Đường sắt đô thị ì ạch, đội vốn: Nước ngoài từ chức ngay, còn mình đâu có?

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn và nhiều lần lỗi hẹn gây bức xúc cho người dân
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn và nhiều lần lỗi hẹn gây bức xúc cho người dân
TPO - Bên hành lang Quốc hội sáng 8/6, Uỷ viên Thương trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh trả lời phóng viên xoay quanh trách nhiệm liên quan đến các dự án đường sắt đô thị đội vốn, kéo dài.

Đối với những dự án kém hiệu quả, đội vốn, chậm tiến độ nhưng việc kiểm điểm trách nhiệm rất khó, ví như đường sắt đô thị, cũng chưa thấy ai chịu trách nhiệm, thưa ông?

Đây là chuyện thực sự rất đáng buồn. Nếu trên thế giới, một việc xảy ra thì tư lệnh ngành ít nhất phải chịu trách nhiệm chính trị, người ta xin từ chức ngay. Còn mình có đâu. Cái đó gọi là văn hoá, chúng ta phải xem lại.

Vấn đề này tồn tại ở nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ lĩnh vực đó, đường sắt chỉ là cái cụ thể. Từ việc cổ phần hoá chậm trễ, Chính phủ chỉ đạo rất nhiều là phải kiểm điểm trách người nọ, cách chức người kia nhưng có làm thiếu quyết liệt, cuối cùng vẫn chậm có sao đâu. Chả sao cả! Đó là sự không nghiêm, mà không nghiêm thì dẫn đến như thế.

Vậy theo ông thì xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ đường sắt Cát Linh – Hà Đông thế nào?

Từ đầu đến nay, tất cả những người liên quan đều phải xem trách nhiệm của ai, tổ chức nào, đến đâu.

Đường sắt đô thị ì ạch, đội vốn: Nước ngoài từ chức ngay, còn mình đâu có? ảnh 1 Uỷ viên Thương trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh

Hai đời bộ trưởng, nghỉ hết rồi xử lý ra sao?

Ông so sánh văn hóa từ chức ở các nước với chúng ta, vậy theo ông, để xảy ra đường sắt chậm tiến độ, đội vốn như thế đã đến mức phải từ chức chưa?

Khổ quá, dự án đã qua 2 đời rồi. Các ông đã nghỉ hết cả rồi.

Nhưng mình có cơ chế xử lý cả người về hưu, không có vùng cấm?

Đây là câu chuyện phải đi vào vấn đề cụ thể, rất khó. Chẳng hạn, lúc đó tôi chỉ có chủ trương như thế, còn các anh triển khai khác thì đã khác ý của tôi. Mình muốn đi vào vấn đề cụ thể thì phải có thông tin đầy đủ mới bình luận được. Không thể bình luận khi không có cơ sở được. Nhìn cảm quan như thế nhưng đi vào cụ thể thì không phải thế thì sao. Nói tóm lại, tôi chỉ nói về mặt nguyên tắc.

Với một dự án đội vốn, chậm tiến độ như vậy, theo ông, Quốc hội có nên giám sát chuyên đề về đường sắt Cát Linh – Hà Đông không?

Tôi thấy rằng, đến một lúc nào đó cần thiết cũng phải làm. Nhưng không phải 1 đường sắt này mà một số dự án đã gây ra bức xúc trong xã hội cũng cần thiết để minh bạch. Ví dụ tất cả những dự án có quy mô lớn, những dự án mang tính chất điển hình gây bức xúc.

Riêng trong lĩnh vực này tôi thấy chắc phải cần vì qua đấy để chúng ta rà soát lại xem vướng mắc do nguyên nhân từ đâu, có phải do pháp luật không? Nếu từ pháp luật thì Quốc hội phải xem xét để sửa luật hoặc nếu do tổ chức thực hiện cũng phải kiến nghị sang để các cấp để tổ chức thực hiện tốt hơn.

Cảm ơn ông.
MỚI - NÓNG