Vì sao nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị khởi tố?

TPO - Nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị khởi tố để làm rõ trách nhiệm liên quan tới vụ án kinh tế làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Ngày 8/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình (SN 1954), nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ông Bình bị khởi tố để điều tra trong vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước", do Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang thụ lý.

Vì sao nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị khởi tố? ảnh 1 Nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình.

Bước đầu, ông Bình bị xác định có liên quan trách nhiệm đến vụ án kinh tế làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng.

Cơ quan CSĐT xác định, tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, bị bắt vì liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên tháng 5/2013, Trust Bank có 23 năm hoạt động với vốn điều lệ 3.000 tỷ, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung phục vụ lĩnh vực xây dựng.

Trong quá trình tái cơ cấu, ông Phạm Công Danh và đồng phạm đã khiến ngân hàng này thất thoát 9.000 tỷ đồng, theo hồ sơ giai đoạn 1 của đại án này. Ông Phạm Công Danh phải lĩnh án 30 năm tù cùng 35 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.