Vì sao quy định PCCC cho quán karaoke chặt chẽ nhưng vẫn xảy ra hỏa hoạn chết người?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo quy định, các cơ sở kinh doanh karaoke phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì mới được đưa vào hoạt động. Nhưng thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy quán karaoke làm nhiều người chết khiến dư luận đặt ra câu hỏi có phải các cơ sở này chỉ ‘làm cho có’ để đón khách thu tiền và công tác kiểm tra, cấp phép có thực sự khách quan?
Vì sao quy định PCCC cho quán karaoke chặt chẽ nhưng vẫn xảy ra hỏa hoạn chết người? ảnh 1

Quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) xảy ra hỏa hoạn năm 2016 làm 13 người thiệt mạng.

Quy định chặt nhưng thực tế đã tuân thủ?

Thông tư 147/2020/TT-BCA (Thông tư 147) Bộ Công an quy định rất rõ và chặt chẽ về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

Cụ thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke độc lập cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500m3 trở lên và cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nằm trong nhà phải được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy mới được đưa vào hoạt động.

Về thiết kế phòng cháy, chữa cháy, mỗi tầng của nhà phải có ít nhất 2 lối thoát nạn. Đối với các gian phòng có diện tích trên 50m2 phải có ít nhất 2 lối thoát nạn; cho phép mỗi tầng có 1 lối thoát nạn khi số lượng người có mặt đồng thời trên tầng không quá 20 người và lối thoát nạn đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói có cửa đi ngăn cháy có giới hạn chịu lửa theo quy định.

Tường ngăn giữa hành lang và các gian phòng phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó bắt cháy; các gian phòng có diện tích từ 50m2 trở lên và các gian phòng trong tầng hầm, tầng nửa hầm phải được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó bắt cháy.

Các cơ sở kinh doanh karaoke này có chiều cao lớn nhất cho phép không vượt quá 16 tầng và không được bố trí quá tầng 16 khi cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nằm trong nhà công năng…

Cùng với đó, số người lớn nhất trong một gian phòng, một tầng hoặc của ngôi nhà của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được tính toán với hệ số sàn là 1m2/người.

Ngoài ra, Thông tư 147 quy định rõ vị trí lắp đặt biển quảng cáo không che kín toàn bộ nhà, công trình, che lấp các lối thoát nạn, ban công; hệ thống điện được bảo vệ chống tác động nhiệt, chống quá tải, chống tĩnh điện theo quy định.

Mặc dù quy định chặt chẽ, nhưng thực tế nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ bar, karaoke không đảm bảo về lối thoát nạn; vẫn còn lơ là công tác bảo đảm an toàn PCCC, không trang bị đầy đủ trang thiết bị báo cháy, chữa cháy; vật liệu trang trí không đảm bảo về sức chịu nhiệt... Điều này dẫn đến việc, khi xảy ra hỏa hoạn thì quá muộn và hậu quả rất nặng nề. Điển hình như vụ cháy quán karaoke tại Cầu Giấy (Hà Nội) và Bình Dương mới đây.

Ở chiều ngược lại, dư luận cũng đặt vấn đề về công tác kiểm tra, cấp phép đủ điều kiện PCCC cho các cơ sở kinh doanh karaoke đã thực sự khách quan?

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực PCCC nhận định về nguyên nhân một số vụ cháy quán bar, karaoke đa phần thường do chập điện và bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Trong khi đó, cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke sử dụng vật liệu cách âm không đạt tiêu chuẩn, dùng vật liệu giả, nhái nhằm giảm giá thành thi công, khi có cháy gây ra nhiều khói, khí độc và gây nguy hiểm cho những người bên trong và lực lượng chữa cháy.

Mặt khác, một số quán bar, karaoke sử dụng bình cứu hỏa quá hạn, không được kiểm tra bảo dưỡng, thay thế định kỳ, lúc xảy ra hỏa hoạn không thể dập tắt đám cháy khi mới phát sinh kịp thời.

Vì sao quy định PCCC cho quán karaoke chặt chẽ nhưng vẫn xảy ra hỏa hoạn chết người? ảnh 2

3 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã hy sinh khi chữa cháy, cứu người mắc kẹt tại quán Karaoke tại Hà Nội.

Kỹ năng thoát thân khi cháy quán karaoke

Một số chuyên gia về y tế cho biết, trong một số vụ hỏa hoạn, ngạt khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng vì hít phải khí độc như CO2, CO… dẫn đến ngộ độc cấp tính.

Khi hít phải các loại khí trên, cơ thể nạn nhân thiếu ôxy dẫn đến tiêu hao nhiều thể lực trong lúc hoảng loạn cố gắng thoát thân và làm cho ngộ độc ập đến nhanh chóng.

Các triệu chứng ngạt khói phổ biến nhất là ho, khó thở, khàn tiếng, đau đầu, đau bụng, nôn, buồn ngủ, lú lẫn do không đủ ôxy. Ở giai đoạn này, nạn nhân có thể mất ý thức hoặc ngưng thở hoàn toàn.

Về kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, theo lực lượng PCCC, các quán bar, karaoke thường là nơi tập trung đông người, khép kín để tránh tiếng ồn; bên trong có nhiều đồ vật dễ cháy và thường sử dụng các thiết bị điện công suất lớn nên dễ xảy ra cháy nổ gây nguy hiểm cho nhiều người.

Vì sao quy định PCCC cho quán karaoke chặt chẽ nhưng vẫn xảy ra hỏa hoạn chết người? ảnh 3

Các nạn nhân may mắn được giải cứu trong vụ hỏa hoạn quán Karaoke tại Bình Dương đang được điều trị tại bệnh viện.

Do đó, mỗi người cần biết tự bảo vệ mình khi tới vui chơi tại các quán bar, karaoke bằng cách tìm hiểu các kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và những kỹ năng thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn.

Cụ thể, khi vào quán bar, karaoke cần quan sát kỹ các lối thoát nạn, bảng, biển chỉ dẫn. Nếu xảy ra cháy cần bình tĩnh, hô hoán báo động cho mọi người biết và chạy ra lối cửa chính.

Trường hợp cửa chính bị lửa khói bịt kín thì hãy tìm lối thoát khác như ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc xuống đất bằng thang. Tuyệt đối không được nấp trong phòng, nhà vệ sinh tránh bị ngạt khói.

Nếu phải băng qua lửa hãy dùng chăn ướt quấn chặt vào người và thoát ra nhanh nhất có thể. Còn có khói hãy dùng khăn ướt che kín mũi, miệng và cúi thật thấp, men theo tường để ra lối thoát nạn.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.