Từ 1/7, việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến sẽ được thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông. Đồng thời thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của chỉ huy cấp đội trở lên thuộc phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an các địa phương và các đơn vị trực thuộc Cục CSGT.
Bên lề cuộc họp báo sáng 1/7, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan.
Sau một thời gian thực hiện, ông đánh giá thế nào về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nộp phạt qua mạng?
Đến 6 giờ sáng hôm nay (1/7), lực lượng CSGT toàn quốc đã đăng vào hệ thống chung Cổng Dịch vụ công quốc gia 13.000 trường hợp, trong đó 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nộp tiền tại Cổng dịch vụ công quốc gia còn hạn chế. Cụ thể, chúng tôi mới chỉ nhận được 97 trường hợp.
Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp nhanh nhất cho người dân các thông tin có liên quan, gồm biên bản vi phạm, quyết định xử phạt để người dân lựa chọn các hình thức thực hiện quyết định xử phạt.
Hiện nay, số điện thoại của cá nhân rất quan trọng để cung cấp nhanh nhất thông tin cho người dân, tuy nhiên lại không có trong các văn bản luật trên. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn vận động để người dân tự nguyện. Trường hợp nào cung cấp số điện thoại thì thông tin về việc ra quyết định xử phạt sẽ được gửi trực tiếp đến người vi phạm nhanh nhất. Chúng tôi cũng muốn có địa chỉ thư điện tử để gửi thông tin nhanh nhất.
Về việc này, chúng tôi đang phối hợp cùng Kho bạc Nhà nước để định danh, số hoá các mã số nộp phạt để tạo thuận lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là phải đổi mới quy trình xử phạt vi phạm. Ví dụ, với trường hợp bị tước giấy phép lái xe phải có 5 ngày để giải trình thì sẽ chậm.
Một khó khăn khác là người dân phải có tài khoản, có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin mới chủ động được. Nhưng với trách nhiệm của CSGT là cung cấp các thông tin nhanh nhất về quyết định xử phạt thì chúng tôi bước đầu đã làm được.
Còn làm sao để người dân thực hiện dịch vụ đó thì cần sự phối hợp và nghiên cứu rất kỹ của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đặc biệt là Kho bạc Nhà nước và các đơn vị được uỷ quyền của Kho bạc Nhà nước được thanh toán.
Việc nộp phạt trực tuyến góp phần phòng chống tiêu cực, tham nhũng vặt như thế nào, thưa ông?
Khi một vi phạm đã được lập biên bản và ra quyết định xử phạt thì đã là “giấy trắng, mực đen”. Hiện nay Bộ Công an chỉ đạo và chúng tôi thực hiện nghiêm là tăng cường hệ thống giám sát.
Ngay tối hôm qua (30/6), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã sang thăm trung tâm chỉ huy của lực lượng CSGT với hệ thống giám sát trên một số tuyến quốc lộ và tuyến cao tốc. Với hệ thống này, tất cả hành vi vi phạm sẽ được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ.
Việc ra quyết định xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ là một bước, nhưng khi đã “giấy trắng, mực đen” rõ ràng thì không có chuyện tiêu cực.
Ông có thể cho biết lộ trình lắp đặt hệ thống giám sát tại các cao tốc, quốc lộ?
Chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo lắp dần. Hiện cao tốc Hà Nội – Lào Cai đang bắt đầu đưa vào vận hành hệ thống giám sát. Tất cả thông tin liên quan, đặc biệt vi phạm về dừng, đỗ, tốc độ đều được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ thay cho con người.
Chúng tôi chỉ kiểm soát ở các trạm thu phí. Hiện nay, qua một số trạm thí điểm, xe vi phạm đến trạm thu phí sẽ có bảng thông tin điện tử, đèn cảnh báo và các dòng chữ thể biển số xe và nội dung hiển thị “xe vi phạm lỗi”.
Chúng tôi cho rằng dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử và xử phạt điện tử sẽ minh bạch hóa, khách quan toàn bộ quá trình hoạt động. Đây là yêu cầu bắt buộc và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an là lực lượng CSGT phải đi đầu trong thực hiện công nghệ số.
Cảm ơn ông!