Thanh Hóa:
Vì sao người bị tâm thần tăng đột biến?
Lẫn lộn
Theo kết quả điều tra, tổng hợp của Phòng Lao động-Thương binh và xã hội huyện Triệu Sơn, đến tháng 3-2011, toàn huyện có tới hơn 2.000 người có xác nhận bị bệnh tâm thần của Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa. Riêng trong năm 2011, có tới hơn 600 người có xác nhận bị bệnh tâm thần.
Trước đây, nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người tàn tật, người nghèo, người có xác nhận bị tâm thần thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, NĐ 13 (tháng 2-2010) ra đời quy định người có xác nhận bị bệnh tâm thần, không cần là hộ nghèo vẫn được hưởng trợ cấp 270.000 đồng/tháng.
Cũng chính từ thời điểm này, ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, hồ sơ xin được hưởng trợ cấp với bệnh án mắc bệnh tâm thần cứ ùn ùn chuyển về cơ quan chức năng. Trước tình trạng này, nhiều hộ chính sách đứng trước mâu thuẫn: Nếu xác nhận cho đối tượng hưởng tiền trợ cấp thì sợ ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của chính sách, còn không xác nhận thì vi phạm quy định, vì các hồ sơ hầu hết là đầy đủ các thủ tục, giấy tờ.
Xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn có nhiều người được xác nhận tâm thần nhất huyện. Nhiều người đùa cợt rằng, ai đi về hoặc qua xã Nông Trường phải cẩn thận, vì toàn xã hiện nay có tới hơn 150 người bị tâm thần ít nhất là trên giấy tờ.
“Hiện nay, toàn xã Nông Trường có hơn 150 hồ sơ người bị tâm thần xin xác nhận để hưởng trợ cấp tiền hằng tháng theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, mới chỉ có 83 hồ sơ được xác nhận để hưởng trợ cấp. Riêng năm 2010 có tới hàng chục hồ sơ xác nhận tâm thần của dân ở xã gửi lên.
Số hồ sơ chưa được xét duyệt đang chờ cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu do bị nghi ngờ tính xác thực về thời gian sổ theo dõi bệnh quá mới. Thật khó để phân biệt sổ thật sổ giả, người bệnh giả, người bệnh thật” - Trần Quốc Quảng- cán bộ xã Nông Trường trao đổi.
Bỏ phiếu kín chọn bệnh nhân tâm thần
Để được Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa xác nhận bị bệnh tâm thần, người bệnh phải qua một lần khám sàng lọc tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện. Sau khi điều trị ổn định, bệnh nhân được chuyển về Trung tâm Y tế dự phòng lập hồ sơ quản lý. Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Triệu Sơn cho biết, đến thời điểm này, đơn vị chưa nhận được đơn từ phản ánh tình trạng bệnh nhân tâm thần giả từ phía nhân dân.
Trong khi đó, bức xúc với tình trạng số bệnh nhân bị bệnh tâm thần tăng đột biến, ông Nguyễn Xuân Khâm- Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Triệu Sơn chia sẻ: “Chưa có cơ sở để khẳng định có hay không đường dây làm hồ sơ người bị bệnh tâm thần để hưởng trợ cấp, nhưng có nhiều căn cứ để nghi ngờ rằng nhiều người đang lợi dụng chính sách này của Nhà nước. Song về mặt nghiệp vụ, chúng tôi không thể kiểm tra và khẳng định một người nào đó có hồ sơ mắc bệnh tâm thần là tâm thần giả hay tâm thần thật. Chúng tôi đã phải sử dụng nhiều biện pháp nhằm loại hồ sơ giả bằng cách cho nhân dân địa phương bỏ phiếu kín về số bệnh nhân tâm thần trên địa bàn. Tuy nhiên biện pháp này không mang lại hiệu quả. Hiện nay, chúng tôi đang sử dụng biện pháp tạm thời gác lại những hồ sơ có sổ theo dõi bệnh xác nhận từ năm 2010. Tuy nhiên, vấn đề này nếu cấp tỉnh không chỉ đạo làm rõ tình trạng vì sao bệnh nhân tâm thần tăng đột biến thì vấn đề xã hội này sẽ rất bất ổn. Trong khi đó, biện pháp tạm thời của chúng tôi đang thực hiện không thể kéo dài. Hồ sơ đầy đủ giấy tờ thì chúng tôi sẽ phải xác nhận cho đối tượng để hưởng tiền trợ cấp”.