Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cao tốc Bắc – Nam luôn được đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Kế hoạch đầu tiên là đấu thầu quốc tế nhưng sau đó đấu thầu ở Việt Nam, vì các đại biểu cho rằng nên mở rộng cho doanh nghiệp Việt Nam tổ chức đấu thầu chứ không nên cho doanh nghiệp nước ngoài vào.
Vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào nhiều dự án làm cản trở và quá trình thực hiện không đúng tiến độ, nhiều chi phí tăng lên gấp 2 lần nên gây khó khăn.
Vì thế, Bộ GTVT có định hướng rà soát để doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu, Bộ xây dựng có ý kiến chỉ định thầu.
“Tôi không đồng tình chỉ định thầu vì theo quy định luật pháp phải đấu thầu. Trong việc chỉ định thầu luôn có biểu hiện không lường được là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích doanh nghiệp và đồng thời không dễ rà soát được đối tượng chỉ định thầu đó có đúng hay không.
Có những doanh nghiệp khi làm đường treo bảng biển bảo hành 5 năm, và thực tế sau 5 năm con đường đó vẫn rất đẹp thì có nên chỉ định thầu những đối tượng đó không? Bây giờ chỉ định doanh nghiệp thua lỗ, nợ vốn, năng lực cạnh tranh hạn chế nên tôi hoàn toàn không đồng tình”, ông Phương cho hay.
Đại biểu đề nghị phải xem xét lại quá trình cạnh tranh, doanh nghiệp nào quản lý chỉ đạo mà sức cạnh tranh yếu, phải xem xét lại lãnh đạo doanh nghiệp ấy có hay không bổ nhiệm lại, hoặc điều chuyển chỗ khác thay thế.
“Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không nên có giải pháp đầu tư, giúp đỡ và tạo điều kiện thì không công khai minh bạch, đây có thể là biểu hiện chạy chọt và lợi ích nhóm”, ông Phương nói.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh
Người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm
Cũng liên quan đến kiến nghị giao Công ty Sông Đà làm dự án, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho rằng, đó là việc của Chính phủ, vì trên thực tế, khi triển khai phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện có 2 hình thức triển khai, một là đấu thầu, hai là chỉ định thầu. Về mặt nguyên tắc thì ưu tiên đấu thầu, vì sẽ chọn được những nhà thầu đủ năng lực, trình độ để triển khai tốt nhất theo yêu cầu của gói thầu. Trong trường hợp 2 cũng có thể chỉ định thầu theo quy định của pháp luật. Còn chỉ định ai phải đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu. Chỉ một đơn vị mà xảy ra chậm tiến độ là trách nhiệm của người chỉ định thầu.
“Muốn chỉ định thầu, phải xác định được tiêu chí để chỉ định. Đấu thầu cũng như vậy, anh phải xác định được tiêu chí, thứ nhất phải có năng lực thi công, thứ 2 phải có năng lực tài chính. Nếu không có năng lực tài chính thì lấy đâu để thi công? Rõ ràng đây là câu chuyện hồ sơ mời thầu và người quyết định hồ sơ mời thầu, phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Đây là việc của người quyết định. Còn tôi cho rằng, một người có đầy đủ, khoẻ mạnh bao giờ cũng tốt hơn người bị khiếm khuyết.
Pháp luật đã quy định trách nhiệm của từng người, từng cấp. Nếu tôi là vai đấy tôi sẽ xác định được ngay, nhưng tôi không phải vai đấy nên rất khó bình luận vì phải có đẩy đủ thông tin”, ông Sinh cho hay.
Trả lời vấn đề các bộ, ngành muốn “o bế” để doanh nghiệp trực thuộc tham gia làm dự án, để cứu vãn vượt qua khó khăn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế tiếp tục nhấn mạnh đến hồ sơ mời thầu, đánh giá năng lực của đơn vị đó và “mỗi người phải chịu trách nhiệm về mỗi vai nhất định”.
Trước đó, Tổng công ty Sông Đà đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng bày tỏ mong muốn được chỉ định thầu làm một số dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Bộ Xây dựng lý giải, trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là thuỷ điện, Tổng Cty huy động số lượng lao động lớn, đầu tư nhiều thiết bị. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, Tổng Cty gặp nhiều khó khăn, áp lực để duy trì việc làm, đảm bảo đời sống lao động và thiết bị đã đầu tư.
Tổng công ty Sông Đà đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD nhưng không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Trong đó, công ty mẹ vay 73,9 triệu USD, Công ty CP xi măng Hạ Long vay 25,59 triệu USD, Công ty CP thủy điện Cần Đơn vay 5 triệu USD, Công ty CP Sông Đà 4 vay 3 triệu USD…
Riêng nợ gốc, lãi vay, phí cho vay lại đến hạn của tổng công ty tạm tính khoảng 6,1 triệu USD.