Vì sao nhiều người dân TPHCM chưa mặn mà mua hàng combo?

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng tình nguyện viên đi chợ hộ người dân
Lực lượng tình nguyện viên đi chợ hộ người dân
TPO - Nhiều gói combo có giá cao, nhiều thực phẩm trong combo không có nhu cầu; người dân đã mua sắm dự trữ trước đó khá nhiều… chính là một trong những nguyên nhân khiến hàng combo (trọn gói) đang ế.

Phân vân lựa chọn gói “combo” thực phẩm do tổ dân phố gửi, chị Hà Hương (ngụ quận 5, TPHCM) cho biết: “Có nhiều thực phẩm trong gói combo nhà tôi thường không mua như thịt gà, rau muống… nhưng đành phải chọn. Chưa kể, gói combo còn có giá cao hơn so với nhiều sản phẩm trước đây tôi mua lẻ nên không hài lòng lắm khi đặt hàng”.

Tương tự, bà Thu Trang (ngụ TP Thủ Đức) cũng cho rằng, bình thường bà đi siêu thị có giá cạnh tranh, nhưng nay địa phương gửi đến một siêu thị “hạng sang”, giá các sản phẩm cũng đắt nên khó mua hàng. “Nếu địa phương cung cấp nhiều combo của các siêu thị để mình lựa chọn thì hay hơn” – bà Trang nói.

Tối ngày 24/8, Sở Công thương TPHCM cho biết, đã nhận được phản ánh giá combo cao do người dân so sánh qua giá. “Thực tế có một số khác biệt về mặt hàng và nhà cung cấp, các doanh nghiệp phải chuẩn bị combo lại” – đại diện Sở Công thương nhìn nhận.

Vì sao nhiều người dân TPHCM chưa mặn mà mua hàng combo? ảnh 1

Mua hàng, thanh toán xúc tại siêu thị tự động vừa triển khai tại TPHCM

Trong ngày 24/8, báo cáo thống kê từ Sở Công thương TPHCM cho thấy, có hơn 74.000 hộ dân đăng ký đơn hàng/2,2 triệu hộ dân toàn Thành phố. Các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337/74.033 đơn các hộ đăng ký, số đơn còn lại sẽ được giao hàng trong ngày mai. Bên cạnh đó, có 274.633/ 590.859 hộ đăng ký túi an sinh.

Sau khi TPHCM siết các biện pháp giãn cách từ ngày 23/8, toàn Thành phố có 2.302 điểm bán hàng hoạt động. Gồm 76 siêu thị; 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn; 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ).

Cũng theo Sở Công thương, TPHCM chỉ còn 5 xe lưu động bán hàng do các quận huyện giảm đăng ký, nguyên nhân do người dân đã mua sắm dự trữ khá nhiều.

Cảnh giác lừa chuyển tiền mua hàng

Theo Sở Công thương TPHCM, hiện nay, TPHCM đã xuất hiện đối tượng lừa đảo người dân chuyển tiền đăng ký mua hàng, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị lừa.

Ngày 24/8, cửa hàng trưởng cửa hàng Bách Hóa Xanh (Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp) cảnh báo đến hơn 1.000 khách hàng trong nhóm Zalo do đơn vị này tạo, về việc có đối tượng mạo danh nhân viên Bách Hóa Xanh nhắn tin riêng chốt đơn và yêu cầu khách hàng chuyển khoản để lừa tiền.

Vì sao nhiều người dân TPHCM chưa mặn mà mua hàng combo? ảnh 2

Người dân nên thông qua các đầu mối là Hội, Đoàn để đặt hàng, không đặt hàng trên các link lạ để tránh lừa đảo

Đơn vị này cung cấp cho khách hàng thông tin một tài khoản ngân hàng duy nhất và lưu ý khách hàng để ý nhân viên trao đổi chuyển khoản trong nhóm Zalo là thành viên có khóa vàng hoặc khóa bạc trên hình nền đại diện. Khách hàng chỉ chuyển khoản khi nhận được hình hóa đơn hoặc hình màn hình máy tính có chi tiết số tiền thanh toán và sản phẩm mua.

Bà Đỗ Thị Dậu, Giám đốc Satramart Siêu thị Sài Gòn cũng lưu ý hiện nay việc bán hàng của đơn vị này được triển khai thông qua phường, do đó người dân không nên đặt hàng ở đường dẫn (link) nào khác để tránh bị lừa.

Sở Công thương TP lưu ý người dân nên liên hệ Tổ trưởng tổ dân phố, Hội Phụ nữ, Đoàn thể phường để đăng ký khi mua hàng.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.