Vì sao lãi hơn 2.600 tỷ đồng vẫn tăng giá điện?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
TPO - Giá điện không có sự điều chỉnh từ tháng 3/2015 đến nay, trong khi đầu vào của những thứ làm ra điện tăng cao, đặc biệt là than.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/12, phóng viên đặt câu hỏi: "Bộ Công Thương đưa ra nghị định tăng giá điện bán lẻ lên 6,08%. Tuy nhiên, trong báo cáo đưa ra thì sản xuất điện có thể lỗ 600 tỷ đồng nhưng lãi của hoạt động sản xuất điện vẫn hơn 2.600 tỷ đồng. Vậy xin hỏi tại sao lại đưa ra quyết định điều chỉnh giá điện tăng 6,08% ở thời điểm này?"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Vấn đề giá điện nói riêng cũng như giá cả của các mặt hàng thiết yếu nói chung đều được các cấp lãnh đạo, từ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, nhất là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hết sức quan tâm.

Từ các vấn đề vĩ mô như điều chỉnh giá điện có thể ảnh hưởng gì đến GDP, chỉ số giá tiêu dùng CPI, cho đến những vấn đề vi mô như liệu có ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng tới giá cả của các mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt thép… và điều hết sức quan trọng là ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người dân.

“Chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua, từ tháng 3/2015 đến nay, nghĩa là 2 năm 9 tháng, giá điện không có sự điều chỉnh, trong khi đầu vào của những thứ làm ra điện tăng rất nhiều, đặc biệt là than và nhiều yếu tố khác", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Cũng theo Thứ trưởng Hải, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói rất kỹ về vấn đề này. "Tại sao phải tăng giá điện và tăng vào thời điểm nào? Theo đánh giá, ngành điện trong thời gian vừa qua đã có những cố gắng nhất định. Ví dụ, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiết kiệm điện năng năm 2016 chúng ta đứng thứ 96 các quốc gia và vùng lãnh thổ, đến 2017 đã đứng thứ 64. Như vậy đã tăng được 32 bậc trong vòng một năm", Thứ trưởng Hải trao đổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, để đánh giá được tại sao tăng và tăng như thế nào về giá điện, Chính phủ đã thành lập tổ công tác bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Nguyên tắc kiểm tra là kiểm tra chi phí của năm 2016 tại sao lại tăng và ảnh hưởng đến giá điện như thế nào.

Trong quá trình đánh giá, Thứ trưởng Hải cho biết: Nguyên tắc thứ nhất là chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Thứ hai là tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Thứ ba là kiểm tra chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hoá có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc Công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.

“Đây không chỉ là đánh giá của tổ kiểm tra mà còn có sự giám sát của Công ty kiểm toán uy tín quốc tế Deloitte. Đối với biến động của việc tăng giá này đã có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương và EVN”, Thứ trưởng Hải cho hay.

MỚI - NÓNG