Vì sao liên tiếp xảy ra tai nạn thảm khốc chết nhiều người?

Hiện trường xe tải đâm vào đoàn người đi bộ tại Hải Dương. Ảnh: PV
Hiện trường xe tải đâm vào đoàn người đi bộ tại Hải Dương. Ảnh: PV
TP - Liên tiếp hàng loạt tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, trách nhiệm luôn được đặt ra, nhưng theo các chuyên gia, không rõ ai chịu trách nhiệm chính.

Hậu quả của buông lỏng và sai chiến lược

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên GĐ Nhà Xuất bản GTVT) cho rằng, nói tới trách nhiệm khi xảy ra tai nạn thì có nhiều, như Ủy ban ATGT, Bộ GTVT, Cảnh sát giao thông, chủ phương tiện, tài xế, cả xã hội… “Trách nhiệm là vô cùng. Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành không có quy định nào chi tiết, ràng buộc trách nhiệm của từng bên, đặc biệt chủ phương tiện”, ông Thủy nói. Theo đó, chủ phương tiện đầu tư, kinh doanh xe, lợi nhuận thu về, nhưng những ràng buộc về kỷ luật, văn hoá giao thông, trách nhiệm khi xảy ra tai nạn không có gì.

Theo ông Thuỷ, vừa qua Bộ GTVT đã buông lỏng quản lý với chủ phương tiện, buông lỏng hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe. Dẫn tới doanh nghiệp buông lỏng cho lái xe nghiện ma tuý, sử dụng chất kích thích tuỳ tiện, điều khiển xe quá giờ quy định.

“Hiện trên đường có tới 2 lực lượng thực thi pháp luật là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông. Mỗi lực lượng phụ trách một lĩnh vực. Những lực lượng này dư luận đã nói nhiều, không ít vụ người dân phát hiện tham nhũng, chung chi, bảo kê cho xe vận tải. Do đó, phải chấn chỉnh lại các lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt cảnh sát giao thông, khi lên kiểm tra xe phải nghiêm túc, không qua loa kiểu cho có”, ông Thủy nói. Đồng thời, phải có quy định ràng buộc trách nhiệm chủ phương tiện với tài xế của mình. Có thể, nếu doanh nghiệp nào có xe gây tai nạn sẽ giám sát, kiểm tra đặc biệt trong thời gian 6 tháng, 1 năm. Thậm chí, đình chỉ có thời hạn với lãnh đạo doanh nghiệp vận tải.

Theo chuyên gia trên, chiến lược giao thông vận tải thời gian qua chưa đúng, khi quá ưu ái đường bộ. “Bộ GTVT cứ phấn đấu hàng năm có thêm nhiều km đường bộ, xem đó là thành tích, điều này là sai lầm. Trong khi đường sắt, đường thủy với nhiều lợi thế, chi phí rẻ, an toàn cho xã hội lại không được tập trung khai thác, sao chỉ có đường bộ Bắc - Nam. Đường sắt an toàn gấp 7-8 lần đường bộ, sao không tập trung? Do đó, muốn giải quyết vấn nạn tai nạn giao thông chỉ có cách thay đổi chiến lược phát triển giao thông vận tải sang đường sắt, đường thủy”, ông Thủy đề xuất. 

Tài xế quá nhiều sức ép?

Chủ một doanh nghiệp vận tải lớn ở Thái Bình (xin giấu tên) chia sẻ, tình trạng lái xe, đặc biệt xe tải, container đường dài sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma tuý đã có từ lâu, không phải giờ mới có. Thường chủ phương tiện khoán xe cho tài xế, tài xế hoạt động độc lập, ít chịu điều hành, giám sát của doanh nghiệp. Cùng đó, nhiều tuyến đường qua đô thị cấm xe tải lớn, container lưu thông ban ngày, chỉ được chạy đêm, nên nhiều xe tới đô thị phải dừng lại chờ giờ được đi. Trong thời gian chờ đợi, lái xe không biết làm gì, “nhàn cư vi bất thiện”, nên phải đốt thời gian bằng cách bài bạc, ăn nhậu, rủ nhau sử dụng ma tuý. Ngày không chạy xe thì tụ tập chơi bời, tối lại chạy xe nên không có thời gian nghỉ ngơi, sức khoẻ không đảm bảo, khi điều khiển xe dễ gây tai nạn.

Lãnh đạo doanh nghiệp vận tải trên cũng trăn trở với chiến lược giao thông hiện nay, khi phát triển đường bộ quên đường sắt với đường thuỷ (loại vận tải vừa rẻ, vừa an toàn). Hậu quả xe tải chạy ngập đường, tai nạn sẽ khó tránh khỏi. “Tất cả do hệ thống kết nối các loại hình vận tải của ta chưa tốt”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói. Theo đó, vị này đồng tình với việc siết trách nhiệm doanh nghiệp với tài xế. Đồng thời, thống nhất lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông như nhiều nước đã làm, để xác định rõ trách nhiệm.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay, sai phạm của tài xế điều khiển xe tải BKS 29C- 719.53 gây tai nạn, và doanh nghiệp chủ xe đã rất rõ ràng. Do đó, đã yêu cầu Sở GTVT xử lý nghiêm theo quy định, đặc biệt liên quan tới việc doanh nghiệp  không chuyển thông tin “hộp đen” lên Tổng cục.

Ủy ban ATGT Quốc gia có Công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia. Theo đó, Phó Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương. Phó Thủ tướng yêu cầu Công an tỉnh Hải Dương điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân liên quan. Bộ GTVT có trách nhiệm kiểm tra toàn diện với doanh nghiệp chủ xe, xử lý nghiêm nếu có sai phạm; xác minh quá trình sát hạch cấp giấy phép lái xe và hồ sơ chứng nhận sức khỏe của lái xe gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.

MỚI - NÓNG
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
TPO - Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sống dưới chân núi Sọ thuộc thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) phải thấp thỏm, lo sợ khi sống cạnh chân núi bị sạt lở. Hiện nhiều điểm đã có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng khiến người dân càng lo lắng khi mưa bão đã về.
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
TPO - Công an tỉnh Bình Thuận điều động và bổ nhiệm thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự đến nhận công tác, giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam; điều động thượng tá Trần Văn Tươi, Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám thị Trại Tạm giam.