn nhà. Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 294 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Ông Châu lấy ví dụ, căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng với lãi suất 8,2%/năm, chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng. Nếu cộng tiền gốc, một tháng, người mua nhà phải trả trên mức 10 triệu đồng/tháng, vượt quá sức của nhiều người thu nhập thấp tại đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.

Ngoài ra, ông Châu cho rằng, các mức lãi suất được xác định định kỳ 6 tháng một lần, theo đó mức lãi suất 8,2%/năm, 8,7%/năm áp dụng đến ngày 30/6/2023 làm cho tâm lý của người vay thêm bất an. Thời gian ưu đãi chỉ trong 5 năm quá ngắn, ông nói.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.