Vì sao người trẻ Nhật Bản quen ngủ vạ vật nơi công cộng?

Khi "Karoshi" - thuật ngữ tiếng Nhật chỉ những người chết vì làm việc quá sức, thiếu ngủ - trở thành vấn nạn, người dân xứ Phù Tang đang phải học cách quý trọng giấc ngủ hơn.

Khoảng 3h chiều, trong các quán cà phê ở trung tâm Tokyo, Nhật Bản, không khó để bắt gặp cảnh những người gục mặt, ngủ gật trên bàn trong khi laptop đang mở.

Họ là những nhân viên văn phòng lén lút rời khỏi chỗ làm để tranh thủ chợp mắt giữa giờ họp chiều.

Tất cả quá mệt mỏi nên chẳng quan tâm chỗ ngủ có thoải mái hay không. Vài giờ sau, những người may mắn có thể kiếm được chỗ ngồi trên tàu điện ngầm chật kín giờ tan tầm để "đánh" thêm một giấc nữa.

Tuy xa lạ trong mắt nhiều người ngoại quốc, hình ảnh này không khiến người dân xứ Phù Tang để tâm hay ngạc nhiên.

Ở đất nước được mệnh danh là “thiếu ngủ nhất thế giới” như Nhật Bản, inemuri – những người kiệt sức vì công việc, có thể bạ đâu ngủ đó – đã trở thành một nét đặc trưng.

Chết vì thiếu ngủ, kiệt sức

 “Kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, tôi có thể ngủ mọi lúc mọi nơi”, Takanori Kobayashi nhớ lại thời điểm anh còn là một người làm công ăn lương.

Lịch làm việc khủng khiếp đã phá hỏng thói quen ngủ nghỉ của nam thanh niên. Mất ngủ về đêm nhưng anh chàng có thể ngả lưng ngủ ở bất kỳ đâu từ tàu điện ngầm, bàn làm việc, quán ăn, tiệm cà phê… vào ban ngày.

“Chỉ đến gần đây tôi mới nhận ra việc ngủ bừa bãi, không thoải mái ở nơi công cộng đã ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vào buổi tối như thế nào”, Kobayashi nói.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD năm 2019, Nhật Bản có giấc ngủ trung bình ngắn nhất trên thế giới với khoảng 7,3 giờ mỗi ngày.

Hàn Quốc cũng là một trong những nước ngủ ít với thời gian trung bình 7,85 giờ mỗi ngày. Trong khi đó, các quốc gia như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và Trung Quốc đều ngủ hơn 8,3 giờ mỗi ngày.

Vì sao người trẻ Nhật Bản quen ngủ vạ vật nơi công cộng? ảnh 1 Inemuri – những người kiệt sức vì công việc, có thể bạ đâu ngủ đó – đã trở thành một nét đặc trưng của Nhật Bản. Ảnh: Getty.
“Karoshi” - thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người chết vì làm việc quá sức do thiếu ngủ - trở thành vấn nạn tại đất nước mặt trời mọc trong những năm gần đây. Năm 2013, nữ phóng viên 31 tuổi của đài truyền hình quốc gia NHK được phát hiện chết trên giường trong khi tay vẫn cầm điện thoại. Trước đó, người phụ nữ này đã làm thêm gần 160 giờ và chỉ được nghỉ hai ngày mỗi tháng. Năm 2017, một nhân viên 24 tuổi của công ty quảng cáo Dentsu đã nhảy từ cửa sổ tòa nhà sau khi đăng trạng thái: “Tôi sẽ chết. Tôi quá mệt mỏi!” lên mạng xã hội. Công ty này sau đó bị phạt và CEO đã phải từ chức. Đối với Takanori Kobayashi, tình trạng thiếu ngủ triền miên đã khiến anh quyết tâm nghỉ việc ở công ty cũ và thành lập NeuroSpace, startup chuyên xây dựng chương trình ngủ trưa cho các công ty, tập đoàn ở Nhật Bản. “Sau khi tốt nghiệp và trở thành người làm công ăn lương, tôi đã bước vào một chu kỳ khủng khiếp. Tôi không thể ngừng suy nghĩ về những áp lực từ các đồng nghiệp lớn tuổi hơn khi đi ngủ. Điều đó có nghĩa là tôi không thể ngủ nhiều. Ngày hôm sau chuyện thiếu ngủ lại khiến tôi không thể làm việc hiệu quả”, Kobayashi nói. Thay đổi từ thói quen ngủ nghỉ đến văn hóa làm việc

Tháng 4/2019, luật mới giới hạn thời gian làm thêm giờ có hiệu lực tại Nhật Bản. Quy định chỉ cho phép mỗi người làm thêm tối đa 45 giờ mỗi tháng và 360 giờ mỗi năm nhằm chống lại văn hóa làm việc quá giờ và góp phần đảm bảo giờ ngủ cho người lao động.

Nhiều công ty đưa ra chính sách khuyến khích nhân viên ngủ trưa. Tại GMO Internet Group, một công ty có trụ sở ở Tokyo, trang bị một phòng nghỉ trưa cho nhân viên với 27 giường xếp và các loại tinh dầu thơm giúp ngủ ngon.

Sae Takahashi, đại diện GMO Internet Group nói: “Chúng tôi không khuyến khích ‘inemuri’. Mọi người nên biết cách tận dụng khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi thoải mái. Bằng cách này, chúng tôi hy vọng nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn vào buổi chiều”.

Vì sao người trẻ Nhật Bản quen ngủ vạ vật nơi công cộng? ảnh 2 Công ty Nhật Bản nỗ lực để nhân viên được ngủ trưa một cách đàng hoàng. Ảnh: GMO Internet Group.
Kể từ năm 2014, NeuroSpace đã làm việc, tư vấn cho hơn 70 công ty để thay đổi văn hóa nghỉ trưa. Chỉ trong đầu năm 2019, số dự án NeuroSpace đã tăng gấp 3, 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Vì sao người trẻ Nhật Bản quen ngủ vạ vật nơi công cộng? ảnh 3
“Cuộc khủng hoảng xung quanh 'karoshi' đã thúc đẩy các công ty phải làm điều gì đó. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ mong đợi sự quan tâm và thay đổi thái độ nhanh chóng như trong vài năm gần đây”, người sáng lập NeuroSpace, Kobayashi nói. Các chương trình của NeuroSpace giúp giám sát giờ nghỉ và thói quen ngủ trưa của nhân viên, xây dựng văn phòng ngủ trưa, còn được biết với tên gọi “kamin” trong tiếng Nhật, tại các công ty. “Sự phổ biến của các 'kamin' sẽ giúp hạn chế tình trạng ngủ vật vã nơi công cộng trong tương lai”, Kobayashi nói. Học cách ngủ trưa đàng hoàng

Seiji Nishino, giám đốc phòng thí nghiệm sinh học tại ĐH Stanford, cho rằng mặc dù các quy định và chính sách của nhà nước, doanh nghiệp ngày càng đề cao giá trị của giấc ngủ, vẫn còn chặng đường dài để khiến người Nhật từ bỏ thói quen bạ đâu ngủ đó.

“Trước đây, học sinh thường ngủ trưa ở trường. Tuy nhiên, trong vài thập niên qua, trẻ em đã không còn có thói quen này nữa. Điều này khiến người Nhật ngày nay rất hiếm khi ngủ trưa”, ông Nish Nishino nói.

Năm 2018, trường trung học Meizen ở Fukuoka gây chú ý khi số học sinh đỗ vào ĐH Tokyo - một trong những ngôi trường uy tín của Nhật Bản - tăng gấp đôi so với năm trước.

Một trong những bí quyết thành công được nhà trường tiết lộ không phải là việc gia tăng giờ học, các lớp luyện thi hay bài tập về nhà... mà chính là áp dụng thời gian nghỉ trưa 10 phút sau mỗi bữa ăn trước khi bắt đầu tiết học thứ 5 trong ngày.

Vì sao người trẻ Nhật Bản quen ngủ vạ vật nơi công cộng? ảnh 4 “Karoshi” - thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người chết vì làm việc quá sức do thiếu ngủ - trở thành vấn nạn tại đất nước mặt trời mọc. Ảnh: AP, CNN.
Tại thành phố Osaka, chính quyền địa phương đã hợp tác với ĐH Osaka để theo dõi và phân tích thói quen ngủ của học sinh tiểu học và trung học trên toàn tỉnh. Đến tháng 1/2019, 6.000 trẻ em đã tham gia nghiên cứu này. Kết quả cho thấy 15% học sinh không hề mệt mỏi khi ngủ trung bình 8,7 giờ mỗi ngày và 16% cho biết họ cực kỳ mệt mỏi khi ngủ ít hơn 7,7 giờ. Khi chất lượng giấc ngủ ngày càng được xem trọng, các thiết bị, sản phẩm để giúp con người ngủ ngon hơn, được gọi chung là ngành công nghiệp ngủ, có cơ hội phát triển. Nhiều ứng dụng có sẵn trên thị trường hiện được sử dụng cùng với các chương trình ngủ tại các công ty, tập đoàn lớn của Nhật. "Lý tưởng nhất là khi không cần phải phụ thuộc vào công nghệ, chúng ta vẫn có thể ngủ ngon. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, chúng tôi cần thực hiện điều chỉnh thói quen một cách tự nhiên và từ từ từng bước một", Kobayashi của công ty NeuroSpace nói.
Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG