Bắc Ninh:

Vì sao người dân chưa đồng thuận di dời mộ để làm khu công nghiệp?

TPO - Nhiều hộ dân cho rằng không được lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ về việc di dời phần mộ của gia đình thuộc khu đất nghĩa trang Gò Cây Sữa để quy hoạch dự án Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong II-Phân Khu B (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Đồng thời, các hộ dân cũng cho rằng, khu đất nghĩa trang Gò Cây Sữa hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất của KCN nếu dự án đi vào hoạt động. Ngược lại nếu quy hoạch và có phương án cảnh quan, hạ tầng hợp lý đây có thể là địa điểm xanh và công viên tâm linh trong KCN.
Dân kiến nghị lấy ý kiến rộng rãi về đưa đất "nghĩa trang" vào KCN

Phản ánh đến báo Tiền Phong, nhiều hộ dân hai thôn Như Nguyệt và Nguyệt Cầu thuộc xã Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, việc lập Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Yên Phong II-Phân khu B (tỷ lệ 1/2000) đưa diện tích khu đất nghĩa trang cánh đồng Gò Cây Sữa với hàng trăm ngôi mộ vào quy hoạch là không phù hợp với thực tế sử dụng đất, quy hoạch Luật đất đai, Luật Xây dựng và các quy định khác có liên quan trình tự, thủ tục xây dựng, cấp phép của KCN.

Vì sao người dân chưa đồng thuận di dời mộ để làm khu công nghiệp? ảnh 1 Khu nghĩa trang tại Gò Cây Sữa của thôn Như Nguyệt trong diện bị thu hồi, giải phóng mặt bằng cho dự án Khu công nghiệp Yên Phong II-Phân Khu B.  

“Việc lập quy hoạch khi có phần đất nghĩa trang, mồ mả phải rất thận trọng và tuân thủ tập quán của cộng động dân cư, phải có sự đồng thuận và công khai thông tin khi lập quy hoạch. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi, những người có phần mộ nằm trong quy hoạch lại không được lấy ý kiến rộng rãi, công khai”, ông Chu Văn Vũ thôn Như Nguyệt - người dân có phần mộ cha ông nằm trong quy hoạch phải di dời nhường chỗ cho dự án KCN Yên Phong II - phân khu B nói.

Theo ông Vũ, đến nay nhiều hộ gia đình cũng không được mời dự họp liên quan đến việc di dời cũng như các vấn đề liên quan phê duyệt quy hoạch dự án không được lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng cư dân, đặc biệt là những hộ dân có mộ tại khu nghĩa trang Gò Cây Sữa.

“Chúng tôi đã kiến nghị với các cấp chính quyền và Ban Quản lý KCN Yên Phong II xem xét để gia đình được giữ nguyên hiện trạng phần mộ tại Gò Cây Sữa ở thôn Như Nguyệt. Việc mồ mả là linh thiêng và tâm linh của mỗi gia đình và dòng họ từ lâu nay nên ai cũng mong muốn để nguyên, trường hợp phải di dời thì các cấp có thẩm quyền phải công khai, phải bàn tính kỹ với các hộ dân liên quan để tạo sự đồng thuận”, ông Vũ chia sẻ.

Được biết, Dự án KCN Yên Phong II - Phân khu B có diện tích khoảng 273ha nằm trên địa bàn các xã Tam Giang, Yên Phụ, Hòa Tiến và thị trấn Chờ (huyện Yên Phong). Dự án đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 848/QĐ-UBND ngày 13/12/2019 do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2.358 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 27/9/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định 605 phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Yên Phong II-Phân khu B (tỷ lệ 1/2000). Theo đó, phạm vi quy hoạch có khoảng 20 khu vực có mồ mả. Do đó, trong đồ án đã quy hoạch 3 nghĩa trang tập trung, trong đó có 1 khu nghĩa trang của thôn Như Nguyệt và thôn Nguyệt Cầu, có quy mô 4,2 ha.

Đề xuất giữ khu "nghĩa trang" thành công viên tâm linh
Ông Nguyễn Ngọc Quang sinh sống tại thôn Như Nguyệt cho rằng, khu đất nghĩa trang, mồ mả ở Gò Cây Sữa hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất của KCN (nếu dự án đi vào hoạt động). Ngược lại nếu quy hoạch và có phương án cảnh quan, hạ tầng hợp lý đây có thể là địa điểm xanh và công viên tâm linh trong KCN.
"Các hộ dân chúng tôi trong đơn kiến nghị gửi các cấp tỉnh Bắc Ninh đều mong muốn các cấp kiểm tra quy hoạch và có biện pháp để giữ nguyên khu mồ mả hiện nay. Trường hợp di dời hay quy hoạch lại, các cấp chính quyền cần công khai, cần đối thoại để tạo sự đồng thuận của người dân", ông Quang nói. 
Vì sao người dân chưa đồng thuận di dời mộ để làm khu công nghiệp? ảnh 2 Người dân đề xuất quy hoạch khu đất nghĩa trang Gò Cây Sữa thành địa điểm xanh và công viên tâm linh trong khu công nghiệp. 
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Lê Đắc Khanh cho biết, liên quan đến quy hoạch KCN Yên Phong II-Phân khu B trước khi lập quy hoạch đã tổ chức họp và lấy ý kiến của cộng đồng dân cư các thôn.

“Liên quan đến vấn đề di dời mồ mả trong quy hoạch của KCN sau khi dự án được phê duyệt quy hoạch và tiến hành các bước để thu hồi đất thì một số hộ dân có mộ đã có ý kiến và gửi đơn thư tới các cấp”, ông Khanh nói.
Đề cập về hồ sơ pháp lý, biên bản cuộc họp cũng như phiếu lấy ý kiến của cộng đồng dân cư liên quan đến dự án KCN này, vị Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho hay, phía xã Tam Giang chỉ phối hợp thực hiện, còn hồ sơ, tài liệu do Hội đồng GPMB huyện Yên Phong quản lý.
Được biết, liên quan đến kiến nghị của các hộ dân về việc di dời mộ ở thôn Như Nguyệt, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 370 cho rằng: "Việc quy hoạch nghĩa trang tập trung đã được UBND xã tổ chức lấy ý kiến tại các hội nghị và được đa số nhân dân trong xã đồng thuận; Thực tế đã có trên 60% số hộ có mộ ở đây nhận tiền GPMB?". 

Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Trần Thanh Quyết, Công ty TNHH Hà Quyết và Cộng sự cho biết, chủ trương phát triển KCN là đúng nhưng vẫn cần một quy trình chặt chẽ về pháp lý và công khai tới người dân theo quy định của pháp luật về đất đai.

"Các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc kiểm tra lại quy trình thực hiện thủ tục đất đai từ cấp xã. Nhất là khi khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến khu đất mồ mả thì càng cần sự minh bạch và đồng thuận từ người dân, nhất là khi số lượng mộ nằm trong quy hoạch khá lớn", Luật sư Quyết nói.

MỚI - NÓNG